“Ở cữ dịp Tết ấy à? Nghĩ đến là thấy nản rồi!” – nhiều Mami có kinh nghiệm sinh con dịp Tết than thở. Bên cạnh niềm hạnh phúc to lớn là được ôm cục cưng bé nhỏ sẽ đi kèm một thiệt thòi “hơi hơi lớn” là coi như chẳng được ăn Tết! Không xúng xính áo váy, tóc tai chải chuốt, cũng không được ăn uống thoải mái bánh chưng, giò chả, mứt Tết, lại càng không có chuyện đi “countdown” hay du xuân tưng bừng như “hồi trẻ” nữa rồi. Vậy các mẹ của các Cún con, Heo con xuân Kỷ Hợi 2019 sẽ cần chú ý kiêng cữ, ăn uống sinh hoạt thế nào để giữ sức khỏe, giữ chất lượng sữa tốt cho bé bú, mà lại vẫn vui trong dịp Tết này đây? Hãy cùng MamiBuy tìm hiểu nhé. 1. Ăn gì cho ngon? Mẹ sữa ở cữ ngày Tết thèm lắm cũng không được ăn – hoặc hết sức hạn chế mấy món sau đây mẹ nhé: - Các món ăn lên men: từ nem chua, mắm tôm chua cho đến dưa hành muối, củ kiệu ngâm, kim chi… mẹ đều phải kiêng nhé. Vì chúng chứa vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy và Nitrit khiến mẹ có nguy cơ bị thiếu máu. Ngoài ra lượng muối lớn trong các món này sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng sữa mẹ. - Măng: Canh măng ngày Tết nhà nào cũng nấu, nhưng mẹ tuyệt đối đừng ăn măng nhé. Rất nhiều mẹ đã bị mất sữa vì ăn phải món này rồi đấy! - Bánh chưng: mẹ không cần kiêng hẳn, tuy nhiên nếu ngon miệng ăn quá nhiều và thường xuyên thì lượng dinh dưỡng quá lớn từ gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ sẽ làm cơ thể bị quá tải calo, gây đầy hơi, khó tiêu, tăng cân không cần thiết – đặc biệt không tốt với các mẹ đã khá thừa cân sau thời gian bầu hoặc bị tiểu đường thai kỳ. Thậm chí việc này cũng dẫn đến giảm tiết sữa. - Bánh mứt kẹo: khi trái cây đã được chế biến thành mứt thì không còn các vitamin có lợi cho sức khỏe nữa, thay vào đó là đường, chất tạo ngọt và tạo màu. Những món bánh mứt kẹo này sẽ chỉ làm mẹ no ngấy và gây béo thôi chứ chẳng đem lại dinh dưỡng gì cho hai mẹ con cả. - Đồ ăn chế biến sẵn: thịt hun khói, lạp xưởng, giò chả… hầu như nhà nào cũng tích trữ để ăn và tiếp khách ngày Tết. Mẹ nên hạn chế ăn các món này để giữ cho con nguồn sữa tốt nhất, không bị ảnh hưởng bởi chất bảo quản, hàn the, muối… - Rượu bia, nước ngọt có ga: Cồn và caffein là những chất mẹ cần tránh xa trong suốt thời gian ở cữ và cho con bú – nếu không muốn bé hấp thụ các chất này qua sữa và dẫn đến mất ngủ, cáu gắt, quấy khóc. Lượng đường cao trong nước ngọt cũng sẽ khiến mẹ bị chướng bụng đầy hơi và tăng nguy cơ tiểu đường. Mẹ mới sinh sẽ phải tạm "ly dị" với một số món ăn Tết truyền thống Còn những món này thì lại vừa ngon vừa tốt cho cả hai mẹ con, mami cứ nạp thoải mái: - Các loại hạt: hướng dương, hạt bí, hạt điều, hạt dẻ cười hay hạnh nhân: axit béo có trong dầu của các loại hạt này được đưa vào sữa mẹ chính là “thực phẩm vàng” cho sự phát triển trí não và mắt của bé mới sinh. Những loại hạt này cũng không gây béo nữa, mẹ cứ thoải mái nhâm nhi! - Gạo lứt, bánh quy và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt: đây là nguồn chất đạm, vitamin nhóm B và chất xơ vô cùng tốt cho cho hai mẹ con. Những món này còn tốt hơn cơm gạo tẻ, nên mẹ có thể thay đổi thực đơn ở cữ bằng cơm gạo lứt và các loại bánh ngũ cốc này cho đỡ ngán. - Canh/ súp với nấm và rau củ: vừa có hương vị thanh mát dễ ăn, các loại nấm và rau củ lại cung cấp dồi dào chất xơ, vitamin và acid folic giúp mẹ phục hồi sức khỏe sau sinh và sản xuất nguồn sữa vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng cho bé. - Trái cây: chuối, kiwi, dâu tây, đu đủ chín… vừa lợi sữa, giảm mệt mỏi cho mẹ, lại đưa vào sữa nhiều vitamin C giúp kháng viêm, tăng đề kháng, giảm các nguy cơ dị ứng ở trẻ sơ sinh. - Sữa chua và phô mai: Canxi là dưỡng chất không thể thiếu với mẹ bầu và mẹ mới sinh, tuy nhiên khi uống sữa tươi thì một số mẹ lại gặp vấn đề về tiêu hóa. Với các loại sữa chua và phô mai cứng thì mẹ có thể yên tâm thưởng thức để nạp canxi và lợi khuẩn mà không cần lo lắng về cái bụng nhé. Một số loại thực phẩm tốt cho mẹ sau sinh và cho con bú 2. Mặc gì cho xinh? Dù sẽ dành phần lớn thời gian chỉ ở trong nhà dịp Tết này, thế nhưng mẹ sữa cũng vẫn nên chăm chút cho vẻ ngoài của mình gọn gàng nhé, bởi vì năm mới là dịp họ hàng thăm nom, khách khứa đến chơi chúc Tết, chắc hẳn ai cũng muốn hỏi thăm mẹ và ngắm nhìn em bé mới ra đời. Các mẹ "tiền bối" đã liệt kê những trang phục và phụ kiện không thể thiếu sau đây để mami tham khảo: - Áo ngực cho con bú: loại áo lót dễ mở từ đằng trước rất thuận tiện mà lại kín đáo, giúp mẹ dễ dàng cho con bú mà không phải ngại ngùng lúng túng. Nhiều shop còn bán cả loại áo áo ngực cho con bú kèm định hình vòng eo nữa. Mẹ tha hồ mặc áo váy gọn gàng bên ngoài nhé. - Áo sơ mi, váy liền: Ai bảo cứ ở cữ là chỉ có thê rmặc pyjama, những chiếc sơ mi, áo oversize hoặc váy liền rộng rãi thoải mái cũng khiến mẹ vừa xinh đẹp vừa khỏe khoắn hơn. Mẹ nhớ chọn chất liệu vải mềm và thoáng,, khóa hoặc khuy cài đằng trước để tiện việc cho con bú nhé. - Miếng lót thấm sữa: Đây sẽ là cứu tính giúp mẹ thoát khỏi tình trạng áo xống loang lổ, người nồng mùi sữa. Thuận tiện nhất là loại miếng lót thấm sữa dùng một lần, dán vào mặt trong của áo ngực. Ngoài ra còn có miếng lót bằng vải để có thể giặt và tái sử dụng nữa mẹ ạ. - Son dưỡng có màu: Tuyệt nhất là những loại làm từ nguyên liệu thiên nhiên như sáp ong, dầu dừa và tạo màu bằng quả gấc, củ dền... Bà đẻ ở cữ thì cũng vẫn phải xinh đẹp chứ! Có thể mẹ không có thời gian để make up ngắm vuốt hàng nửa tiếng trước gương như xưa, nhưng đừng quên bỏ ra vài chục giây để thoa chút son cho môi xinh tươi tắn nhé! Mời mami tham khảo gợi ý trang phục cho con bú thuận tiện mà vẫn gọn gàng năng động 3. Kiêng cữ sao cho hợp lý? Đây mới là đoạn khó nhất của chủ đề “ở cữ ngày Tết” này. Có tới hàng trăm điều kiêng kỵ trong chế độ sinh hoạt dành cho sản phụ được áp dụng qua nhiều thế hệ, mỗi địa phương hay mỗi gia đình lại một khác. Vậy giữa vô vàn “huyền thoại kiêng cữ” thì mami nên tuân theo hoặc bỏ qua những điều nào? Mẹ tham khảo bài “Điên đầu” chuyện kiêng cữ sau sinh, và lưu ý những điều sau nữa để ăn Tết vui vẻ an toàn nhé: Phòng tránh suy kiệt sức khỏe sau sinh: Dịp Tết là lúc cả nhà phải quay cuồng với vô vàn công việc như mua sắm, dọn dẹp, lễ lạt, thăm nom… nên mẹ rất có thể cũng sẽ bận bịu theo, trong khi đó cơ thể của mẹ lại mất đi rất nhiều sức lực sau quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú – việc này có thể dẫn đến nguy cơ suy nhược sau sinh. Bố và các thành viên khác trong gia đình nên cùng cố gắng giúp mẹ sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và chế độ ăn ngủ hợp lý để hồi phục cơ thể và duy trì dòng sữa. Mẹ sẽ cần: - Ngủ đủ giấc – khoảng 8 tiếng/ ngày. - Ăn ngày 3 bữa chính, 3 bữa phụ với đồ ăn chín, nóng và cân bằng dinh dưỡng. Không cần ăn quá nhiều, quá no, nhưng cũng không để quá đói mới ăn. - Uống nước tối thiểu 3 lít/ ngày. - Đi lại vận động nhẹ nhàng. Nằm nhiều chỉ càng gây mệt mỏi và khiến vết thương sinh nở lâu lành. - Giữ vệ sinh thân thể: tắm gội nhanh với nước ấm trong phòng kín gió. Không nên kiêng tắm gội kẻo sinh vi khuẩn và khiến người ủ rũ không vui. Bảo đảm sức khỏe tinh thần Không chỉ thể chất, cả sức khỏe tinh thần của mẹ mới sinh cũng vô cùng cần được chú ý chăm sóc. Tâm lý sau sinh thường dễ mệt mỏi chán nản, phải lo lắng chăm chút cho em bé, cộng thêm việc thấy mọi người tưng bừng ăn Tết, chơi xuân… khiến mẹ dễ tủi thân, nhớ nhà đẻ (với các mẹ ăn Tết ở nhà chồng), và cảm thấy bị gò bò quanh bốn bức tường. Mami hãy mở lòng hơn, chủ động dành thời gian chăm sóc bản thân và thư giãn mỗi ngày, tâm sự trò chuyện với mọi người nhiều hơn, và đừng ngại kêu gọi sự giúp đỡ khi cần chứ đừng ôm cả vào lòng nhé. Trên hết, mẹ hãy ngắm bé yêu mới ra đời của mình đi nào, một chút thiệt thòi trong dịp năm mới đâu thể so sánh với thành quả ngọt ngào mà mẹ đang ôm trong vòng tay phải không? Đây chính là món quà Tết quý giá nhất mà mẹ đã tặng cho gia đình và cho chính mình đấy. MamiBuy chúc mẹ năm mới khỏe mạnh, hạnh phúc, chúc con yêu hay ăn chóng lớn nha!