Tắm nắng cho bé sơ sinh là rất cần thiết nhưng nhiều mẹ thường thực hiện sai cách, gây ảnh hưởng đến làn da mỏng manh của trẻ nhỏ và khiến con không hấp thụ được vitamin D một cách tối ưu. Vì vậy, việc học cách tắm nắng cho bé đúng chuẩn là vô cùng quan trọng. 1. Tắm nắng có tác dụng gì đối với trẻ sơ sinh? Trong ánh nắng mặt trời có rất nhiều vitamin D - một thành phần giúp cho xương và răng của bé chắc khỏe, tránh các bệnh về xương như loãng xương và nhuyễn xương. Có đến 80% vitamin D được tổng hợp từ tia nắng mặt trời, 20% còn lại từ các nguồn thực phẩm và sữa mẹ. Thiếu vitamin D cũng là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh còi xương ở trẻ em. Ngoài ra, tắm nắng còn giúp chữa chứng vàng da sơ sinh và chứng hăm tã (vì ánh nắng mặt trời có tác dụng diệt khuẩn). Vì thế, các mẹ nên tắm nắng cho bé thường xuyên nhé! 2. Tắm nắng cho bé như thế nào để hấp thụ được vitamin D? 2.1. Thời điểm và thời gian tắm nắng: - Thời điểm: Sau sinh khoảng 10 ngày, mẹ có thể bắt đầu tắm nắng cho bé sơ sinh, và nên tắm nắng cho bé mỗi ngày. Do sức đề kháng của trẻ còn yếu ớt nên các mẹ chỉ nên tắm nắng cho bé từ 6 đến 9h sáng hoặc sau 5h chiều. Nhiệt lượng từ ánh nắng mặt trời các khoảng thời gian ở trên sẽ sưởi ấm cho bé nên không lo bé bị cảm lạnh. Đồng thời, trong 2 khoảng thời gian này, tia cực tím và tia hồng ngoại trong ánh nắng mặt trời còn yếu, không gây hại cho bé. Sau 5h chiều, tia X-quang sẽ giúp trẻ hấp thụ can-xi và phôt pho tốt nhất, có lợi cho phát triển xương, răng. Đặc biệt, mẹ tuyệt đối không cho tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào các khung giờ khác vì khi đó ánh nắng mặt trời sẽ làm tổn hại làn da mỏng manh của con bạn. Dù chỉ tiếp xúc một thời gian ngắn, tia cực tím cũng có thể gây tổn thương cho bé. - Thời gian: Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, thời gian tắm nắng có thể dao động từ 10 - 30 phút mỗi ngày. Các mẹ nên cho bé làm quen dần dần với ánh sáng mặt trời, không nên vội vã. Những lần đầu, chỉ nên phơi nắng cho trẻ sơ sinh vài phút là đủ, sau đó sẽ tăng dần lên đến 30 phút/lần. 2.2. Cách tắm nắng cho bé theo mùa: - Mùa nóng: Vào mùa nóng, nhiệt độ ngoài trời cao, mẹ chỉ nên tắm nắng cho bé ở chỗ có bóng râm và chỉ để lộ một phần da của bé mà thôi. Ngày đầu tiên chỉ cần 10 phút trong bóng râm là đủ, cứ thế tăng dần lên qua từng ngày nhưng không được quá 30 phút/ngày. Sau khoảng 4-5 ngày, mẹ có thể đưa bé ra ngoài nắng, tắm cho bé 5 phút mặt thân trước, 5 phút mặt thân sau, để bé mặc quần áo hở từ bàn chân, lưu ý phải che mặt và mắt cho bé. Những ngày tiếp theo cho trẻ mặc hở từ đầu gối rồi lên đùi, bụng, ngực và tăng thêm 5 phút mỗi ngày. - Mùa lạnh: Vào mùa lạnh, nhiệt độ ngoài trời thấp nên mẹ hạn chế tắm nắng cho bé sơ sinh. Những ngày có ánh nắng mặt trời thì mẹ vẫn có thể tắm nắng cho bé sơ sinh, nhưng tuyệt đối không cởi bỏ quần áo của bé ra mà chỉ nên để hở phần lưng (cơ thể trẻ sơ sinh chủ yếu hấp thụ ánh nắng ở phần lưng, xương sống). Thời gian phơi nắng cũng phải giảm so với mùa nóng, chỉ trong khoảng 10-15 phút là đủ. 2.3. Lưu ý khi tắm nắng để đảm bảo an toàn cho trẻ và giúp hấp thụ được vitamin D tối đa - Tuyệt đối không được để hở phần mặt của trẻ, không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu, mặt và mắt. - Không nên tắm nắng cho trẻ ở những nơi có gió lộng khiến trẻ dễ bị cảm. Nên chọn nơi thoáng đãng, có nhiều nắng. - Không nên tắm nắng cho bé vào các thời điểm giao mùa, thời tiết bất thường. - Sau khi tắm nắng phải lau mồ hôi và cho trẻ uống nước bổ sung, mùa hè thì nên tắm nước cho trẻ sau khi tắm nắng. - Nên để hở chân, tay và mặc ít áo cho trẻ khi phơi nắng và mở cửa kính vì kính sẽ cản trở ánh nắng tiếp xúc trực tiếp với da bé. - Với những trẻ đang bị bệnh cấp tính, trẻ điều trị bệnh nội tiết, basedow, eczema, herpes, đang dùng kháng sinh nhóm Quinolon tuyệt đối không được tắm nắng cho trẻ. Bên cạnh tắm nắng, các mẹ cũng đừng quên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin D cho bé yêu như cá (cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ), dầu gan cá tuyết, nấm, đậu phụ, trứng… hoặc các loại thuốc bổ sung vitamin D cho bé để bé được hấp thụ vitamin D tối đa nhé!