Mang thai là một trong những quyết định quan trọng nhất của người phụ nữ. Tuy nhiên, nếu mẹ mắc các bệnh mãn tính dưới đây thì cần cân nhắc thật kĩ về việc này. Bởi các bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến thai kì mà còn liên quan đến vấn đề phát triển của thai nhi sau này. 1. Rối loạn tuyến giáp Nếu mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tuyến giáp, người bệnh cần điều trị trước khi quyết định mang thai tối thiểu 6 tháng. Các thuốc điều trị rối loạn tuyến giáp thường là các thuốc điều chỉnh lượng hormone trong cơ thể người bệnh, có thể gây ra nguy cơ sảy thai hoặc thai lưu ở thai phụ đang điều trị bệnh. 2. Bệnh tim Việc mang thai ảnh hưởng rất lớn đến hệ tuần hoàn của mẹ. Hệ tuần hoàn của thai phụ phải làm việc với năng suất cao hơn bình thường rất nhiều. Do đó, với những người bị bệnh tim dù nặng hay nhẹ, tình trạng bệnh có thể chuyển biến xấu đi khi mang thai. Tỉ lệ tử vong của mẹ và thai nhi sẽ tăng lên rất cao nếu mẹ bị suy tim trong thời gian mang thai. Bên cạnh đó, bệnh tim thường không gây ra tình trạng sảy thai nhưng dễ gây sinh non, thai chậm phát triển, thiếu máu, nhiễm khuẩn. Ngoài ra, mẹ bị bệnh tim bẩm sinh cũng phải đối mặt với tình trạng dị dạng thai nhi. Thai phụ bị bệnh tim có thể gặp các biến chứng như phù phổi cấp, suy tim cấp, loạn nhịp tim, tắc mạch phổi … Mức độ biến chứng tùy thuộc vào tình trạng thai nhi và mức độ bệnh tim của mẹ. 3. Tiểu đường Tiểu đường là tình trạng cơ thể “tích trữ” lượng đường quá cao và không chuyển hóa được, tồn tại ở trong máu. Đối với thai phụ, tiểu đường có thể diễn ra theo hai chiều hướng: phụ nữ mắc bệnh tiểu đường từ trước khi mang thai và phụ nữ mắc tiểu đường thai kì. Đối với phụ nữ mắc tiểu đường thai kì thì đa phần đều khỏi bệnh sau khi sinh nở. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cần được theo dõi chặt chẽ về tình trạng bệnh. Mẹ bị bệnh tiểu đường làm cho thai nhi có nguy cơ mắc phải các vấn đề như thai bất thường, thai suy mãn tính, thai kém phát triển, đẻ non tháng, đa ối cấp hoặc mãn tĩnh, sảy thai hoặc thai lưu … Với những trường hợp này, tuy các chỉ số thai cho thấy thai lớn nhưng lại yếu, dễ bị rối loạn chuyển hóa và mắc các bệnh trong thời kì sơ sinh. Với người mẹ, thai phụ có thể phải đối mặt với tình trạng nhiễm khuẩn, tổn thương thận, nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật … 4. Bệnh suyễn Bệnh suyễn là bệnh gây những cơn nghẹt thở, khó thở cấp tính, xảy ra vào đêm và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Đây cũng chính là lí do nhiều mẹ bị suyễn lo lắng về việc mang thai và sinh con. Tuy nhiên, nếu được bác sĩ điều trị và tư vấn và biết cách kiểm soát tốt bệnh suyễn, mẹ vẫn có thể yên tâm mang thai. 5. Bệnh động kinh Thống kê đã cho thấy có đến trên 30% bệnh nhân bị động kinh lên cơn nhiều hơn khi mang thai. Những cơn co giật động kinh có thể gây chấn thương cho cả mẹ và bé, tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị nhẹ cân, đẻ non hoặc thậm chí nguy cơ thai lưu nếu cơn động kinh kéo dài. Bên cạnh đó, các thuốc điều trị động kinh có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thụ acid folic của cơ thể. Thai nhi thiếu acid folic sẽ đối mặt với các nguy cơ bị khuyết tật về hệ thần kinh hay tủy sống … Chính vì vậy, nếu có tiền sử bệnh động kinh, mẹ cần chú ý đến việc bổ sung acid folic trước và trong suốt quá trình mang thai. Đây là những bệnh mãn tính có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và bé trong quá trình mang thai. Chính vì vậy, để giảm thiểu các nguy cơ khi mang thai cũng như đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, trước khi quyết định có thai, mẹ nên đi kiểm tra sức khỏe toàn diện để được tư vấn và điều trị kịp thời, mẹ nhé!