“… Cái miệng nó xinh thế - Chỉ nói điều hay thôi!” – Những câu thơ này hầu như bé nào cũng thuộc từ lúc còn bi bô tập nói, thế nhưng thực tế lại có rất nhiều cái miệng xinh mới học cấp 1, thậm chí mẫu giáo đã thản nhiên thốt ra những lời văng tục bậy bạ làm người lớn sốc đến “đứng hình”. Lướt một vòng các diễn đàn của phụ huynh trên mạng xã hội, có thể thấy không ít bậc cha mẹ đang vò đầu bứt tai nghĩ cách điều trị tật xấu này cho bé nhà mình. Một số phụ huynh bày tỏ sự lo ngại trên nhóm Facebook Con Tự Học: Mami V.N.T: “Các bạn teen bây giờ nói tục, đệm tiếng lóng thành quen mồm rồi mà cảm tưởng như là trào lưu rồi đua nhau nói. Bạn nào không nói sẽ bị coi như kiểu UFO vậy. Em thực sự rất sợ điều này sẽ xảy ra với 2 đứa con em.” Mami T.P.M: “Cháu em đi học lớp 1 trường công có tiếng, lại vào hẳn lớp chọn, đi học về kể là “Bạn ngồi cạnh con bị cô mắng vì tội mất trật tự , bạn ý bảo là Đ.M con điên, thế Đ.M là gì hả mẹ?” Mami B.J: “Các mẹ xử lý thế nào nếu con nói bậy bằng tiếng Anh? Con em nói nhiều từ rất “dị” mặc dù bố mẹ không hề dạy. Hôm trước bạn ý còn nói “WTF” nữa mới sợ, em nghĩ con học được ở lớp, gặng hỏi thì nó bảo con tự nói.” Ở tuổi lên một, lên hai - khi bắt đầu tập nói - thì con tiếp thu và bắt chước mọi lời nói xung quanh, không có “bộ lọc” nào cả nên tất nhiên con có thể học nói bậy từ đâu đó. Lúc này bé không hề hiểu được ý nghĩa của những từ không đẹp, và cũng chưa ý thức được rằng những từ đó có thể làm tổn thương, xúc phạm người khác. Nhiều cha mẹ giật mình hoặc xấu hổ, nhưng cũng có người lại cười trừ cho qua, thậm chí vui thích khi nghe tiếng nói bập bẹ ngây thơ của bé. Rồi đến tuổi đi học, khi con hòa vào cộng đồng lớn hơn là trường lớp, thì vấn nạn nói bậy lại có nguy cơ bùng lên và lây lan mạnh mẽ, vì sự thích thú muốn thể hiện bản thân và a dua với bạn bè. Nhiều bố mẹ đã vô cùng sửng sốt khi biết sau lưng mình - khi giao tiếp với bạn đồng lứa - thì bé con ngoan ngoãn của bố mẹ lại trở thành một cô/ cậu hoàn toàn khác – văng tục nói bậy “thành thần” - thậm chí nói bậy cả bằng ngoại ngữ! Lúc này bố mẹ mới thật sự lo lắng và tìm cách sửa chữa cho con – một nhiệm vụ không dễ dàng chút nào. Đa số ý kiến cho rằng, thói quen nói bậy của trẻ xuất phát từ chính “những tấm gương tối” của người lớn mà ra. Mami B.T.H: “Thực sự là giờ mình thấy người lớn nói bậy quá nhiều. Bản thân mình nhiều lúc rất khó chịu khi ngồi đâu đó mà cứ nghe người ta mở miệng ra là văng tục chửi bậy, nhưng có lẽ là do mình không quen nghe, còn người ta thì cho là bình thường cũng nên. Con cái cũng theo đó mà nói bậy thôi. Mà nhiều người họ bảo ở nhà họ không văng, nhưng thử hỏi đi ra ngoài, nếu chỗ quanh đó có con nít, họ văng bậy thì những đứa trẻ khác cũng bị nhiễm rất nhanh. Mình thấy tóm lại bây giờ con nít là bản sao của người lớn, rất hung hăng và chửi bậy. Người lớn bây giờ cũng phần đông vậy, không phải nói, chứ ngày xưa nghèo khổ nhưng ông bà mình bảo các cụ dạy ghê lắm, nho nhã ăn nói phải có chừng mực, làm gì có ai văng tục chửi bậy mấy đâu.” Mami T.P.M: “Rất nhiều gia đình nghĩ rằng xã hội làm hư con mình nhưng ko chịu chấp nhận là gia đình mới chính là nôi để con nhìn thấy và học theo. Ngay cả việc không nhìn ra khuyết điểm của con mình cũng là điều vô cùng nhức nhối, lúc nào cũng thấy nó đáng yêu, nó tuyệt vời nên thành ra khi người khác góp ý thì sẽ phật lòng. Nhiều nhà thì khắt khe, chửi mắng con vô tôi vạ, cứ nghĩ như thế nó ngoan nhưng nó học ngay cách chửi bới đó để dành cho người ngoài.” Quả thực mỗi cha mẹ đều nên cẩn thận xem xét lại ngôn từ mình sử dụng trước mặt con. Rất có thể trong lúc đang vui vẻ “buôn điện thoại” với bạn bè, hoặc đang bực dọc khi bị tắc đường, bố mẹ đã vô tình thốt ra những câu từ không hay ho nào đó, và được con “học hỏi” ngay lập tức. Rồi khi bắt chước những câu nói của cha mẹ, bé sẽ cảm thấy mình thật oai, nói vậy nghe thật vui, thật “người lớn”. Và đương nhiên, khi tới tuổi có thể phản biện, bé sẽ hỏi “Tại sao người lớn được nói bậy mà con lại không được phép?”. Rất nhiều bố mẹ bị “nốc ao” ngay từ câu hỏi này, và không biết làm thế nào để tiếp tục uốn nắn con nữa. Công cuộc loại bỏ tật nói tục chửi bậy của bé sẽ cần rất nhiều sự bình tĩnh, kiên trì và sát sao của phụ huynh Phản ứng tức thời của cha mẹ khi nghe con nói tục hầu hết là sửng sốt, tức giân, xấu hổ, và chỉ muốn lập tức ngăn chặn thói xấu này, dẫn đến việc quát mắng, dọa phạt con ngay. Tuy nhiên xin đảm bảo rằng cách này chỉ “chặn họng” bé được ngay lúc đó thôi, chứ không phải biện pháp lâu dài. MamiBuy xin tổng hợp một số lời khuyên từ phụ huynh nhiều kinh nghiệm, để cha mẹ chú ý điều chỉnh cho con, giúp con hình thành ý thức về lời nói, loại bỏ tật nói bậy. 1. Bố mẹ cẩn trọng khi sử dụng ngôn từ, và tuyệt đối không nói bậy trước mặt con Đây là việc quan trọng nhất bố mẹ cần làm – hãy để con noi gương bố mẹ nói lời hay ý đẹp, chăm chỉ dùng “ái ngữ” như “Dạ, vâng, cám ơn, xin lỗi…” hay những câu ngọt ngào, bày tỏ tình yêu thương, thân thiện và lành mạnh. Dần dần con sẽ xây dựng được vốn ngôn ngữ văn minh lịch sự và tự cảm thấy nói tục chửi bậy là không đẹp, không nên. Nếu như người lớn có lỡ miệng nói bậy trước mặt các bé, hãy nhanh chóng thành thật xin lỗi con, nhẹ nhàng nhận sai và nói rằng con không nên bắt chước lỗi lầm đó. 2. Luôn làm rõ ý nghĩa của câu từ Khi nghe thấy con dùng từ ngữ thô tục lần đầu tiên, bố mẹ nên giải thích rõ ý nghĩa của từ này, và tại sao nó lại là một từ “xấu xí’, và người nghe sẽ cảm thấy thế nào khi nghe từ đó. Qua đây trẻ sẽ hiểu được rằng mình dùng từ đó sẽ khiến người khác khó chịu hoặc bị tổn thương. 3. Luôn sát sao với môi trường và các nội dung mà con tiếp xúc Nên thường xuyên nắm rõ tình hình của con ở lớp học, để ý cách con nói chuyện với bạn bè, và kiểm soát những nội dung con tiếp xúc – những video trên YouTube chẳng hạn. Nếu biết bạn bè của con, hoặc các nội dung con xem có chứa những từ ngữ xấu xí, hãy tìm cách thảo luận nghiêm túc (nhưng không nóng giận) với con để giúp con hiểu rằng đó là những lời không đẹp, và không được phép sử dụng, đặc biệt là với người lớn hơn. Khi ra đường, chúng ta không thể cấm những người xa lạ nói bậy trước mặt con, nhưng có thể giải thích và bày tỏ mong muốn con đừng bắt chước họ bởi vì đó là việc không tốt. 4. Khuyến khích con sử dụng nhiều từ ngữ “sạch sẽ” để biểu lộ cảm xúc Nếu con bày tỏ rằng con tức quá, buồn quá hay thất vọng quá nên chửi thề, hãy chỉ cho con thấy còn nhiều cách khác “sạch đẹp” hơn mà cũng hiệu quả không kém để bày tỏ cảm xúc. Ví dụ như hét to lên “Con rất bực mình!” chẳng hạn. 5. Thỏa thuận và thi hành “luật chống nói bậy” Bố mẹ cần tuyệt đối tránh quát mắng con ngay khi nghe thấy con nói bậy, nhưng nên quở trách một cách nghiêm túc, sử dụng cách nói sao cho trẻ hiểu được rằng việc nói bậy là xấu xí và bất lịch sự khủng khiếp thế nào. Bé cần phải thấy rằng bố mẹ kiên quyết không thỏa hiệp với các hành động xấu dù bất kỳ lý do gì. Hãy đưa ra luật lệ chống nói bậy, và hình phạt khi vi phạm. Khi con phạm lỗi, con đương nhiên sẽ phải bị phạt theo “luật” đã thỏa thuận từ trước. Qua đây con sẽ có trách nhiệm hơn với lời nói và hành động của mình. Hy vọng bài viết có thể giúp bố mẹ tìm được vài “chiêu” để nghiêm trị cho tật nói tục chửi bậy của con. Loại bỏ thói quen xấu này chắc chắn không thể một sớm một chiều, bố mẹ hãy kiên nhẫn cùng con đi qua quá trình này để giúp bé xây dựng ý thức nói lời tốt đẹp và tránh làm tổn thương người khác. Chúc các bố mẹ thành công! Xem thêm: Làm sao dạy con thành người tử tế trong xã hội hiện đại phức tạp?