Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần cầu kỳ, không cần chế biến phức tạp; nhưng chắc chắn phải cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc nhà mình. 1. Mâm cơm cúng ông Công ông Táo có gì? Một mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đầy đủ thường bao gồm: - 1 đĩa gạo - 1 đĩa muối - 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng - 1 bát canh mọc hoặc canh măng - 1 đĩa xào thập cẩm - 1 đĩa giò - 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng - 1 đĩa chè kho - 1 đĩa hoa quả - 1 ấm trà sen - 3 chén rượu - 1 quả bưởi - 1 quả cau, lá trầu - 1 lọ hoa đào nhỏ - 1 lọ hoa cúc - 1 tập giấy tiền, vàng mã - Cá chép sống 2. Gợi ý & cách làm một số món cơ bản trong mâm cơm cúng ông Công ông Táo 2.1. Canh mọc rau củ Nguyên liệu: 1 bắp cải bẹ trắng 2 củ cà rốt 0.5kg giò sống 50g mọc nhỉ Gia vị: bột nêm, tiêu, muối, hành ngò Cách làm: Bước 1: Cải bẹ trắng tách bẹ ra, rửa sạch rồi ngâm nước muối khoảng 10 phút, sau đó thái nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch thái lát tròn mỏng vừa. Nấm mèo ngâm nước cho nở ra rồi rửa sạch, thái sợi. Hành tím bóc vỏ, đập dập. Bước 2: Giò sống vắt thành những viên nhỏ tùy thích. Bước 3: Bắt nồi nước lên bếp với lượng nước vừa đủ dùng, cho hành tím vào nấu cùng với muối, bột nêm. Khi nồi nước bắt đầu sôi lên thì cho cà rốt vào. Bước 4: Khi cà rốt vừa chín tới thì cho mọc vào. Rồi lần lượt cho cải trắng và mọc nhỉ vào. Đợi nồi canh sôi lại lần nữa, các nguyên liệu đã chín thì nêm nếm gia vị cho vừa ăn, thêm hành ngò và tí tiêu vào rồi tắt bếp. 2.2. Rau xào thập cẩm Nguyên liệu: 2 củ cà rốt 500g ngô non 5 - 10 tai nấm đông cô (nếu dùng nấm hương thì khoảng 20 tai) 250g đậu hà lan Vài nhánh hành lá Gia vị: nước tương, đường, muối, dầu ăn, bột năng. Cách làm: Bước 1: Đậu Hà Lan cắt đầu, tước sợi hai bên, rửa sạch. Ngô non rửa sạch, chẻ đôi. Cà rốt nạo vỏ, tỉa hoa dọc thân củ cà rốt và cắt miếng mỏng vừa ăn. Nấm đông cô cho vào bát nước, ngâm nở, cắt gốc rồi cắt miếng mỏng 0,5cm. Hành lá cắt chéo 0,5cm. Bước 2: Đun nóng già dầu ăn, cho bắp non và cà rốt vào xào đều tới khi chín sơ thì cho đậu Hà Lan và nấm đông cô vào. Cho thêm chút nước vào đảo đều để rau xào không bị khét và cháy. Bước 3: Tiếp theo, nêm nước tương, muối, đường cho vừa khẩu vị, rắc thêm 1 ít bột năng vào để món xào có độ dính, bóng mượt, bắt mắt hơn. Bước 4: Cuối cùng, rắc hành lá vào, đảo qua vài lần rồi tắt bếp, bày ra đĩa. 2.3. Xôi gấc hình cá chép Nguyên liệu: 0,5kg nếp Bắc Nửa muỗng canh đường 100ml nước cốt dừa 1/2 cafe muối Một chút rượu trắng Khuôn làm xôi hình cá chép Cách làm: Bước 1: Ngâm gạo nếp qua đêm với 1 chút muối. Sau đó, trút gạo nếp ra rổ rồi xả lại với nước. Gấc bổ làm đôi, bỏ riêng hạt và thịt. Bóp tan thịt đỏ của gấc cho đều. Sau đó ướp thịt gấc với rượu trắng, một chút muối rồi trộn thịt gấc với gạo nếp. Bước 2: Cho gạo nếp vào chõ rồi đặt lên bếp đun. Đồ xôi trong khoảng ½ giờ thì mở xửng ngửa lên, lau khô nước đọng trên nắp. Dùng đũa xới xôi lên cho chín đều. Bước 3: Tưới nước cốt dừa lên xôi rồi đậy nắp chõ xôi lại hấp thêm khoảng 20 phút rồi tiếp tục tưới nước cốt dừa vào đảo đều, xôi mềm dẻo là được. Bước 4: Khi xôi đã chín, nhấc chõ ra khỏi bếp, đợi xôi bốc bớt hơi đi rồi rắc đường vào và trộn đều. Bước 5: Xới xôi vào khuôn các chép đã láng 1 chút mỡ bên trong, ém thật chặt tay rồi gỡ khuôn, bày xôi ra đĩa trắng. 3. Lưu ý khi làm lễ cúng ông Công ông Táo Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá chở ông Táo lên chầu Trời. *** Cuối cùng, nếu mẹ không có nhiều thời gian để chuẩn bị đầy đủ các món như trên, thì hãy chọn làm những món đơn giản thôi mẹ nhé! Quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm phải không các mẹ?