Táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ em, việc trẻ không thể đi vệ sinh một cách bình thường được khiến mẹ rất xót xa. Tuy nhiên, mẹ cần nhận định đúng như thế nào là táo bón cũng như là phương pháp phòng ngừa tốt nhất cho trẻ, bài viết sau đây sẽ giúp mẹ giải quyết vấn đề nan giải này. Trẻ ở độ tuổi nào thường mắc táo bón? Có 3 thời điểm dễ xảy ra táo bón ở trẻ: Giai đoạn ăn dặm: trẻ đang từ bú mẹ hoàn toàn sang chế độ ăn dặm, chuyển từ chế độ ăn lỏng sang ăn đặc. Giai đoạn tập ngồi bô: trẻ không thích ngồi bô hay bồn cầu nên sẽ cố gắng nín nhịn. Trẻ nín nhịn làm phân càng ở lâu trong cơ thể càng khô cứng hơn gây đau và dễ rách hậu môn, chảy máu khi đi vệ sinh. Giai đoạn bắt đầu đến trường: trẻ không thích dùng nhà vệ sinh tại trường vì không quen, điều này cũng có thể dẫn đến việc nín nhịn đi vệ sinh. Dấu hiệu nào nhận biết táo bón ở trẻ? Thông qua những biểu hiện sau mẹ có thể dễ dàng nhận biết trẻ có bị táo bón hay không: Chán ăn, đau bụng, chướng bụng. Đại tiện không thường xuyên, ít hơn bình thường dưới 3 lần/tuần. Đau ở hậu môn, phân khô, cứng tạo thành các cục nhỏ. Căng thẳng khi đi tiêu, có cảm giác đi tiêu chưa hết phân. Sợ đi tiêu và thậm chí sợ ngồi vào bồn cầu. Phân có mùi khó chịu, són phân lỏng, đôi khi lẫn máu do nứt hậu môn. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ là gì? Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn: Trong 6 tháng đầu bé được bú mẹ hoàn toàn, bé sẽ không bị táo báo, nên mẹ đừng quá lo lắng tìm mọi cách để trẻ đi ngoài, vì trong sữa mẹ có hoạt chất MHO sẽ giúp đẩy chất thải ra khỏi ruột và đặc biệt từ tháng thứ 2 trở đi, ruột trẻ sẽ có hiện tượng giãn ruột sinh lý, nói nôm na là ruột tự động dài ra nên trẻ sẽ không đi ngoài với tần suất nhiều như trước nữa, mà khoảng 3-4 ngày mới đi, có trẻ hơn 1 tuần mới đi, nếu bé bú mẹ 100% thì bé hoàn toàn không bị táo bón ở trẻ. Đối với trẻ bắt đầu ăn dặm: trẻ thường được nuôi dưỡng bằng những thực phẩm mềm và nhiều chất dinh dưỡng như thịt, cá, tôm nhưng lại ít chất xơ, đây cũng là lí do khiến trẻ bị táo bón. Bên cạnh đó cũng có nhiều nguyên nhân khác gây táo bón cho trẻ như: Trẻ uống ít nước, bú mẹ ít dẫn đến việc phân rắn. Mắc các bệnh về đại tràng, bệnh tắc ruột, hẹp ruột, hẹp hậu môn là những căn bệnh khiến trẻ thường xuyên bị táo bón. Một số thuốc có thể dẫn tới táo bón như codein, thuốc ho, thuốc chống co giật, thuốc kháng histamin chống dị ứng.... Táo bón ở trẻ có nguy cơ gì? Khi trẻ bị táo bón nhưng không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng: Chướng bụng, đầy hơi, ăn khó tiêu, nôn trớ làm cho trẻ biếng ăn, còi cọc, chậm lớn và suy dinh dưỡng. Không đào thải được chất độc trong phân ra ngoài sẽ gây tích lại ở ruột và có thể bị hấp thu trở lại trong máu gây hại cho sức khỏe của trẻ. Bị sa trực tràng do rặn và ngồi lâu. Chảy máu trực tràng do phân quá rắn dẫn tới bệnh trĩ. Cách phòng ngừa táo bón nào tốt nhất? Để hạn chế cũng như phòng ngừa táo bón cho trẻ thì mẹ cần phải: Ngăn chặn hành vi nín tiêu của trẻ. Dạy trẻ nhận biết tín hiệu mắc vệ sinh của cơ thể. Động viên trẻ hoạt động nhiều để tăng nhu động ruột. Với trẻ nhỏ, có thể áp dụng các bài tập massage bụng, vận động chân và ngâm mình trong bồn nước ấm. Trẻ cần uống đủ nước mỗi ngày, uống nhiều nước giúp tăng lượng chất lỏng trong phân khiến phân mềm hơn và dễ tống ra ngoài. Nhưng lưu ý với trẻ từ 0 đến 6 tháng không cần bổ sung nước hay bất kỳ đồ uống nào ngoài sữa mẹ. Đảm bảo chất xơ trong khẩu phần ăn của trẻ, chế độ ăn cân đối, giàu chất xơ, ăn nhiều rau xanh, quả chín. Nên chọn các loại rau quả có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi… sẽ giúp làm tăng khối lượng phân khiến chúng mềm hơn và dễ tống ra ngoài. Khi trẻ bị táo bón, tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có những cách xử lý trẻ bị táo bón thích hợp, cho nên mẹ nên tìm hiểu kỹ hay cách tốt nhất là đưa trẻ đến cơ sở y tế khám mẹ nhé!