“Nên sinh thường hay sinh mổ?” là câu hỏi mà nhiều mẹ mang thai lần đầu băn khoăn khi ngày chuyển dạ gần kề. Đa số các mẹ mong được sinh thường, nhưng cũng có nhiều mẹ vì muốn chọn giờ sinh cho con, hoặc vì sợ hãi và ám ảnh khi nghĩ đến cơn đau vượt cạn nên muốn được sinh mổ. Vậy một ca sinh mổ diễn ra như thế nào, và vì sao dù sinh mổ an toàn và không đau đớn nhưng lại chỉ được chỉ định khi mẹ không thể sinh thường? Sinh mổ là phương pháp đưa thai nhi ra ngoài qua vết mổ trên bụng, thay vì qua đường âm đạo. Đây là một trong những hình thức phẫu thuật phổ biến nhất thế giới, là biện pháp an toàn cho cả mẹ và bé. Thế nhưng phải phẫu thuật ở vùng bụng và phải rạch nhiều lớp, nên vẫn có những rủi ro, và ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe. Chính vì vậy nên nếu mẹ có một thai kỳ hoàn toàn bình thường, thai nhi cũng phát triển tốt thì việc sinh thường đương nhiên được ưu tiên. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới có thể chỉ định sinh mổ khi không còn lựa chọn nào an toàn hơn cho cả hai mẹ con. Trình tự một ca sinh mổ gồm 3 giai đoạn chính sau: 1. Chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật Mẹ sẽ được thông báo về những biến chứng và ảnh hưởng có thể xảy ra, như chảy máu, chấn thương thai nhi, nhiễm trùng vết mổ… Bố mẹ cần thảo luận nghiêm túc với bác sĩ để có sự hiểu biết và chuẩn bị đầy đủ. Gia đình sẽ phải ký một bản cam kết do bệnh viện cung cấp. Mẹ sẽ được các y tá làm các thao tác sau trước khi tiến hành phẫu thuật: + Thay áo phẫu thuật + Đặt ống thông tiểu + Vệ sinh và tiệt trùng vùng bụng, trải khăn vô khuẩn + Lắp máy theo dõi nhịp tim và huyết áp + Truyền dịch qua cánh tay để cơ thể không bị mất nước + Tiêm thuốc tê vào cột sống để gây tê cục bộ phần dưới cơ thể. 2. Phẫu thuật lấy thai: Sau khi được gây tê, mẹ sẽ mất cảm giác hoàn toàn từ vùng ngực đến tận ngón chân. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật như sau Video mô phỏng các bước sinh mổ do Nucleus Medical Media thực hiện + Bác sĩ mở ổ bụng bằng một đường rạch ngang dài khoảng 20cm ở vùng trên mu. Đường rạch đủ sâu để xuyên qua các lớp da và mỡ. + Thêm một lần rạch ngang cơ tử cung đoạn dưới để tiếp cận màng ối + Mở rộng vết rạch tử cung sang hai bên. Lúc này túi nước ối sẽ vỡ. + Bác sĩ dùng tay nâng và kéo em bé ra khỏi bụng mẹ. Nếu bé ngôi thuận thì phần đầu sẽ được đưa ra trước, ngôi ngược hoặc ngôi ngang thì chân hoặc mông ra trước. + Kẹp và cắt dây rốn, lau hút chất dịch từ mũi miệng trẻ. Bác sĩ sẽ kiểm tra sơ bộ sức khỏe và hơi thở của bé. Mẹ có thể xem thêm để biết về các bước kiểm tra sức khỏe khi bé chào đời. + Cuối cùng là lấy toàn bộ nhau thai và các chất khác ra để làm sạch buồng tử cung. Trong suốt quá trình này, do đã tiêm thuốc tê nên mẹ hoàn toàn không cảm thấy đau đớn dù vẫn tỉnh táo. Ngay sau khi bé chào đời, mẹ có thể ngắm và ôm bé trong khi bác sĩ làm các thao tác tiếp theo. 3. Hậu phẫu Thao tác hậu phẫu bao gồm: + Khâu vết rạch tử cung, rồi khâu đóng ổ bụng lại + Lau sạch ổ bụng sản phụ, kiểm tra tử cung, phần phụ và các cơ quan xung quanh. + Đóng thành bụng theo từng lớp một: Các lớp mô, mỡ và da bị cắt sẽ được khâu lại lần lượt. Ca sinh mổ hoàn tất, mẹ và bé sẽ được theo dõi sau phẫu thuật. Đặc biệt là người mẹ cần một thời gian để hồi phục và giám sát nhịp tim và huyết áp tại phòng hậu phẫu cho đến khi hoàn toàn ổn định. Sau đó mẹ mới được chuyển đến phòng nghỉ cùng em bé. Thuốc tê sẽ từ từ hết tác dụng, mẹ sẽ dần dần lấy lại cảm giác (và cả sự đau đớn nơi vết mổ). Khi sinh ở các bệnh viện lớn, mẹ có thể lựa chọn thuốc truyền giảm đau 48h sau sinh. Các y tá sẽ hướng dẫn đầy đủ cách chăm sóc tĩnh dưỡng sau ca mổ. Một hình xăm để khéo léo che vết sẹo mổ là cách làm đẹp được một số bà mẹ trên thế giới ưa chuộng Xin được nhắc lại, tất cả các bác sĩ sản khoa đều khuyến cáo rằng biện pháp sinh mổ chỉ nên được tiến hành nếu như quá trình sinh thường gây nguy hiểm cho mẹ hoặc con, hay nếu mẹ đã từng sinh mổ ở lần sinh trước. Hy vọng bài viết đã mang đến cho mẹ những thông tin đầy đủ và chi tiết để mẹ có thể cân nhắc cùng bác sĩ lựa chọn phương pháp phù hợp với sức khỏe của mình. Và sau tất cả, được ôm hài nhi bé bỏng trong vòng tay sẽ là phần thưởng xứng đáng nhất cho sự hy sinh phi thường của mẹ. Vậy nên hãy lạc quan và dũng cảm lên để chào đón con yêu, mami nhé!