Từ 2 đến 3 tuổi là bé con đã có thể bắt đầu tham gia vào những việc nhà nho nhỏ để vừa giúp đỡ cha mẹ, vừa mở rộng hiểu biết, phát triển các kỹ năng và rèn luyện những thói quen tích cực. Thế nhưng để bé hào hứng và có trách nhiệm lâu dài trong các việc nhà được phân công, thì bố mẹ cũng cần áp dụng một số “chiêu trò” sau đây, hãy cùng tham khảo nhé! 1. Việc nhà là những trò chơi vui cực! Khi mới làm quen với việc nhà, bé có thể rất khoái chí khi được “thể hiện” nên vô cùng chăm chỉ, nhưng những hào hứng ban đầu đó trôi qua khá nhanh. Bố mẹ phải làm thế nào để “lôi kéo” con trở lại với việc nhà đây? Rất đơn giản, hãy biến việc nhà thành những trò chơi. Thay vì “Con hãy cất dọn đồ chơi ngay!”, bố mẹ hãy rủ rê “Bây giờ con thì cất đồ chơi, mẹ thì nấu cơm, chúng mình thi xem ai làm xong nhanh hơn nhé!”, hoặc với các bé nhỏ hơn một chút thì “Bố đố con xếp tất cả các đồ chơi cóc màu đỏ vào trong giỏ đấy.” (rồi lần lượt là các màu khác cho đến khi toàn bộ đồ chơi được dọn dẹp). Nếu bố mẹ khéo léo thay đổi cách “chơi” mỗi ngày, bé sẽ lại háo hức tham gia làm việc nhà ngay, thậm chí còn cố gắng hết sức để hoàn thành thật tốt nữa. 2. Việc nhà là “trọng trách vinh quang”, không phải “hình phạt” Trò chơi, phần thưởng thì mới gây hứng thú, chứ hình phạt thì đương nhiên là ai cũng ghét rồi. Ví dụ như chiêu “Hôm nay con không ngoan, nên con sẽ phải rửa bát!” sẽ chỉ sớm phản tác dụng, bởi vì có khi ban đầu bé không ghét rửa bát đâu, nhưng khi coi nó là một hình phạt phải chịu thì dần dần bé sẽ chỉ muốn tránh xa công việc đó thôi. Thay vì tuyên bố hình phạt, bố mẹ hãy nhẹ nhàng đặt lên vai con một “trọng trách” để bé chứng tỏ sự trưởng thành của mình bằng câu nói “Con đã lớn rồi đấy, từ nay con có thể phụ trách giá bát đũa. Con sẽ sắp xếp chúng theo ý thích của con. Và lau rửa để giúp cả nhà có bát sạch ăn cơm hàng ngày.” 3. Chia công việc thành từng phần nhỏ cụ thể Người lớn có thể hiểu và thực hiện việc “dọn phòng”, nhưng với trẻ em, công việc này lại hơi bị chung chung và… vĩ mô quá. Các con sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu, nên dễ chán nản, lười biếng. Thay vì vậy mẹ hãy hướng dẫn con từng bước: - Đầu tiên con xếp tất cả sách vở lên giá và bàn học - Sau đó con cất đồ chơi vào tủ - Tiếp đến là thu gom và đổ rác - Cuối cùng là lấy chổi quét sàn phòng thật sạch Hãy cho con có thời gian hoàn thành từng việc xong rồi mẹ mới ghi nhận kết quả và giao nhiệm vụ tiếp theo. Như vậy con sẽ hợp tác hơn rất nhiều đấy mẹ ạ. 4. “Bố mẹ và con cùng làm nhé!” Có “đồng đội” là bố mẹ cùng thực hiện các việc nhà được giao sẽ khiến con bớt lúng túng rất nhiều, và qua đây con sẽ học hỏi được thêm kinh nghiệm, cách làm khoa học để lần sau có thể tự làm một mình. Nhưng bố mẹ nhớ nhé, “làm cùng” chứ không “làm hộ” nhé. Nếu con chỉ chỉ đứng nhìn và nghe hướng dẫn thôi thì cũng như nghe giảng lý thuyết bài học vậy, nhàm chán mà lại chẳng luyện tập được kỹ năng cho bản thân. 5. Hiểu rằng "Con đang rất cố gắng và sẽ dần tiến bộ.” Chắc chắn con chưa thể thành thạo bất kỳ công việc gì ngay trong những lần thử sức đầu tiên. Bố mẹ tuyệt đối đừng chê bai làm nhụt chí con nhé. Và cũng hãy tế nhị chờ bé đi khỏi rồi mới “khắc phục hậu quả” các việc bé làm sai, làm hỏng. Ví dụ như nếu con bắt gặp bạn phải rửa lại đống bát đũa vẫn còn bẩn, hãy nói “Mẹ vừa làm dây dầu ăn ra nên phải rửa lại ấy mà.” Khi con tập làm việc nhà, hãy luôn kiên nhẫn chờ đợi con hoàn thành, tuyệt đối không vì sốt ruột mà giục giã hay xen vào làm hộ con. Đừng tạo cho con tâm lý tự ti chán nản với suy nghĩ “Mình không thể làm tốt được.” Trăm hay không bằng tay quen, mọi thói quen tốt đều cần thời gian để hình thành, bố mẹ nhé. 6. Ghi nhận kết quả, nhưng không treo thưởng bằng vật chất Nếu không được ghi nhận kết quả, thì mấy ai có thể duy trì hào hứng, đặc biệt là trẻ em? Vậy nên mỗi khi được con giúp đỡ, bố mẹ hãy luôn tỏ ra đánh giá cao sự đóng góp ấy nhé. Những câu nói như “May quá nhờ con giúp nên mẹ mới nấu cơm xong kịp giờ.” Hoặc “Có con làm cùng nên xong nhanh hơn hẳn, bố cũng đỡ mệt đấy.” Tuy nhiên không bao giờ nên lấy vật chất (quà cáp, tiền tiêu vặt…) ra để treo thưởng cho những công việc bé làm. Bởi vì việc này sẽ dẫn đến thói quen tiêu cực là con làm vì phần thưởng, vì lợi ích bản thân chứ không phải vì mong muốn được giúp đỡ hay có trách nhiệm với công việc. 7. Giao việc phù hợp với lứa tuổi Việc quá khó sẽ khiến con vất vả hoặc thậm chí gây nguy hiểm, nhưng việc quá dễ thì lại nhàm chán. Bố mẹ có thể hướng dẫn và giao việc cho con theo lứa tuổi cho phù hợp, và tỏ ra tôn trọng con bằng cách để con lựa chọn công việc con muốn thử sức. Hy vọng MamiBuy đã mang đến cho các bố mẹ những tham khảo hữu ích để áp dụng với bé cưng của mình, giúp con vui vẻ hào hứng khi làm việc nhà, để hình thành những thói quen tốt và các kỹ năng sống bổ ích. Chúc các bố mẹ thành công! Xem thêm: Đừng làm hộ con mọi thứ, hãy khiến con trở nên độc lập và tháo vát từ tuổi mầm non với những kỹ năng tự phục vụ đơn giản này