Ngày Tết là ngày vui đoàn viên của cả gia đình. Tuy nhiên, nếu bé bị bệnh, bị ốm trong những ngày này thì cả nhà cũng chẳng còn thấy không khí Tết vui vẻ được nữa. Các mẹ cùng lưu ý về các bệnh thường gặp ở trẻ trong dịp Tết nhé! Phần 1 mẹ đọc tại đây nha: Những căn bệnh thường gặp trong dịp Tết và cách phòng tránh - Phần 1 Tại sao bé dễ ốm vào ngày Tết? 1. Bé bị mệt mỏi, quá sức do say tàu xe Đối với các gia đình không sinh sống ở nơi mình sinh ra thì việc về quê ăn Tết là chuyện thường gặp. Bé phải di chuyển một quãng đường dài bằng ô tô, tàu hỏa hay máy bay và bị say tàu xe, mệt mỏi hoặc đùa nghịch quá mức … Chuyến đi có thể làm cho bé bị ốm do sức khỏe giảm sút. 2. Nếp sinh hoạt thay đổi Việc chúc Tết, thăm hỏi người thân, bạn bè, vui chơi hay đi du lịch ngày Tết làm xáo trộn lịch sinh hoạt bình thường của bé. Đặc biệt, bé có thể quá vui, quá phấn khích dẫn đến thức quá khuya, ngủ không đủ giấc. Từ đó, khả năng miễn dịch, khả năng đề kháng của bé cũng bị ảnh hưởng. 3. Chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng Tết là thời gian chế độ ăn không chỉ của người lớn mà trẻ em có phần bị thiên lệch do các món ăn truyền thống chứa nhiều tinh bột, protein, lipid hơn các loại vitamin và khoáng chất trong rau củ quả. Từ đó, chế độ dinh dưỡng của trẻ mất cân bằng trong những ngày này. 4. Thời tiết thất thường Nếu như bé ở miền Bắc, có những năm, Tết nóng không khác gì mùa hè nhưng cũng có những năm, dịp Tết trùng với đợt lạnh sâu. Việc trẻ ra ngoài nhiều cũng có thể làm trẻ bị ốm do nhiễm lạnh đường hô hấp. Các bệnh thường gặp ở trẻ vào ngày Tết 1. Bệnh viêm đường hô hấp Trẻ dưới 3 tuổi là đối tượng thường mắc các bệnh về đường hô hấp. Vào những ngày Tết, nếu ở miền Nam, thời tiết thường nắng nóng, trẻ uống nước ngọt và nước đá thì ở miền Bắc thời tiết lạnh, bé dễ mặc các bệnh như viêm mũi họng, ho, sốt, cảm cúm. Nếu không điều trị kịp thời hoặc khi bé đang có sức đề kháng kém, bệnh dễ tiến triển sang viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi … 2. Rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm Tết là dịp ai cũng “tặc lưỡi” trong chuyện ăn uống, bé được ăn thả ga nhiều món, nhiều đồ ăn lạ từ đồ ăn chiên xào đến bánh mứt các loại. Đặc biệt, việc ăn đồ ăn bên ngoài không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị nhiễm khuẩn … sẽ làm cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như tiêu chảy hay táo bón. Với những bé bị ngộ độc thực phẩm, triệu chứng nôn mửa, đau bụng tiêu chảy xuất hiện sau khi ăn từ 1 đến 3 giờ, bé nôn liên tục hoặc nhiều lần trong ngày. 3. Dị ứng Với bé có cơ địa dị ứng, việc di chuyển nhiều trong dịp Tết, chế độ ăn uống mất cân bằng, thiếu ngủ làm hệ miễn dịch của bé yếu đi, tăng nguy cơ dị ứng thời tiết. Hoặc những loại đồ ăn lạ trong ngày Tết cũng có thể làm bé bị dị ứng thức ăn. 4. Hóc dị vật Tết là dịp bé được ăn nhiều loại bánh kẹo hay các loại hạt. Đây cũng có thể là nguyên nhân làm cho bé bị hóc. Dấu hiệu bé bị hóc bao gồm: ho đột ngột, mặt mũi tím tái, khạc nhổ liên tục, mặt trợn … Phòng tránh bệnh ngày Tết cho bé Để phòng tránh việc bé ốm trong dịp Tết, cả nhà cùng vui năm mới trọn vẹn, mẹ lưu ý những điều sau để đảm bảo sức khỏe cho bé nhé! - Giữ ấm cho bé khi ra ngoài trong thời tiết lạnh: Đội mũ, quàng khăn, đeo găng tay, khẩu trang cho bé (bé có thể mất đến 50% nhiệt độ cơ thể do thoát nhiệt ở đầu). Chọn trang phục phù hợp với thời tiết cho bé. Nếu bé chạy nhảy ra nhiều mồ hôi, bố mẹ cần lau khô, thay đồ cho con, tránh mồ hôi thấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh. - Cung cấp dinh dưỡng cân bằng cho bé: Cho bé ăn các thực phẩm chín, tươi, sạch đầy đủ và cân bằng các nhóm tinh bột, protein, lipid và vitamin và khoáng chất. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn để lâu trong tủ lạnh … Đối với bé còn bú mẹ, mẹ cho con bú đều đặn để tăng cường miễn dịch cho bé. - Cho con ngủ đủ giấc: Mẹ hãy cố gắng sắp xếp lịch trình đi chơi phù hợp để tránh tình trạng con bị quá sức do ngủ không đủ giấc mẹ nhé! - Giữ vệ sinh cho bé: Vệ sinh cho bé trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi đi chơi ở ngoài về nhà. Chúc các bé có một dịp Tết vui vẻ với sức khỏe dồi dào để cả nhà cùng vui trọn vẹn nhé!