Phần trước, MamiBuy đã giới thiệu cụ thể với các mẹ về Thuốc tránh thai hàng ngày thì phần này, MamiBuy sẽ nói rõ hơn về Thuốc tránh thai khẩn cấp – một phương pháp tránh thai chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết. 1. Thuốc tránh thai khẩn cấp Thuốc tránh thai khẩn cấp (ECP): Thuốc tránh thai khẩn cấp có nhiều loại, loại đơn thuần Progesterone, loại phối hợp với Estrogen hay là chất tác động lên thụ thể Progesterone (SPRM). Cơ chế hoạt động là nhờ vào nồng độ hormone rất cao để ngăn chặn khả năng thụ tinh cũng như làm tổ của hợp tử. Hiệu quả của thuốc phụ thuộc vào thời gian sử dụng sau giao hợp và không được muộn hơn 72 giờ. 2. Trường hợp sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp Thuốc tránh thai khẩn cấp là biện pháp tránh thai dành cho các mẹ trong trường hợp có quan hệ tình dục không được bảo vệ. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp: - Có quan hệ tình dục nhưng không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc sử dụng bao cao su nhưng bao bị tuột, bị rách hay thủng - Phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai mà quên uống từ 2 ngày trở lên - Phụ nữ đang tiêm thuốc tránh thai mà thời gian tiêm bị chậm so với kì qui định 3. Đối tượng không nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp - Người đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai - Người bị chảy máu âm đạo bất thường không xác định được nguyên nhân - Người bị viêm tắc tĩnh mạch hoặc bệnh huyết khối rắc mạch thể hoạt động - Người có bệnh gan cấp tính, u gan lành hoặc ác tính, vàng da hoặc có triệu chứng ngứa kéo dài trong lần mang thai trước - Người bị bệnh động kinh, bệnh van tim, rối loạn tuần hoàn não, đái tháo đường 4. Cách sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp hiệu quả Thuốc tránh thai khẩn cấp cần được sử dụng càng sớm càng tốt và đạt hiệu quả tốt nhất trong vong 72 giờ kể từ khi có quan hệ tình dục không bảo vệ. Sau ngày thứ năm, mẹ vẫn có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng hiệu quả sẽ giảm dần. Thông thường, nếu uống trong 24 giờ đầu, hiệu quả tránh thai lên đến 95%; từ 24-48 giờ, hiệu quả đạt 85% trong khi từ 49-72 giờ, hiệu quả chỉ còn khoảng 58%. Trong vòng 2 giờ kể từ khi uống, nếu mẹ bị nôn sau khi sử dụng thuốc, cần uống bù liều khác. Nếu mẹ bị nôn sau 2 giờ thì không cần uống bù thuốc nữa. 5. Ưu, nhược điểm của thuốc tránh thai khẩn cấp Ưu điểm: Điểm mạnh của phương pháp này là sự linh hoạt theo đúng cái tên khẩn cấp của nó. Đây là một biện pháp an toàn nếu như sử dụng đúng theo qui định và chỉ dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Nhược điểm: - Thuốc tránh thai khẩn cấp mang đến khá nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng bao gồm: buồn nôn, chảy máu âm đạo bất thường, đau dạ dày, đau đầu, chóng mặt, đau ngực, kinh nguyệt thất thường hoặc rong kinh. Bên cạnh đó, tỉ lệ phụ nữ có thai sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp được ghi nhận vào khoảng dưới 5%. - Không có tác dụng tránh thai thường xuyên - Không ngăn chặn được các bệnh lây qua đường tình dục 6. Lưu ý khi sử dụng - Không nên dùng quá 2 liều thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng một tháng. - Có 2 loại thuốc tránh thai: Loại 1 viên và loại 2 viên. Với loại thuốc tránh thai khẩn cấp 2 viên, cần uống đủ 2 viên mới có tác dụng ngừa thai. - Trong trường hợp không thấy kinh nguyệt trong vòng 4 tuần kể từ khi sử dụng, cần kiểm tra xem có thai không và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn cụ thể. Đây là biện pháp tránh thai mà MamiBuy Editor khuyên mẹ chỉ nên dùng trong trường hợp bất khả kháng bởi xác suất tránh thai giảm dần theo sự tăng lên của khoảng thời gian sau quan hệ, đồng thời tác dụng phụ của biện pháp này cũng không hề ít. Phần sau, MamiBuy sẽ giới thiệu với các mẹ biện pháp tránh thai sử dụng Bao cao su.