Từ hoài nghi đến xác định - thông thường khi bước vào tháng thứ hai của thai kỳ thì các mami đều đã cảm nhận rõ những khác lạ trong cơ thể, và ý thức được một sinh linh nhỏ bé đang hiện diện. Bản năng làm mẹ bắt đầu được khơi mở, những cơn ốm nghén đầu tiên, niềm hạnh phúc xen lẫn lo lắng chia sẻ với ông bố tương lai, và khoảnh khắc nghe thấy nhịp tim con qua máy siêu âm... Có thể nói tháng thứ hai là một giai đoạn vô cùng trọng đại và khó quên với mẹ. Hành trình thai giáo tháng đầu tiên: Sinh mệnh nhỏ hình thành Hướng dẫn thai giáo tháng thứ hai: Đây là giai đoạn em bé của bạn từ “phôi thai” trở thành “thai nhi”: làm tổ trong tử cung, các tế bào phân hóa và hình thành ba phần rõ rệt. Hệ thần kinh và hệ tuần hoàn của con cũng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này. Mẹ bầu hãy thật chú tâm chăm sóc bản thân cả thể chất và tinh thần nhé. Mẹ sẽ phải đối phó với việc khẩu vị thay đổi và những cơn ốm nghén đầu tiên. Đừng ép bản thân ăn quá nhiều, quá no và ăn những món minìh không thích chỉ vì muốn tốt cho con. Hãy bắt đầu đi khám thai đều đặn và tham khảo ý kiến bác sĩ về dinh dưỡng và vận động. Đồng thời dành nhiều thời gian bồi dưỡng cho bản thân và cho bé con những cảnh quan đẹp mắt, giai điệu êm tai, món ăn hấp dẫn và nhiều niềm vui nho nhỏ hàng ngày. TUẦN 5 THAI GIÁO CẢM XÚC Làm quen với cảm giác "trở thành mẹ" "Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời..." Đối với các mami mang thai lần đầu, ý nghĩ mình sẽ trở thành một người mẹ nghe thật lớn lao, và cũng thật mơ hồ phải không? Xin đừng lo lắng, bản năng của tình mẫu tử có trong mọi người phụ nữ trên thế giới này. Và mami có tới khoảng 250 ngày nữa để khơi dậy và nuôi dưỡng bản năng ấy. Làm mẹ là một hành trình vĩ đại và mami không cô đơn đâu. Hai mẹ con sẽ cùng nắm tay nhau đi suốt cuộc đời. THAI GIÁO DINH DƯỠNG Thực phẩm bổ sung dạng uống Mẹ có thể bắt đầu bổ sung một vài loại thực phẩm chức năng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các dưỡng chất cần thiết trong suốt thai kỳ gồm có - DHA và Omega 3 để giúp trí não và đôi mắt bé phát triển tốt nhất - Acid folic để giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi - Các loại vitamin và khoáng chất với liều lượng thích hợp để bồi bổ sức khỏe cho mẹ bầu, giảm các triệu chứng ốm nghén, và cung cấp thêm dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi bên cạnh thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày. THAI GIÁO ÂM NHẠC Nghe nhạc thiếu nhi Hệ thần kinh của em bé đã bắt đầu được hình thành, những cơ quan thính giác đầu tiên cũng bắt đầu phát triển. Như vậy điều kiện cơ sở để thai giáo bằng âm nhạc đã có. Có thể đã lâu lắm rồi mami không nghe nhạc thiếu nhi nữa. Bây giờ khi đã biết mình đang mang một thiên thần bé nhỏ trong bụng, hay là mami thử bật lại vài bài hát mà mình từng thích khi còn là trẻ con xem sao? Những ca khúc thiếu nhi đẹp và nhẹ nhàng cũng sẽ là món ăn tinh thần tốt cho mẹ bầu thư giãn đấy. THAM KHẢO Thai nhi tuần 5: chú “nòng nọc tí hon” đã lớn hơn 10.000 lần so với lúc thụ thai Đếm ngược tới ngày gặp con yêu - cuốn sách cùng mẹ đi qua 280 ngày mang thai kỳ diệu TUẦN 6 THAI GIÁO NGÔN NGỮ Đọc thơ cho con nghe Dù chưa thể cho bố mẹ thấy những phản ứng rõ ràng, nhưng chắc chắn thai nhi là một sinh mệnh giàu cảm xúc. Cảm xúc của con sẽ ngày càng phát triển phong phú nếu thường xuyên được tiếp nhận những tác động tích cực từ thế giới bên ngoài. Một trong những điều đầu tiên bé sẽ làm quen từ trong bụng chính là ngôn ngữ - những lời hỏi han, trò chuyện của bố mẹ. Hãy thường xuyên giao tiếp với con để bé cảm nhận được tình yêu của cả nhà nhé! Ngoài ra, mami có thể đọc cho em bé trong bụng nghe bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” của nhà thơ Xuân Quỳnh chẳng hạn. Chắc chắn bé sẽ rất thích đấy mẹ ạ! THAI GIÁO DINH DƯỠNG Thực đơn gợi ý Mami tham khảo thực đơn này cho tháng thứ hai của thai kỳ nhé: - Bữa sáng: Salad rau xanh trộn, canh gà, bánh mì hoặc bánh bao - Bữa trưa: Canh trứng cà chua, thịt bò xào rau cải, cơm - Bữa tối: Cá hấp, đậu phụ sốt, cơm - Các bữa phụ: sữa chua, sinh tố ớt ngọt, đậu phộng (lạc) rang, táo, sữa tươi. GÓC CHO BỐ Khi biết vợ có thai, các ông bố tương lai chắc hẳn cũng có rất nhiều xúc cảm đặc biệt phải không? Bố hãy cùng chia sẻ những tâm trạng đó với mẹ, và cùng làm những việc sau để bắt đầu “hành trình làm cha” của mình nhé: - Cùng mẹ lên kế hoạch sơ bộ cho sự ra đời của em bé: thảo luận về ngày dự sinh và những việc cần làm để đón chào thiên thần nhỏ - Giúp mẹ tìm ra những món ăn ưa thích: khẩu vị phụ nữ mang thai thường bị xáo trộn khá lớn. Bố hãy thông cảm và quan tâm chăm sóc đến việc ăn uống của mẹ nhiều một chút nhé. Đừng tạo áp lực khiến mẹ phải ăn thật nhiều, mà quan trọng nhất là tìm ra những món khiến mẹ ăn ngon, vui vẻ khi ăn. Mẹ sẽ thấy ngon miệng không chỉ vì món ăn, mà chính là vì “gia vị ngọt ngào” từ sự chăm sóc của bố đấy! - Hãy cổ vũ mẹ, bố nhé: Mang thai là một chặng đường dài nhiều biến động và khá vất vả đấy. Nếu mẹ có hay mệt mỏi, ủ rũ hoặc cáu kỉnh, bố cũng hãy thông cảm và yêu chiều mẹ hơn. Đừng khiến mẹ bị cô đơn và phải nghĩ ngợi tiêu cực, bố nhé! THAM KHẢO Thai nhi tuần 6: Chiếc đuôi tí hon biến mất Bài thơ: Chuyện cổ tích về loài người – Xuân Quỳnh TUẦN 7 THAI GIÁO NGÔN NGỮ Ngôn ngữ cử chỉ Mẹ có biết rằng, khi chưa biết nói, trẻ em đã có thể dùng ngôn ngữ cử chỉ bằng tay để biểu đạt ý muốn? Bé càng chăm chỉ dùng tay để giao tiếp thì sẽ càng biết nói sớm hơn, và có chỉ số thông minih cao hơn các bé khác. Vì vậy, có thể coi cách nói chuyện bằng tay là thứ “ngôn ngữ” được con người “nói” sớm nhất và nhiều nhất trên thế giới. Nhân lúc rảnh rỗi, mami hãy thử tìm hiểu về ý nghĩa các cử chỉ của em bé xem, có thể mami sẽ bất ngờ đấy! Và sẽ thật thú vị khi mẹ có thể “học” được cách nói chuyện với con bằng cử chỉ - vừa là một bài xả stress vui vui trong thai kỳ, vừa hữu dụng sau này khi bé ra đời phải không? THAI GIÁO MÀU SẮC Màu sắc điều chỉnh tâm trạng Cũng như âm nhạc, màu sắc có một sức mạnh huyền bí, có thể truyền đạt tình cảm và tác động đến suy nghĩ, hành động của con người. Đặc biệt với mẹ bầu, nếu biết cách chọn lựa màu sắc để tiếp xúc, sẽ tác động tốt đến tâm trạng của mẹ, đồng nghĩa với việc tạo ảnh hưởng tích cực cho thai nhi. Màu sắc thích hợp cho tam cá nguyệt đầu tiên là những màu trang nhã, mang cảm giác thoải mái, để làm dịu tâm trạng thất thường của mẹ do nội tiết tố thay đổi. Mami có thể dùng rèm cửa hoặc chăn ga gối đệm gam màu pastel: - Xanh da trời: làm tỉnh táo não bộ - Vàng: Kích thích sản sinh chất serotonin trong não, mang lại cảm giác vui vẻ phấn khởi. - Hồng: Giảm âu lo, khiến mẹ cảm thấy bình yên, giúp ngủ ngon. THAM KHẢO Thai nhi tuần 7: “Quả ô liu xanh” trong bụng mẹ đã có thể có nhịp tim Ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với bé TUẦN 8 THAI GIÁO DINH DƯỠNG Giảm nghén bằng đồ ăn vặt Tuần này hãy cùng MamiBuy xử lý các cơn buồn nôn của mẹ bầu bằng các thực phẩm nhà nào cũng có này nhé: - Nước chanh gừng mật ong: Mẹ vắt nửa quả chanh, thêm nước lọc, pha chút mật ong theo khẩu vị và thả một lát gừng tươi vào rồi uống nhấm nháp mỗi buổi sáng (thời điểm hay bị buồn nôn nhất) nhé. - Bánh quy, khoai lang và nho khô là những món nên để ngay ở đầu giường để mẹ có thể nhâm nhi trước khi ngồi dậy, sẽ xua tan cảm giác buồn nôn. - Các trái cây như dưa hấu, me, chuối, cam quýt bưởi, đu đủ chín và táo cũng vừa giảm nghén hiệu quả, lại vừa bổ sung nhiều vitamin vô cùng tốt cho cả mẹ và em bé đấy! THAI GIÁO THIÊN NHIÊN Lưu ý khi chăm sóc cây cảnh Tự tay làm vườn hay cắm hoa cũng là một niềm vui tuyệt vời cho mẹ bầu. Tuy nhiên mẹ cần phải thật cẩn thận, luôn đeo găng tay khi chăm sóc cây cối để tránh vi khuẩn có hại, và tránh xa những cây hoa có độc tố. Ví dụ như hoa bách hợp, hương thơm của hoa này gây hưng phấn quá độ cho hệ thần kinh, dẫn đến mất ngủ. Hoặc cây vạn niên thanh có thể gây ngứa và dị ứng khi tiếp xúc, thậm chí ngộ độc nếu lỡ ăn nhầm phải lá. THAM KHẢO Thai nhi tuần 8: Bé đã lớn bằng quả mâm xôi, chân tay hình thành rõ rệt, thận sẵn sàng hoạt động và tai đã phát triển đầy đủ Tránh xa các thực phẩm gây sảy thai Những trái cây tốt nhất cho thai nhi Trích bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" - Xuân Quỳnh Chúc mami có tháng thứ hai của thai kỳ thật tuyệt vời. Hẹn gặp lại mami trong Hành trình thai giáo tháng thứ ba.