Dịp lễ Tết sắp đến, việc di chuyển bằng tàu xe là điều không tránh khỏi với nhiều bà bầu xa quê, hoặc những chuyến du xuân với gia đình và bạn bè. Đối với phụ nữ mang thai, việc đi lại, di chuyển luôn luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm, một trong số đó là vấn đề say tàu xe. Say xe, nôn ói, mệt mỏi ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cả mẹ và bé, trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều mẹ bầu. Có cách nào giúp các bà bầu không bị say xe không? Say tàu xe dù không phải là "bệnh" gì ghê gớm, nhưng nếu một khi bị mắc chứng này thì bạn sẽ vô cùng khổ sở. Nhiều người sẽ cảm thấy buồn nôn, rồi nôn thốc nôn tháo như cào ruột gan, thậm chí nôn ra dịch xanh dịch vàng, tệ hơn là ngất xỉu không kiểm soát được bản thân, từ đó có cảm giác sợ không dám đi xe nữa. Đặc biệt đối với bà bầu, chứng say tàu xe càng trở thành nỗi ám ảnh lớn và tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến mẹ và em bé. Vì sao có hiện tượng say tàu xe? Thực tế, chuyển động được cảm nhận bởi não bộ thông qua rất nhiều con đường khác nhau trong hệ thần kinh, trong đó bao gồm mắt và bộ phận cảm nhận thăng bằng trong tai. Khi mắt thì thấy quang cảnh không di chuyển, không thay đổi nhiều (khi bạn nhắm mắt, hoặc nhìn trong xe) trong khi tai thì cảm nhận sự dao động âm thanh luồng gió. Ngoài ra cơ thể bị ảnh hưởng những lúc sốc xe, ổ gà, xuống hoặc lên dốc. Khi những thứ bạn nhìn thấy và bạn cảm thấy bị mâu thuẫn nhau, não sẽ xuất hiện hiện tượng bị nhầm lẫn, một dấu hiểu gửi đến não giống như cơ thể có cảm giác bị trúng độc, từ đó não sản xuất ra một phản ứng chống lại trạng thái ngộ độc, gây ra hiện tượng nôn ói. Bà bầu say xe sẽ có ảnh hưởng như thế nào? Thời kỳ mang thai được chia thành ba kỳ, gọi là tam cá nguyệt, mỗi ba tháng được xếp vào một tam cá nguyệt. Tương ứng với mỗi kỳ tam cá nguyệt, thai phụ sẽ gặp phải một số trục trặc riêng về sinh hoạt, thay đổi sinh lý… Đặc biệt đối với tam cá nguyệt đầu tiên và tam cá nguyệt thứ 3 là những thời kỳ nhạy cảm, mẹ bầu dễ mệt mỏi gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển và an toàn của thai nhi. Khi bà bầu bị say xe, nôn ói nhiều sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Ngoài ra, động tác nôn ói làm co thắt cơ trơn đường ruột, cơ thành bụng và tăng áp lực bên trong ổ bụng dẫn đến dọa sẩy thai hoặc sẩy thai đối với những trường hợp thai có bóc tách túi thai trước đó. Bởi thế bà bầu thường được khuyên hạn chế di chuyển xa, nhất là những thai phụ bị “bệnh” say xe, tuy nhiên vì nhiều lý do bất đắc dĩ, mẹ bầu vẫn phải chọn phương án di chuyển bằng tàu xe. Cách chống say tàu xe an toàn cho mẹ bầu Mẹ bầu được khuyến cáo không được dùng thuốc uống hoặc miếng dán chống say tàu xe do các tác dụng phụ không mong muốn. Bản chất của thuốc chống say tàu xe là kháng histamin, chống buồn nôn và chóng mặt. Trên thị trường hiện có khoảng hơn 80 tên biệt dược, tuy nhiên chống chỉ định trên thuốc đều luôn ghi rõ: Không dành cho người đang lái xe và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Chính vì thế khi mẹ bầu say xe tuyệt đối không dùng thuốc mà nên sử dụng các dược liệu tự nhiên hoặc các mẹo dân gian để phòng chống và giảm bớt cảm giác say tàu xe. Dưới đây là một vài biện pháp nhỏ giúp mẹ bầu an tâm khi đi tàu xe. 1. Nghỉ ngơi hợp lý trước mỗi chuyến đi Trước khi khởi hành, nên ngủ đủ giấc vào đêm trước. Trước khi lên xe 2 tiếng, tránh ăn quá no hay để bụng đói, tốt nhất ăn các thức ăn dễ tiêu, vừa phải, bởi khi có quá nhiều thức ăn trong dạ dày, cơ quan này phải làm việc vất vả, tiêu hóa thức ăn liên tục sẽ khiến bạn dễ bị say xe hơn. Bà bầu bị “bệnh” say xe thường bị tâm lý ám ảnh về chuyện say hoặc bị lo lắng quá, nên tránh căng thẳng, giữ nhịp thở và nhịp tim ở mức ổn định, có thể xem những chương trình vui vẻ trước khi lên xe để tâm trạng được thoải mái. 2. Ngồi ghế trước Bà bầu được khuyên nên chọn chỗ ngồi ở phía trước (kể cả xe nằm và xe ngồi) để không bị xóc, mắt luôn nhìn thẳng về phía trước sẽ đỡ say hơn. Nếu vẫn cảm thấy choáng váng, hãy nhắm mắt, hít thở sâu. Hãy tập trung vào vấn đề khác như kể chuyện cười hoặc nói chuyện phiếm với người xung quanh sẽ làm giảm sự căng thẳng cho tiền đình. Nên hạn chế nhìn vào những vật gần, không nên chăm chú nhìn màn hình điện thoại hay đọc sách. Hãy cố gắng nhìn ra các điểm càng xa càng tốt, tập trung tầm mắt vào những nơi xa bên ngoài cửa sổ xe có thể giúp não xác định các tín hiệu chính xác rằng bạn đang di chuyển, như thế não bộ sẽ không bị mâu thuẫn dẫn tới cảm giác say xe. Ngoài ra bạn nên cố gắng ngủ trong thời gian di chuyển. Ngủ là cách tốt nhất để dỗ dành cơ thể vượt qua được cảm giác say xe một cách nhẹ nhàng. 3. Thắt dây an toàn Nếu mẹ bầu sử dụng ô tô cá nhân để di chuyển xa, một trong những hành động không thể bỏ quá đó là việc thắt dây an toàn. Sử dụng dây an toàn đúng cách sẽ giúp bảo vệ tính mạng và giảm bớt nguy cơ bị chấn thương nặng cho cả mẹ và con trong các vụ tai nạn ôtô. Luôn thắt đầy đủ các bộ phận của dây an toàn (phần vắt ngang và vắt chéo qua người). Để dây ở dưới bụng và trên hông bà bầu, không bao giờ để dây an toàn nằm ngang bụng, điều chỉnh độ dài rộng cho vừa vặn với bụng bầu của bạn, không quá chặt cũng không quá lỏng để mẹ bầu được thoải mái suốt cả hành trình. 4. Bấm huyệt mát xa Theo đông y, có 2 huyệt vị giúp bạn hạn chế say xe đó là huyệt nội quan (giữa hai gân tay, phía trên và cách lằn chỉ cổ tay 3 – 4cm) và huyệt hợp cốc (nằm giữa ngón cái và ngón trỏ). Bà bầu thường xuyên bấm 2 huyệt này trong khi di chuyển trên xe sẽ giúp giảm tình trạng say đáng kể. 5. Gừng tươi Một trong những cách chống say xe cho bà bầu đơn giản, hiệu quả là sử dụng gừng tươi. Mùi hăng của gừng sẽ giúp mẹ bầu giảm các triệu chứng say xe nhanh chóng. Gừng tươi là một dược liệu tự nhiên rất an toàn cho thai phụ và không có tác dụng phụ. Trước khi khởi hành khoảng 30 phút, mẹ bầu dùng một củ gừng tươi cỡ bằng ngón tay cái, gọt vỏ rửa sạch rồi đem giã nát hoặc nhai và uống kèm một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng nên dùng 1,2 lát gừng mỏng ngậm hoặc để lên mũi ngửi cũng làm giảm cảm giác buồn nôn. 6. Vỏ cam quýt Sử dụng vỏ cam quýt cũng là gợi ý các mẹ bầu không nên bỏ qua. Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị 1 vỏ cam quýt tươi, sau đó khi nào đi xe thì cho vỏ cam quýt gần vào mũi và dùng tay bóp mạnh để các tinh dầu vỏ cam quýt bắn vào trong mũi. Hương thơm dịu của vỏ quýt cũng như tinh dầu sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái thư thái, khắc phục say xe hiệu quả. Nếu không có vỏ cam quýt thì có thể dùng vỏ chanh hoặc các trái cây họ cam quýt đều được. 7. Khoai lang sống Có thể các mẹ chưa biết, khoai lang sống cũng là một trong những phương pháp trị say tàu xe rất hiệu quả. Rất đơn giản mẹ bầu chỉ cần chuẩn bị vài củ khoai lang sống đã gọt vỏ rửa sạch sẽ, nhấm nháp trong hành trình của mình. Bởi khoai lang sống có tác dụng chống co thắt, làm trung hòa axit trong dạ dày, giúp phòng việc nôn ói khi đi xe. Ngoài ra mẹ bầu cũng phải lưu ý hạn chế những chuyến đi có thời gian di chuyển quá 6 tiếng để tránh tình trạng tụ máu ở chân và khung xương chậu. Nếu đi xe khách, khi xe dừng, có những chặng nghỉ ngắn, bạn nên xuống đi bộ cho thoải mái. Trên xe bạn cũng nên thỉnh thoảng lúc lắc cổ chân, tay để đảm bảo máu huyết được lưu thông. Đem theo gối, đệm để dùng trên xe như kê cổ, kê lưng, gác chân…Ăn nhẹ và uống bổ sung nước để giữ ẩm và tránh mất sức trong suốt chuyến đi. Đặc biệt khi đã nôn, hãy cố gắng nôn cho hết và không tiếp tục ăn uống trong giai đoạn này vì dạ dày bạn đang nhận chỉ thị từ não bộ là nôn ra. Đợi sau khi cơ thể cảm thấy thoải mái hơn mới bắt đầu uống nước đường để tránh mất nước và ăn thức ăn nhẹ lỏng dễ tiêu hóa, tuyệt đối không nên uống sữa và chế phẩm từ sữa. Dù muốn hay không, bà bầu say xe nên chuẩn bị trước những chiếc túi nylon hoặc túi giấy để không bị động, tránh trường hợp hoảng loạng không kiểm soát. Người thân nên theo sát mẹ bầu trong cả hành trình để bà bầu được an tâm và đảm bảo có thể hỗ trợ khi cần thiết. Chúc mẹ bầu có những chuyến đi chơi vui vẻ an toàn và không bị say xe nhé!