Nhà có trẻ nhỏ thì nhiệt kế (cặp nhiệt độ) là vật không thể thiếu được. Tuy nhiên, mỗi loại nhiệt kế lại có những ưu nhược điểm khác nhau. Hiện tại, ở nhà Mika có đến 4 loại nhiệt kế. Mẹ cháu xin phép cùng chia sẻ trải nghiệm bản thân với các mẹ về các loại nhiệt kế này ạ. 1. Nhiệt kế thủy ngân truyền thống Đây là loại nhiệt kế phổ biến nhất có mặt từ bệnh viện đến nhà riêng, từ nhà có kinh tế eo hẹp đến nhà “đại gia”. Mẹ cháu tạm gọi đây là Nhiệt kế quốc dân vì độ phổ biến của nó. Đặc biệt, nhiệt kế này là loại nhiệt kế có độ chính xác rất cao, được cấu tạo gồm 2 bộ phận là thước đo và cảm biến nhiệt. Cơ chế hoạt động của loại nhiệt kế quốc dân này là dựa vào sự giãn nở vì nhiệt của thủy ngân. Khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân sẽ giãn nở ra và ta có thể đọc số đo nhiệt độ nhờ thước đo. Ưu điểm: - Nhiệt kế có độ chính xác cao, sai số rất nhỏ - Hoạt động không phụ thuộc pin - Giá thành siêu rẻ (Mẹ Mika mua ở hiệu thuốc gần nhà có 15k cho một chiếc nhiệt kế này thôi) Nhược điểm: - Thời gian chờ đợi lâu. Thông thường để cho được kết quả chính xác phải mất đến 5 phút chờ đợi. Mà không chỉ Mika, em bé nào cũng như sâu đo uốn éo, rất khó giữ được nhiệt kế ở đúng vị trí - Dễ vỡ gây nguy hiểm khi để thủy ngân tiếp xúc với người - Không có chức năng lưu kết quả - Nhiều bước thao tác: Vẩy nhiệt kế cho cột thủy ngân tụt xuống, rồi kẹp nhiệt kế vào nách/ hậu môn, giữ nguyên nhiệt kế vài phút rồi mới đọc được kết quả. 2. Nhiệt kế hồng ngoại Microlife Loại Mika sử dụng là Microlife FR1DZ1. Nhiệt kế này là do Mika đi tiêm phòng, mẹ thấy các cô dùng ở phòng khám nên mua về cho con dùng. Về cơ chế: Nhiệt kế sử dụng tia hồng ngoại để đo nhiệt độ cơ thể. Ưu điểm: - Cực kì an toàn, mẹ không phải băn khoăn, lo lắng nhiệt kế vỡ trong khi sử dụng như nhiệt kế thủy ngân - Bé hợp tác vì việc đo nhiệt độ ở trán không cản trở hoạt động của con - Chống va đập khá tốt. Mika đã đập cái nhiệt kế này mấy lần xuống sàn, rồi đập vào cũi như đánh trống rồi ạ. - Thông số rõ, thời gian đo nhanh, mất khoảng 5s là có kết quả - Khi nhiệt độ của bé cao trên 37.5, nhiệt kế sẽ kêu tít tít liên tục trong vài giây - Đơn giản, dễ sử dụng, mẹ có thể gạt nút bên hông máy để chuyển từ đo nhiệt độ cơ thể sang nhiệt độ phòng hoặc nhiệt độ bình sữa … Nhược điểm: - Sai số lớn, so với cặp nhiệt độ thủy ngân khoảng 0,2 đến 0,5 độ C, thậm chí hơn do tác động của môi trường xung quanh - Giá thành cao: Như model Microlife mà Mika dùng mới chỉ ở tầm trung đã là khoảng 700k một chiếc 3. Nhiệt kế điện tử hồng ngoại Medisana Model Mika dùng là Medisana FTD, loại đo được cả tai và trán. Về cơ chế thì cũng giống như loại của Microlife nhưng loại này có thể rút nắp ra để đo nhiệt độ qua tai. Ưu nhược điểm thì khá giống của Microlife, thậm chí loại này còn đau ví hơn ( khoảng gần 900k) và có điểm hơi bất tiện là sau khi bật, màn hình không sáng lên ngay. Nếu mẹ không biết cứ giữ nút nguồn thì nhiệt kế chuyển từ đo tai sang đo trán hoặc ngược lại. Điều này không được thoải mái cho lắm khi mẹ kiểm tra nhiệt độ con sốt vào ban đêm. Về độ chính xác, mình thấy sai số của Medisana lệch ít hơn Microlife một chút. Không có tiếng bíp kéo dài khi báo sốt, tránh trường hợp con thứ giấc khi đo 4. Nhiệt kế đầu mềm Vicks Loại này bố Mika đi công tác mua ở Mỹ cho con, giá không quá cao, khoảng 15 USD. Cơ chế hoạt động: Đầu nhiệt kế có phần kim loại để cảm biến nhiệt. Khi kẹp vào nách hoặc đút hậu môn, nhiệt độ hiển thị trên màn hình của nhiệt kế. Ưu điểm: - Độ chính xác khá cao hơn nhiệt kế hồng ngoại - Đầu nhiệt kế mềm, không gây đau khi kẹp vào nách bé - Có một lớp vỏ riêng dùng để bọc đầu nhiệt kế nếu cần đo nhiệt độ hậu môn -Thời gian đo khoảng 8s Nhược điểm: - Do sản xuất ở Mỹ nên đôi khi vô tình sẽ chuyển nhiệt kế từ độ C sang độ F. Việc này làm mình hơi bị lập cập khi chót bị chuyển thang nhiệt độ đo. Trên đây là 4 loại nhiệt kế mình đã sử dụng cho bé. Mỗi loại sẽ có thời điểm sử dụng phù hợp khác nhau. Nếu có điều kiện, mẹ nên có nhiều hơn 1 chiếc nhiệt kế trong nhà. Nếu không, mẹ cần có nhất là nhiệt kế thủy ngân hoặc một chiếc nhiệt kế điện tử đầu mềm trong nhà để theo dõi sức khỏe cho bé, mẹ nhé!