Collagen không chỉ tồn tại trong lớp hạ bì của làn da, mà nó còn nằm ở nhiều bộ phận khác trong cơ thể mà con người có thể tự sản xuất hoặc bổ sung từ thực phẩm chức năng và nhiều nguồn thực phẩm khác bên ngoài. Hãy cùng chuyên mục Mẹo vào bếp tìm hiểu ngay collagen là gì? Các loại collagen cùng với việc bạn nên ăn gì để có nhiều collagen ra sao nhé! 1. Collagen là gì? Tên gọi của collagen xuất phát từ tiếng Hy Lạp. Nó là một loại protein, là thành phần chính trong nhiều mô liên kết bên trong cơ thể. Cụ thể, collagen tồn tại và chiếm khoảng 70% ở lớp hạ bì của làn da, 50% của khớp, gần 100% của giác mạc và khoảng 20% của xương. Ngoài ra, collagen cũng được tìm thấy trong trong ruột, đĩa đệm, ngà răng, mạch máu,... Collagen gồm các axit amin liên kết với nhau để tạo thành chuỗi xoắn ba của những sợi collagen kéo dài, nên được tìm thấy nhiều trong các mô sợi như ở mô da, gân và dây chằng. Hơn nữa, tùy theo mức độ khoáng hóa, các mô collagen có thể ở dạng cứng (như nằm trong mô xương) hoặc dạng mềm (nằm trong gân), thậm chí ở dạng cứng cho đến dạng mềm như nằm ở phần sụn. Collagen giữ vai trò chính trong màng sợi cơ (gọi là endomysium), chiếm khoảng 1 - 2% của mô cơ và khoảng 6% trọng lượng của những cơ bắp và gân. Gelatin là một dạng collagen đã bị thủy phân và không thể phục hồi như trạng thái ban đầu vốn có của collagen. 2. Các loại collagen Có thể thấy, collagen tồn tại ở nhiều bộ phận trong cơ thể, từ xương và da cho đến mạch máu, gân, dây chằng. Dưới đây là một số loại collagen mà bạn nên biết như: Các loại collagen trong cơ thể Trong cơ thể, collagen có ít nhất 16 loại, đảm nhiệm chức năng riêng, có thể được chia thành 4 nhóm sau: Nhóm loại I: chiếm khoảng 90% collagen trong cơ thể, tạo nên những sợi collagen dày đặc trong cấu trúc của da, sụn sợi, mô liên kết, gân, xương và răng. Nhóm loại II: tạo nên những sợi collagen lỏng lẻo hơn so với loại I và được tìm thấy ở phần sụn đàn hồi ở giữa các khớp. Nhóm loại III: Là những sợi collagen cấu trúc ở cơ, động mạch và cơ quan. Nhóm loại IV: Là những sợi collagen nằm trong các lớp da. Vì thế, khi càng lớn tuổi thì cơ thể sẽ sản xuất ít collagen và chất lượng kém hơn, làm cho da kém mềm mại và săn chắc. Các loại collagen theo chế phẩm Việc bổ sung collagen có nhiều dạng chế phẩm khác nhau mà bạn có thể tìm thấy trên thị trường: Viên nang collagen: dùng để uống với hàm lượng collagen được tính toán kĩ trong mỗi viên nang. Thuốc bôi collagen dạng gel: dùng thoa trực tiếp lên da. Nước uống collagen: uống trực tiếp để bổ sung collagen. Bột collagen: hòa tan với nước lọc hoặc nước ép trái cây rồi mới uống. 3. Ăn gì có nhiều collagen? Để cải thiện sức khỏe làn da cũng như nâng cao sự hoạt động của những bộ phận khác trong cơ thể, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng sau: Vitamin C Phần lớn collagen ở dạng procollagen và bạn có thể bổ sung procollagen vào cơ thể bằng cách dùng nhiều thực phẩm có chứa vitamin C như ớt chuông, dâu tây và nhất là các loại trái cây họ cam quýt. Vì vitamin C có chứa 2 loại axit amin là glycine và proline, kết hợp với nhau sẽ tạo ra procollagen. Proline Proline là một trong những axit amin có liên quan đến collagen và bạn có thể bổ sung những thực phẩm có chứa proline như mầm lúa mì, bắp cải, nấm, măng tây, lòng trắng trứng và các sản phẩm từ sữa. Glycine Tương tự như proline, glycine cũng là yếu tố tạo nên collagen nên bạn hãy dùng những thực phẩm có chứa loại axit amin này như da gà, da lợn, gelatin và những thực phẩm chứa protein khác. Đồng Việc bổ sung khoáng chất đồng cũng góp phần củng cố lượng collagen trong cơ thể. Do đó, hãy chọn dùng những thực phẩm giàu đồng như bột ca cao, đậu lăng, hạt điều, hạt vừng và thịt nội tạng. 4. Các hoạt động gây hại cho collagen Collagen có thể tự sản xuất trong cơ thể hoặc cần được bổ sung từ nguồn thực phẩm bên ngoài. Tuy nhiên, để duy trì và bảo vệ collagen một cách tối ưu thì bạn cần tránh những yếu tố tác động tiêu cực đến nó như: Ăn nhiều đường và tinh bột trắng: Đường và tinh bột trắng sẽ là nhân tố làm cản trở khả năng tự phục hồi của collagen. Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời: Bức xạ của tia cực tím cũng trở thành những yếu tố làm giảm quá trình sản xuất collagen trong cơ thể. Vì thế, đừng phơi nắng quá nhiều, nhất là tránh nắng vào giờ cao điểm trong ngày. Hút thuốc: Thói quen hút thuốc sẽ làm giảm quá trình sản xuất collagen tự nhiên, từ đó khó chữa lành được vết thương trên da (nếu có) và xuất hiện nhiều nếp nhăn. Ngoài ra, khi cơ thể mắc phải một số rối loạn tự miễn dịch như lupus thì vẫn có thể làm hỏng collagen.