Thai nhi tuần 15 đánh dấu việc mẹ đã đi đến giữa giai đoạn của sự thay đổi khố lượng cơ thể. Điều này đồng nghĩa với việc một số mẹ sẽ gặp tình trạng đau dây thần kinh. Tuần này, mẹ có gì khác? Về mặt thể chất: - Lượng máu lưu thông trong cơ thể mẹ tăng lên nhiều so với trước khi mang thai làm bạn luôn cảm thấy nóng hơn. Điều này giải thích cho việc tại sao cùng ngồi làm việc gần điều hòa, mẹ vẫn có cảm giác bị bốc hỏa. - Các tĩnh mạch ở chân xuất hiện rõ hơn, chân mẹ bị đau nhức nếu phải đứng lâu trong một tư thế. - Không chỉ làn da của mẹ trở nên mỡ màng, mái tóc của mẹ cũng suôn mượt óng ả hơn. Trong thười gian mang thai, nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ tóc rụng ở phụ nữ giảm xuống khá nhiều. - Một số bà bầu có những trải nghiệm khá khó chịu với việc đau dây thần kinh chạy từ cột sống xuống mông và thậm chí là cả gót chân. Khi trọng lượng của tử cung và thai nhi gia tăng, đè lên dây thần kinh này, mẹ có thể cảm thấy như bị kim châm hoặc đau nhói ở dưới vùng mông hoặc chân. Về mặt cảm xúc: - Mẹ sẽ thấy nhu cầu đi mua sắm của mình tăng lên khi đồ của mẹ cái thì chật ngực, cái vừa ngực thì lại chật bụng … Mẹ có thể cân đối chi tiêu và chiều chuộng mình một chút trong thời gian bầu bí để mẹ vừa thoải mái lại còn xinh xắn nhé! - Mẹ cảm thấy cần đến sự giúp đỡ của bố trong những công việc trước đây mẹ vẫn làm mà chẳng có chút khó khăn gì. Mẹ đừng ngại ngần chia sẻ những điều này với bố. Hành trình mang thai là hành trình hạnh phúc không chỉ của mẹ mà còn là của bố nữa mà. Em bé phát triển ra sao? - Tuần này, thai nhi trong bụng mẹ đã phát triển vô cùng nhanh chóng. Trọng lượng cơ thể bé đã đạt được khoảng 50g, chiều dài khoảng 9,3-10,3 cm, tương đương với kích thước của một trái cam. - Làn da của bé vẫn còn trong, có thể nhìn thấy được các mạch máu bên trong. Mẹ có thể tính được nhịp tim của bé bằng cách đếm nhịp mạch ở cổ tay mình rồi nhân lên gấp đôi. - Chân của bé dài hơn tay, có thể gập lại ở đầu gối và mắt cá chân. - Đến tuần này, giới tính của bé đã có thể xác định rõ ràng qua hình ảnh siêu âm. Với bé gái, buồng trứng của bé có khoảng 3 triệu trứng – số lượng trứng bé sẽ mang suốt cuộc đời mình. Với bé trai, hai tinh hoàn vẫn còn ở vị trí cao trên bụng. - Xuất hiện núm vú trên ngực thai nhi - Răng sữa của bé đã bắt đầu hình thành bên trong nướu. - Em bé đã có thể ngáp, có cử động làm nhặn hoặc duỗi căng trên khuôn mặt. Dù em bé còn ngủ khá nhiều nhưng cũng có những khoảng thời gian di chuyển và thực hiện các hoạt động tập cơ. - Vân tay của bé cũng hình thành trong giai đoạn này. Tuần này, mẹ nên làm gì? - Tránh đứng lên quá nhanh khi mẹ đang trong tư thế ngồi. Việc này sẽ làm mẹ chóng mặt hoặc thậm chí có thể ngất xỉu. - Nếu mẹ thường xuyên bị đau dây thần kinh, mẹ nên thay đổi tư thế ngủ của mình. Thay vì nằm thẳng, mẹ có thể nằm nghiêng và dùng nhiều gối để hỗ trợ xung quanh sao cho mẹ cảm thấy thoải mái nhất. - Khi ngồi làm việc, mẹ có thể kê chân mình lên cao hơn so với việc ngồi thõng chân thông thường. Việc này sẽ giúp lượng máu lưu thông tốt hơn. - Nếu mẹ mang thai em bé thứ hai, mẹ nên chuẩn bị tinh thần cho em bé lớn của mình về việc có em, hướng dẫn cho con cách chơi với mẹ mà tránh gây va chạm vào bụng mẹ hay giúp bé làm quen với việc chơi cùng bố nhiều hơn … Mẹ cùng theo dõi tiếp tuần thai thứ 16 nhé!