Các mami có thấy thời tiết dạo này thật lạ không ạ. Trong miền nam khu vực nhà mẹ Bali 1 ngày có tới 4 mùa. Sáng sớm thì lạnh như mùa đông, tới trưa thì nóng như mùa hè, chiều thì mát mát như mùa thu, tối lất phất mưa xuân. Thời tiết thay đổi thường xuyên như thế khiến chúng ta rất dễ bị cảm. Cảm cúm là bệnh theo mùa nên đôi khi khó phòng tránh, vì virus rất dễ lây từ người này qua người kia. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến các mami những cách tự nhiên để chống lại những triệu chứng khó chịu của bệnh cảm mà không cần dùng thuốc nhé. Các mami cũng có thể tham khảo những cách này để áp dụng cho con tùy vào độ tuổi phù hợp. 1. Thực phẩm Thực phẩm giàu protein: + Ngay cả khi chúng ta không bị bệnh, thì protein cũng đã giữ vai trò quan trọng để giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, cây họ đậu, sản phẩm từ sữa, trứng, các loại hạt là những thực phẩm giàu protein. + Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo rằng người lớn nên nạp 50gram protein mỗi ngày. Phụ nữ có thai và cho con bú cần nạp lượng protein nhiều hơn mức này. Những thực phẩm giàu protein còn cung cấp vitamin B6, B12, và những vitamin này giúp cho hệ miễn dịch hoạt động tốt. + Vitamin B6 có nhiều trong các thực phẩm giàu protein như gà tây, các loại đậu, cũng như là khoai tây, cải bó xôi, và ngũ cốc. Các loại thịt, sữa, và cá cũng chứa vitamin B 12, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. + Ngoài ra, những khoáng chất như Selen (cùng họ với Lưu huỳnh) và Kẽm cũng giúp hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ hơn. Những khoáng chất này có trong các loại đậu, các loại hạt, thịt, thịt gia cầm. Thực phẩm chứa flavonoids : Flavonoids là một loại chất chuyển hóa trung gian của thực vật, có nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe. Flavonoids bao gồm 4000 hợp chất đóng vai trò tạo ra màu sắc của trái cây và hoa. Nghiên cứu cho thấy rằng flavonoids được tìm thấy trong lớp vỏ trắng mềm của trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh, tắc – tăng cường chức năng của hệ miễn dịch. Chưa kể, những trái cây này còn có nhiều vitamin C, rất hiệu quả trong chống lại bệnh cảm. Ngay từ khi thấy dấu hiệu của bệnh cảm, các bạn có thể uống thêm vitamin C hoặc những trái cây này để tăng cường sức đề kháng. Thực phẩm chứa Glutathione: Glutathione cũng góp phần tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể chiến đấu chống lại virus gây bệnh. Bạn có thể tìm thấy chất chống oxy hóa mạnh mẽ này trong phần đỏ, giòn gần vỏ quả dưa hấu. Nó cũng có trong các loại rau có màu xanh, cải xoắn, bông cải xanh và bắp cải. Súp gà, Trà nóng: Súp gà, trà nóng có tác dụng giảm các triệu chứng cảm cúm đáng kể. Hít hà hơi nóng từ súp, trà làm giảm nghẹt mũi. Súp gà/nước trà còn giúp bù nước cho cơ thể. Nước dùng của súp gà, nước trà ấm nóng làm giảm đau họng. Thêm vào đó, trong trà xanh có chất oxy hóa giúp cơ thể chống lại bệnh cảm. Tỏi: Tỏi nổi tiếng là thực phẩm chống lại vi khuẩn, vi trùng. Một nghiên cứu cho thấy rằng nếu ăn tỏi thường xuyên có thể ngăn ngừa cảm cúm. Nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để chứng minh tác dụng thật sự của nó. Tỏi chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt tỏi giúp thức ăn của bạn có mùi vị hơn khi bạn bị nghẹt mũi và thấy đồ ăn nào cũng lạt nhách. 2. Xông hơi Hít thở hơi nước có thể làm giảm nghẹt mũi, giảm đau khi bị nghẹt mũi, hoặc sổ mũi. Có thể sử dụng máy phun làm ẩm không khí nếu bạn có sẵn, hoặc lấy 1 chén nước nóng, chùm khăn qua đầu và hít thở sâu. Hoặc như ông bà ta ngày xưa hay làm là nấu nước xông từ sả, ngải cứu, lá chanh, hương nhu, bưởi, tía tô, kinh giới, hoắc hương, quế, gừng, bạc hà, húng chanh,…để xông toàn thân. 3. Nhỏ/xịt mũi và súc miệng bằng nước muối Nhỏ hoặc xịt nước muối vào mũi giúp làm loãng dịch nhầy và mau hết sổ mũi/ nghẹt mũi. Mỗi ngày nên nhỏ mũi từ 2-3 lần, hoặc nhiều hơn nếu thấy cần thiết. Lưu ý mọi người trong nhà nên dùng 1 chai khác nhau để tránh lây nhiễm chéo. Súc miệng bằng nước muối giúp giảm đau họng ,giảm sưng cổ họng bằng cách rửa sạch các chất kích thích và vi trùng trong cổ họng, vòm họng. Nên súc miệng bằng nước muối ấm với ít nhất bốn lần mỗi ngày. 4. Để cho cơ thể quyền được sốt Đây là cách chữa trị tự nhiên mà hiệu quả. Sự tăng nhiệt độ của cơ thể làm giảm sự hoạt động của virus. Nhưng nếu việc sốt cao làm bạn thấy khó chịu, bạn hãy thử uống thật nhiều nước, nước trái cây, nước canh, nước súp, trà nóng,.... Đi khám ngay nếu sốt hơn 40 độ và không hạ dù đã làm nhiều biện pháp hạ sốt. Đối với trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi trở xuống, cần đưa trẻ đi khám ngay nếu sốt hơn 38,5 độ. Với trẻ em, sốt dưới 38,5 độ thì không cần lo lắng, nhưng nếu trẻ không sốt cao, mà lại quấy khóc nhiều thì nên cho trẻ đến bệnh viện để được thăm khám. 5. Nghỉ ngơi đủ Khi bị cảm, chúng ta nên nghỉ ngơi đầy đủ để cung cấp năng lượng cho cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh. Giữ ấm cơ thể bằng cách bôi dầu ở lòng bàn chân, và mang vớ khi đi ngủ cũng giúp giảm các triệu chứng cảm cúm.