Đối với trẻ nhỏ, việc tiêm phòng là vô cùng cần thiết giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ cao mắc một số loại bệnh, tránh xảy ra đại dịch. Vậy bố mẹ đã biết gì về vaccine, lợi ích của nó cũng như các vấn đề sau khi tiêm? Hãy để Mamibuy giúp bố mẹ tìm hiểu nhé! Vaccine là gì? Vaccine là chế phẩm sinh học hỗ trợ nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể. Khi tiêm chủng, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện vaccine là vật thể lạ cần tiêu diệt và ghi nhớ chúng. Về sau, khi các tác nhân thực thụ xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch tấn công lại các tác nhân này nhanh chóng và hiệu quả hơn. Hiện này, có 3 loại vaccine được sử dụng phổ biến là vaccine sống giảm độc lực, vaccine bất hoạt và vaccine tái tổ hợp. Lợi ích của việc tiêm phòng Trước khi vaccine tiêm phòng được phát minh, tỉ lệ trẻ tử vong do mắc các bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não, viêm não Nhật Bản … không hề nhỏ. Từ khi vaccine ra đời, các tác nhân gây bệnh ở trẻ tuy không mất hẳn nhưng bé được bảo vệ và tránh được nhiều bệnh tấn công. Tiêm phòng đầy đủ tuy không thể bảo vệ trẻ hoàn toàn khỏi bệnh tật như sống trong môi trường vô trùng nhưng được đánh giá là phương pháp hữu hiệu nhất giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo ở trẻ. Đây chính là cách để bố mẹ bảo vệ con khỏi những tác nhân gây bệnh, phòng ngừa bệnh cũng như giảm thiểu mức thấp nhất rủi ro tử vong do mắc bệnh ở trẻ. Đối với những trẻ đã được tiêm phòng, khi mắc bệnh, trẻ sẽ bị nhưng với những triệu chứng nhẹ hơn. Bên cạnh đó, bác sĩ có phác đồ điều trị hiệu quả và khả năng phục hồi của trẻ cao hơn. Đặc biệt, đối với một nước có khí hậu đặc trưng nóng ẩm tạo môi trường cho vi khuẩn, virus sinh sôi phát triển gây các bệnh truyền nhiềm như Việt Nam thì việc tiêm vaccine phòng bệnh là việc vô cùng cần thiết để bảo vệ trẻ. Những bệnh cần được tiêm phòng Đến nay, ở Việt Nam đã có vaccine phòng bệnh cho trên 20 căn bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí dành cho trẻ dưới 1 tuổi cung cấp vaccine phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, bệnh tả và bệnh thương hàn. Bên cạnh chương trình tiêm chủng mở rộng, bố mẹ nên tiêm thêm các loại vaccine phòng các bệnh khác như vaccine viêm não mô cầu type A + C, viêm gan A, thủy đâu, cúm A …. Tùy thuộc vào từng loại bệnh khác nhau sẽ có thời gian tiêm phòng và khoảng cách giữa các lần tiêm khác nhau. Để hiểu rõ hơn về lịch tiêm và tác dụng của từng mũi tiêm, bố mẹ nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể. Một số lưu ý về việc tiêm phòng - Tiêm phòng cần tiêm đúng hẹn và đủ liều. Đa số các trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn bị nhiễm bệnh là không đảm bảo 2 nguyên tắc trên. Nghiên cứu cho thấy, với những trẻ được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch trình có thể tránh được đến 90% mắc các bệnh đã được tiêm phòng. Đối với trẻ sơ sinh, khả năng phòng bệnh cũng cao hơn rất nhiều. - Sau khi tiêm vaccine, trẻ có thể gặp phải một số hiện tượng phản ứng lại vaccine như vết tiêm sưng tấy, trẻ quấy khóc, sốt nhẹ … Đây là những hiện tượng thường gặp sau khi tiêm, bố mẹ nên bình tĩnh thể theo dõi sức khỏe cho bé. - Sau khi tiêm, nếu trẻ có các biểu hiện sau, cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để được kiểm tra cụ thể: vết sưng to, hạch sưng kéo dài nhiều tuần, sốt cao trên 40 độ có dấu hiệu co giật, trẻ quấy khóc liên tục, không ngủ, cơ thể mệt mỏi, da khô vì mất nước, da tím tái, hôn mê … Hy vọng với những thông tin trên, bố mẹ đã hiểu rõ hơn về vaccine cũng như vai trò của vaccine với trẻ. Hãy giúp con có nền tảng sức khỏe vững chắc bắt đầu từ việc tiêm đầy đủ các loại vaccine cho con, bố mẹ nhé!