Hình thành sớm những thói quen ăn uống khoa học, kỷ luật không chỉ giúp bé yêu của mẹ phát triển thể chất tốt, có niềm yêu thích đối với ăn uống, mà còn giúp bé rèn luyện được tính tự lập, đồng thời khiến mẹ nhàn hơn rất nhiều. Mẹ nên thực hiện những nguyên tắc dưới đây ngay từ khi con bắt đầu ăn dặm và duy trì đến khi con lớn nhé! 6 Không: Không ép bé ăn: Ăn uống là nhu cầu tự nhiên của bé. Nhu cầu của mỗi bé là khác nhau, do vậy mẹ không nên so sánh con mình với con người khác, sẽ dễ sinh ra áp lực dẫn đến ép con ăn, lâu dài sẽ hình thành ở bé tâm lý sợ hãi, chống đối và chán ăn. Do vậy, mẹ hãy dừng bữa khi bé không còn muốn ăn thêm. Mẹ hãy nhớ, giai đoạn con ăn dặm chủ yếu là luyện tập cho con làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ, giúp con phát triển các kỹ năng ăn uống tự lập sau này. Mẹ chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích con ăn. Không cho bé ăn quá dày: Bé chưa kịp tiêu thức ăn của bữa trước đã phải ăn bữa sau đương nhiên sẽ không hào hứng. Các bữa ăn chính nên cách nhau khoảng 4 tiếng, bữa phụ cách bữa chính khoảng 2 tiếng. Không cho bé ăn vặt trước bữa ăn chính ít nhất 1-2 tiếng: Nếu mẹ cho bé ăn đồ ăn vặt như bim bim, bánh ngọt… quá gần bữa chính sẽ khiến bé ngang dạ không muốn ăn. Mà đa phần các món ăn vặt lại có hàm lượng dinh dưỡng khá thấp. Hãy tạo cơ hội cho bé được... đói, bé sẽ ăn bữa chính nhiều hơn. Không kéo dài bữa quá 30 - 40 phút: Khi con không chịu ăn, các cha mẹ thường hay cho con vừa ăn vừa chơi hoặc đi rong để cố ép con ăn hết bát bột, thời gian thường kéo dài. Điều này vừa làm thức ăn không còn ngon, vừa khiến bé thêm chán. Điều đó sẽ khiến khoảng cách giữa các bữa ăn của bé bị thu hẹp lại, bé còn chưa kịp cảm thấy đói đã phải ăn bữa sau. Một bữa ăn chỉ nên kéo dài tối đa là 40 phút, nếu bé không ăn được nhiều cũng nên kết thúc và mẹ hãy cố gắng cho bé ăn ở bữa kế tiếp. Không trừng phạt hoặc khen ngợi thái quá: Sự trừng phạt chỉ gây ra tâm lý nặng nề cho cả mẹ và bé. Ngược lại việc khen ngợi bé ăn cũng nên vừa phải, nếu không bé sẽ trở nên phụ thuộc vào lời khen, bé sẽ ăn vì được khen thay vì ăn theo đòi hỏi của cơ thể và lâu dài sẽ thành thói quen không tốt. Mẹ cần giúp bé hiểu ăn uống là đặc quyền của bé chứ không phải thành tích để phấn đấu. Không cho bé đi rong/xem ti vi/chơi đồ chơi khi ăn: VÌ khi đó bé sẽ bị phân tán, bị lừa đút ăn, nên ăn thụ động, ăn không ngon miệng, men tiêu hóa kkhông được tiết ra khiến bé khó hấp thu. Ngoài ra, khi đi rong thì thức ăn không đảm bảo vệ sinh, và tạo thói quen phải đi rong mới ăn khiến gia đình gặp khó khăn khi bé ốm, thời tiết xấu, gia đình bận mà không đưa ăn rong là bé bỏ bữa. Việc cho bé xem ti vi trước 3 tuổi cũng sẽ hạn chế sự phát triển não bộ của bé. 3 Nên: Nên đổi món thường xuyên: Đổi món không chỉ là đổi nguyên liệu mà còn đổi cả cách chế biến. Việc này không chỉ giúp con hào hứng ăn uống hơn mà còn giúp con có thể ăn được đa dạng các loại thức ăn, không ngại thử những món mới và như vậy sau này mẹ sẽ rất nhàn. Nên cho bé ăn có giờ giấc, ăn chung với bữa ăn của gia đình: việc này sẽ khiến bé cảm nhận được cảm giác no và đói rõ ràng, kích thích bé thèm ăn. Đôi khi mẹ cũng không nên cứng nhắc quá, nhưng về cơ bản mẹ vẫn nên cho bé một lịch ăn tương đối cố định. Nên cho bé tự xúc ăn: Từ khi bé 7-9 tháng tuổi, mẹ có thể tập cho bé bốc ăn. Một tuổi trở lên, mẹ nên tập cho trẻ cầm thìa để con tự khám phá bữa ăn. Cách này rèn cho bé tính tự lập cao. Cuối cùng, mẹ hãy luôn nhớ rằng: Kiên nhẫn là chiếc chìa khóa giúp mẹ giải quyết mọi vấn đề. Muốn con ăn ngoan, trước hết mẹ hãy là một người hướng dẫn tốt! Có thể mẹ quan tâm: Ăn dặm truyền thống, kiểu Nhật hay BLW? Có nên kết hợp cả 3 thành ăn dặm 3in1?