Làm đẹp là nhu cầu cần thiết của tất cả phụ nữ ngay cả khi mang bầu. Nhuộm tóc là một giải pháp khá hiệu quả để mang lại vẻ ngoài trẻ trung, tươi mới nhằm "cứu cánh" cho nhan sắc đang có nguy cơ "xuống cấp" do mang thai của chị em phụ nữ. Nhưng liệu mẹ bầu nhuộm tóc có an toàn với cả mẹ và thai nhi hay không?Mẹ bầu muốn nhuộm tóc cần lưu ý những gì? Phụ nữ mang thai có nên nhuộm tóc không? Theo BS. Trần Văn Cường, Khoa Vô sinh Hiếm muộn, BV. Phụ sản Trung cho biết: Vấn đề mẹ bầu nhuộm tóc có ảnh hưởng tới thai nhi hay không là vấn đề đã được rất nhiều nhà khoa học đưa ra tranh luận tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục chứng minh rằng các hóa chất trong thuốc nhuộm tóc có thể gây dị tật bẩm sinh, sảy thai hoặc bất cứ biến chứng nào khác với thai nhi. Trên thực tế khi mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu sẽ yếu hơn so với bình thường, gia tăng các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe từ môi trường sống, thực phẩm, điều kiện thời tiết... Nếu trong giai đoạn mạng thai, người mẹ tiếp xúc với các hóa chất độc hại thì sức khỏe của thai phụ và sinh mạng của thai nhi sẽ bị đe dọa. Khi mang thai, mẹ bầu thường lo lắng rất nhiều, trong đó có cả vấn đề làm đẹp. Đặc biệt khi muốn nhuộm tóc trong thai kỳ, mẹ cầu càng cần chú ý nhiều hơn. Khi mang thai, da đầu mẹ bầu vô cùng mẫn cảm, thuốc nhuộm tóc có thể dẫn đến sự tổn hại khó lường trước, đặc biệt là những loại thuốc nhuộm tóc có chứa thành phần Amoniac, P-Phenylenediamine (PPD), chất oxy hóa với kiềm mạnh có thể sẽ làm thay đổi cấu trúc sợi tóc, đây là loại hóa chất vô cùng nguy hại cho sức khỏe của thai nhi. - Ammonia hay còn gọi Amoniac là một trong những chất gây hại nhất có trong thuốc nhuộm thông thường, ảnh hưởng đến gan, thận, não. Không chỉ vậy, Ammonia ảnh hưởng tới da và tóc, việc da tiếp xúc với amoniac sẽ gây dị ứng da. Thuốc nhuộm hóa chất chứa một lượng lớn amoniac và các hóa chất khác như chì, kim loại nặng và hắc ín... đây là những chất có hại cho cả mẹ và em bé. - P-Phenylenediamine (PPD) là một trong những thành phần cơ bản của thuốc nhuộm hóa chất, đã được kiểm nghiệm trên động vật chứng minh nguy cơ đột biến cũng như sinh ung. Ngoài ra, PPD gây hại cho da và tóc làm tóc dễ gãy. Nếu liên tục để tóc tiếp xúc với PPD, tóc sẽ rụng dần và xỉn màu. Những mẹ bầu khi hít phải Amoniac hay tiếp xúc với PPD và một vài hóa chất khác có trong thành phần của thuốc nhuộm tóc có thể dẫn đến co thắt tử cung, gây ra tình trạng sẩy thai, thai non. Ngoài ra, thuốc nhuộm tóc còn có khả năng gây dị ứng đối với cơ thể người mẹ như gây phù mặt, ngứa ngáy, dị ứng, nổi mụn đỏ... Tuy nhiên cũng vì vấn đề thay đổi nội tiết tố khi mang thai mà nhan sắc của mẹ bầu bị ảnh hưởng đáng kể, nhất là mái tóc. Việc tóc rụng nhiều hoặc xơ cứng thô ráp khiến các mẹ rất mất tự tin. Làm đẹp khi mang thai là nhu cầu chính đáng. Một thân hình không còn được hoàn hảo như khi chưa mang thai, vòng eo con kiến biến mất, chứng phù nề, tăng cân...ắt hẳn sẽ khiến các mẹ cảm thấy không hài lòng, ngoài việc chọn lựa trang phục phù hợp thì một mái tóc đẹp sẽ ''cứu cánh'' cho các mẹ rất nhiều. Mang thai là trải nghiệm hết sức tuyệt vời và nó sẽ càng tuyệt vời hơn nữa nếu mẹ biết chăm chút cho chính bản thân mình để có thể tự tin tỏa sáng mọi thời điểm, dù là đang trong thời gian bầu bí. Câu hỏi được đặt ra là mẹ bầu có nên mạo hiểm giữa làm đẹp với sự an toàn của bản thân và thai nhi hay không? Mặc dù các hóa chất trong thuốc nhuộm tóc không hấp thụ hết vào cơ thể mẹ bầu, nhưng chưa có bằng chứng nào khẳng định những hóa chất này có thực sự gây hại cho mẹ và em bé hay không, nên tốt nhất, cẩn thận vẫn hơn. Dù hiện nay chưa có các nghiên cứu khẳng định thành phần độc hại có trong những sản phẩm thuốc nhuộm tạm thời hay thuốc nhuộm thông thường nhưng để an toàn, bạn hãy hạn chế sử dụng các thuốc này. Có những loại thuốc nhuộm tóc nào? Thuốc nhuộm tóc được chia làm 2 loại: Thuốc nhuộm hóa chất và thuốc nhuộm hữu cơ (tự nhiên) 1. Thuốc nhuộm hóa chất: – Thuốc nhuộm tạm thời: loại thuốc nhuộm này chỉ bám trên bề mặt mà không ăn sâu vào trong tóc, sẽ phai màu chỉ sau một hoặc hai lần gội đầu. – Thuốc nhuộm bán vĩnh cửu: loại thuốc này đi sâu vào cấu trúc của tóc, ít chứa chất amoniac và hydrogen peroxide. Màu sắc vẫn giữ nguyên sau khoảng 10 lần gội. – Thuốc nhuộm vĩnh cửu (còn gọi là oxy hóa tóc): các chất màu được gọi là amin aromatic và phenol, phản ứng với hydrogen proxide và amoniac (hoặc có thể thay thế amoniac bằng MEA – monothanolamine), tạo nên thuốc nhuộm vĩnh cữu. Để tạo highlight tóc chỉ thường sử dụng loại thuốc nhuộm này. Nhuộm oxy hóa đem lại mái tóc bền màu nhất vì chúng gây ra những thay đổi về hóa học trong cấu tạo sợi tóc và không thể quay lại màu tóc cũ, chỉ có thể đợi phần tóc mới phát triển. 2. Thuốc nhuộm hữu cơ (tự nhiên) - Thuốc nhuộm tóc organic và natural: Loại thuốc nhuộm này không hẳn là 100% không chứa hóa chất, sản phẩm vẫn có chứa một số hóa chất tổng hợp và chất ổn định. Tuy nhiên thông thường các nhà sản xuất loại thuốc nhuộm organic và natural sẽ loại bỏ hoặc thay thế amoniac, có mức PPD thấp hơn và thường bao gồm các dưỡng chất và chất chống oxy hoá. - Thuốc nhuộm có nguồn gốc thực vật: Thuốc nhuộm có nguồn gốc thực vật đảm bảo tính an toàn cho tóc và da dầu, nhưng phai màu nhanh hơn so với các loại thuốc nhuộm có chứa amoniac và peroxit. Mẹ bầu cần lưu ý gì khi muốn nhuộm tóc? Khi vấn đề bà bầu nhuộm tóc có an toàn hay không vẫn còn chưa ngã ngũ, nếu mẹ bầu muốn nhuộm tóc trong thai kỳ, mẹ nên cân nhắc đến những lưu ý dưới đây để không gây ảnh hưởng đến cơ thể và sức khoẻ của cả mẹ và bé và có một mái tóc khỏe đẹp nhé. - Thời điểm nhuộm tóc: Nhiều chuyên gia tư vấn khuyên mẹ bầu nếu muốn nhuộm tóc, hãy chờ sau 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Ba tháng đầu tiên là giai đoạn cần đặc biệt cẩn thận. Tuyệt đối không nên nhuộm tóc trong ba tháng đầu mang thai. Vì lúc này, đây là thời điểm mà phôi thai đang phân chia và hình thành trong bụng mẹ, thai nhi đang hình thành các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Mẹ bầu nên tránh xa các loại hoá chất. Sau 3 tháng đầu, nguy cơ gây hại cho thai nhi từ các chất hóa học sẽ thấp hơn nhiều. - Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng: Mẹ bầu muốn nhuộm tóc cần lưu ý trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nhuộm nào, mẹ bầu nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thành phần của thuốc nhuộm đó. Nếu nhuộm ở salon tóc, mẹ bầu nên yêu cầu thợ nhuộm lưu ý về thành phần thuốc nhuộm vì bản thân đang mang thai. Chỉ nên sử dụng những loại thuốc nhuộm tốt, có tên tuổi và xuất xứ rõ ràng. - Lưu ý về thuốc nhuộm tóc tự nhiên: Mẹ bầu muốn nhuộm tóc cần lưu ý, hiện nay trên thị trường các loại thuốc nhuộm tóc có nhãn mác “Organic” hoặc “Natural” rất nhiều, hãy đọc kỹ thông tin in trên bao bì và tra cứu danh sách thành phần, để chắc rằng tỷ lệ các thành phần hữu cơ hoặc tự nhiên trong đó là bao nhiêu. Nhiều sản phẩm in đậm hoặc in lớn dòng chữ “Organic” hoặc “Natural” nhưng không hoàn toàn như vậy, chỉ chứa một hoặc rất ít các thành phần hữu cơ hoặc tự nhiên. Mẹ nên chú ý một số loại được gắn mác “tự nhiên” nhưng lại chứa khá nhiều hóa chất gây hại, cần cẩn trọng. - Lựa chọn dịch vụ an toàn: Nếu muốn nhuộm tóc, tốt nhất mẹ bầu nên chọn nơi an toàn, đặt cuộc hẹn với salon tóc từ trước để tránh mất thời gian đợi lâu sẽ khiến mẹ bầu và thai nhi mệt mỏi. Cần nhắc nhở thợ nhuộm chú ý khi nhuộm cho mình. Tuyệt đối không để thuốc nhuộm dính vào chân tóc và da đầu bởi nếu để thuốc dính vào da đầu rất có thể các lỗ chân lông trên da đầu của mẹ bầu sẽ hấp thụ các chất hóa học có trong thuốc nhuộm tóc. Để an toàn hơn, mẹ hãy yêu cầu thợ nhuộm lựa chọn kiểu nhuộm mà thuốc nhuộm tóc chỉ bôi lên các sợi tóc mà thôi. - Nhuộm những màu nhẹ nhàng: Thêm một điều cần lưu ý khi muốn nhuộm tóc là mẹ bầu nên lựa chọn các màu nhuộm phù hợp với mái tóc và màu da của mình. Màu tóc sáng vừa phải không chỉ giúp gương mặt mẹ ''sáng'' hơn, ''ăn gian'' tuổi mà mẹ cần hiểu các loại thuốc nhuộm màu tối (như màu nâu tối brunettes hoặc beware) có thể gây ra viêm da tiếp xúc, còn thuốc nhuộm màu quá sáng (như màu bạch kim, vàng kim, trắng, xám khói) thì chất tẩy thường có trong các màu thuốc nhuộm này có thể gây nóng và tê châm chích da đầu. Nên chọn loại giữ màu không bền, không chứa thuốc tẩy và có thể phai màu sau một vài tháng hay thuốc nhuộm tạm thời, loại thuốc nhuộm này chỉ bám trên bề mặt mà không ăn sâu vào trong tóc, sẽ phai màu chỉ sau một hoặc hai lần gội đầu. - Hãy bảo vệ bản thân cẩn thận: Khi nhuộm tóc ở salon, hãy đề nghị chủ tiệm ưu tiên cho mẹ bầu được ngồi trong một khu vực thông thoáng. Nếu mẹ tự nhuộm tóc ở nhà, nên mở toang cửa sổ để có thể hít thở không khí trong lành, ít hít phải khí độc hại từ thuốc nhuộm tóc, hãy luôn đeo găng tay, tránh để da tay tiếp xúc trực tiếp với thuốc nhuộm tóc. Khi quá trình nhuộm tóc đã hoàn tất, cần gội sạch tóc và da dầu. Nên nhớ đừng bao giờ ăn uống khi đang nhuộm tóc. - Nếu có thể, hãy thử nghiệm với một sợi tóc đầu tiên: Những thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể làm cho mái tóc của bạn có phản ứng khác nhau, tóc của bạn có thể thấm nước nhiều hơn hoặc ít hơn trước đó, và cũng có thể bị quăn…Vì vậy, trước khi nhuộm cả mái tóc, hãy thử nghiệm với một sợi đầu tiên để xem phản ứng của tóc. - Lựa chọn phương pháp nhuộm tóc: Ngoài nhuộm tóc thông thường, có một cách khác dành cho mẹ bầu, chính là phương pháp phủ bóng (hoặc phủ mịn) giúp tăng độ mềm cho tóc, cải thiện độ sáng mà không làm thay đổi màu sắc tự nhiên cũng như cấu trúc của sợi tóc. Hoặc đôi khi chỉ cần cắt tóc và tạo kiểu tóc cũng giúp thay đổi diện mạo của mẹ bâù rất nhiều. - Thuốc nhuộm có thể không hiệu quả: Mẹ bầu muốn nhuộm tóc tuy nhiên cần chuẩn bị tâm lý khi có nhiều loại thuốc hoặc do chất liệu tóc của mẹ dẫn tới hiện tượng tóc không ''ăn'' màu nên kết quả nhuộm có thể không ra màu như mẹ mong muốn, tuy nhiên mẹ nên cố gắng chấp nhận, hạn chế tối đa việc tẩy tóc hay cố gắng nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần vì càng tiếp xúc với hóa chất nhiều càng không tốt cho mẹ và em bé. - Tham khảo ý kiến: Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ riêng của mẹ trước khi quyết định nhuộm tóc để có những lời khuyên khoa học và hữu ích cho mẹ bầu và thai nhi. Các chuyên gia đều khẳng định, mang thai và nuôi con nhỏ không có nghĩa là bạn không được làm đẹp, không được nhuộm tóc, mẹ bầu chỉ cần cẩn trọng hơn bình thường là được. Mẹ vẫn được phép làm đẹp trong thai kỳ để tự tin gặp gỡ mọi người, hãy làm đẹp đúng cách và khoa học, mẹ nhé!