Những dịp lễ Tết, công việc bận rộn, việc ăn uống sinh hoạt có nhiều điểm khác với ngày thường rất dễ khiến cho mẹ bầu mệt mỏi, hoặc phạm phải sai lầm nào đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và em bé của mình, chưa kể những chuyện kiêng khem theo quan niệm dân gian. Mang bầu trong dịp Tết: Mẹ bầu nên chú ý những gì? 1. Vấn đề đi lại, di chuyển Nếu mọi năm mẹ có thể thoải mái “xông pha”, thì năm nay mẹ bầu cần phải cẩn thận một chút. Mang bầu trong dịp Tết, vấn đề về quê ăn Tết là điều nhiều mẹ bầu luôn phân vân, lo lắng. Nhiều chuyên gia khuyên các mẹ bầu nên hạn chế di chuyển nhiều trong thời gian bầu bí. Quãng đường xa cần di chuyển bằng xe máy, ô tô, tàu hỏa hay maý bay luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và em bé. Chưa kể đến chuyện mẹ bầu bị say tàu xe càng gây áp lực tâm lý cho mẹ bầu và ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Xem thêm: Cách chống say tàu xe cho mẹ bầu an toàn nhất Ngày lễ Tết, mọi người rủ nhau đi thăm hỏi chúc Tết, dạo chơi, đi du lịch, đền chùa lễ bái…đó là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, mẹ bầu lại phải đặc biệt cẩn thận. Khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ hoạt động kém hơn bình thường và hệ quả thường thấy là mẹ bầu dễ bị bệnh hơn hẳn. Trong khi đó, những nơi đông người lại tiềm ẩn rất nhiều loại vi khuẩn. Hơn nữa, tình trạng chen lấn, xô đẩy hoàn toàn không phù hợp với các mẹ bầu. Mẹ hãy cân nhắc kỹ trước khi đến những nơi này bởi với chiếc bụng không hề nhỏ của mình, mẹ nên hạn chế tới chỗ đông người để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. 2. Chế độ dinh dưỡng Chú ý về vệ sinh an toàn thực phẩm Mang bầu ngày Tết, mẹ càng đặc biệt cần lưu ý đến chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày Tết, các gia đình thường dự trữ đồ ăn và thực phẩm có thể được sử dụng trong nhiều ngày. Mẹ không nên sử dụng những thực phẩm đã lưu trữ quá 3 ngày trong tủ lạnh để tránh đau bụng, ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn cho mẹ và em bé. Không uống rượu, bia hay chất kích thích Rượu bia và các chất kích thích khác như trà, cà phê...có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành các tế bào cơ thể và trí tuệ của thai nhi, khiến thai nhi có thể bị dị tật hay nghiêm trọng hơn là làm thai chết lưu. Ngày Tết, có qúa nhiều việc để quan tâm khiến mẹ lơ là chủ quan đến chuyện thức uống. Mẹ hãy nhắc nhở bản thân cần hạn chế hoặc kiêng uống rượu, bia ở bất kì trường hợp nào, thay vào đó mẹ nên uống nước lọc, hoặc các loại nước ép hoa quả tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Đề phòng rối loạn tiêu hoá Những bữa ăn thịnh soạn ngày Tết thường hay chứa nhiều chất đạm, đường và chất béo, ít chất xơ sẽ làm bạn khó tiêu, đầy bụng thậm chí táo bón, gây ra rối loạn tiêu hóa. Mang bầu ngày Tết, mẹ sẽ phải đối mặt với ''mâm cao cỗ đầy'' vô cùng hấp dẫn. Mẹ hãy cố gắng để ý đến khẩu phần ăn của mình, chú ý bổ sung nhiều chất xơ, hạn chế thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đường… để tránh tăng cân quá nhiều. Nếu như mẹ bị các bệnh lý nội khoa khác đi kèm như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp… thì mẹ càng cần phải lưu ý. Mẹ bầu nên khám thai định kỳ và tuân thủ theo chế độ ăn mà bác sĩ yêu cầu. Chú ý không nên ăn thực phẩm lên men hay rau sống Hầu hết những thực phẩm lên men trong ngày Tết thường sử dụng khá nhiều muối, không phù hợp cho mẹ bầu vì chúng có thể dẫn đến chứng sưng phù khi mang thai. Mẹ bầu ngày Tết nên cẩn thận với một số loại thực phẩm lên men sau đây: • Nem chua, tré, gỏi: Được chế biến từ thịt sống và không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào nên khi ăn mẹ bầu rất dễ bị nhiễm vi khuẩn Ecoli gây tiêu chảy. • Dưa chua: Mẹ bầu nên hạn chế ăn dưa muối xổi trong Tết vì khi muối dưa, hàm lượng nitrit chỉ giảm đi khi dưa muối vàng. Dưa muối còn xanh chứa hàm lượng nitrit khá cao, có thể khiến mẹ bị thiếu máu, hoặc gây nguy cơ ung thư. • Củ kiệu, củ hành: Trong củ kiệu, củ hành lên men có hàm lượng nitrit khá cao, khiến bà bầu có thể bị thiếu máu. Đặc biệt, những bà bầu có tiền sử bị các bệnh viêm loét dạ dày, hệ tiêu hóa kém, tốt nhất không nên ăn hành muối. Củ kiệu hay củ hành khi muối lên men chứa nhiều chất chua, khi ăn khiến dạ dạy tiết dịch vị sẽ làm đau dạ dày. Không nên ăn nhiều đồ ngọt, mứt Dịp Tết, bà bầu cũng nên hạn chế bánh kẹo, nước ngọt, hạn chế đồ nếp để tránh tăng cân quá mức, vì tăng cân quá mức khi mang thai cũng không tốt. Trong quá trình mang thai, nếu tăng khoảng 15 đến 20kg thì dễ bị tiểu đường thai nghén. Mang bầu ngày Tết cũng có nghĩa là mẹ phải chấp nhận nói ''không'' với các món như mứt, hạt dưa nhuộm màu. Bởi hiện nay, nhiều loại mứt thường được tẩm ướp một lượng đường khá lớn, đồng thời “phủ” thêm nhiều hóa chất như chất tạo màu, tạo mùi và chất bảo quản. Do vậy, bà bầu ăn phải sẽ có hại cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là với những bà bầu đang thừa cân thì càng không nên ăn nhiều đồ ngọt, đề phòng tiểu đường thai kỳ. Táo bón ngày Tết Táo bón bà bầu, hay còn gọi là táo bón thai kỳ là hiện tượng phổ biến, gây nên nhiều áp lực về tinh thần và sức khỏe trong giai đoạn mang thai cho mẹ bầu. Dịp Tết đến, nhà nào cũng mâm cao cỗ đầy, những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm muối chua, lên men, bánh kẹo ngọt nhiều đường, hóa chất, phụ gia thực phẩm...sẽ khiến mẹ bầu mắc nhiều bệnh về tiêu hóa, đặc biệt là táo bón. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để đảm bảo sức khỏe trong dịp Tết, các bà bầu có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng cần ăn nhiều rau xanh và trái cây trong và sau mỗi bữa ăn để tránh bị táo bón. Khi mang thai ngày Tết, mẹ bầu nhớ uống thật nhiều nước để bù đắp năng lượng cho các hoạt động diễn ra liên tục trong ngày và hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn, tránh tình trạng táo bón. 3. Sức khỏe/ vận động Trước Tết, các gia đình thường tranh thủ dọn dẹp nhà cửa đón năm mới. Mẹ bầu cần lưu ý thật kỹ khi làm những việc này. Mẹ bầu cần tránh bê vác vật nặng, đặc biệt tránh một số loại hóa chất có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển não của em bé như các chất tẩy rửa, vệ sinh, sơn…Tốt nhất, mẹ có thể tự “biến tấu” một số cách dọn dẹp nhà cửa bằng các biện pháp tự nhiên như dùng giấm, chanh hoặc baking soda… Đối với những công việc nặng nhọc như lau cửa, treo màn hay phải mang vác các vật nặng, mẹ hãy nhường những việc nặng hơn cho chồng hoặc đàn ông trong nhà. Hơn nữa, mang bầu ngày Tết mẹ thường bị quá tải vận động, nhất là lưng và bàn chân. Khoảng thời gian phải đi bộ nhiều lúc mua sắm, đứng lâu khi tham dự tiệc hoặc tần suất đi lại thăm hỏi họ hàng, bạn bè tăng lên… dễ làm đôi chân nhức mỏi, khiến mắt cá chân bị sưng phù. Vì vậy, bạn nên thư giãn đôi chân sau một ngày di chuyển. Nhúng cả hai bàn chân vào nước ấm và thực hiện massage nhẹ. 4. Trang phục mẹ bầu ngày Tết Các mẹ bầu chắc hẳn khi Tết đến sẽ rất lo lắng không biết mặc gì cho đẹp với cái thân hình phình to, eo con kiến không còn mà lại còn tăng cân như vậy, nhìn đâu cũng tròn xoe. Mẹ bầu hãy bỏ qua ngay lập tức những suy nghĩ cổ xưa đó vì thời trang bà bầu ngày nay phát triển không kém, thậm chí còn bắt kịp trend của thế giới, các mẫu váy áo dành cho mẹ bầu ra lò liên tục phục vụ nhu cầu của chị em theo mùa, mẹ bầu vẫn hoàn toàn có thể tự tin diện những mẫu váy đẹp đi chơi Tết. Mang bầu ngày Tết mẹ lưu ý một vài tip nhỏ sau đây: • Chọn đồ lót rộng, thoải mái: Khi mang bầu chị em lúc nào cũng cần sự dễ chịu, thoải mái. Do đó, để đảm bảo bầu ngực của bà bầu luôn được dễ chịu, vùng kín thoáng mát... chị em nên chú ý đến đồ lót của mình. Hãy lựa chọn những loại đồ lót rộng, co giãn tốt được làm bằng chất liệu cotton mềm mại, dễ thấm mồ hôi và hạn chế sự bức bối khi sử dụng. • Những bộ đồ đơn sắc sẽ giúp mẹ bầu trong thon gọn hơn. Bên cạnh đó mẹ bầu cũng nên lựa chọn những gam màu tươi tắn như đỏ, hồng, cam… vừa hợp thời trang lại phù hợp với không khí vui tươi ngày Tết. Ngoài ra nếu bà bầu sợ mặc những bộ đồ đơn sắc sẽ nhàm chán thì có thể thêm những phụ kiện như hoa tai, túi sách, giày, trang sức… cho phù hợp. • Bà bầu nên chọn những bộ đồ rộng rãi, thoải mái: Khi mang thai cơ thể của mẹ và bé luôn cần sự thoải mái và dễ chịu nhất. Thay vì lựa chọn những trang phục bó sát, mẹ bầu hãy chọn bộ đồ mang đến sự thoải mái, rộng rãi và dễ chịu nhất. Với những bộ đồ mặc Tết rộng rãi sẽ giúp mẹ bầu trông năng động, tự tin và thoải mái hoạt động hơn. • Trang phục phù hợp với thời tiết: Mẹ bầu cũng đừng vì quá chú tâm vào vấn đề thời trang mà bỏ qua chuyện thời tiết. Ngày Tết tiết trời thường se lạnh hoặc rất lạnh, mẹ bầu cần chú ý vấn đề giữ ấm cho cơ thể để cả hai mẹ con có được sức khỏe tốt nhất vào dịp Tết. 5. Du lịch Tết khi mang thai Ngày nay, các mẹ bầu luôn có tư tưởng hiện đại thoải mái, mang thai dịp Tết không có nghĩa là mẹ phải ngồi một chỗ. Mẹ bầu có thể thoải mái lựa chọn những hành trình thú vị trong dịp Tết cùng gia đình và bạn bè. Tuy nhiên nhiều mẹ bầu sẽ rất lo lắng vì có quá nhiều thứ cần phải chú ý khi đi du lịch khi mang thai. Mẹ hãy nhớ một tinh thần sảng khoái cũng rất tốt cho mẹ và bé . Điều bạn cần làm là chuẩn bị kế hoạch và chọn thời gian để đảm bảo an toàn khi đi lại. Các mẹ nên tham khảo một số lời khuyên sau để có một chuyến đi thật vui. • Trong 3 tháng đầu, do bánh nhau chưa thành lập nên mẹ bầu rất dễ bị động thai hoặc nguy hiểm hơn là sẩy thai. Ngoài ra tuy cơ thể chưa nặng nề nhưng lại không thích hợp cho việc đi du lịch dài. Thêm vào đó các yếu tố như nghén, buồn ngủ, mỏi mệt cũng ảnh hưởng đến việc đi lại… • Nếu các mẹ tham gia vào những chuyến du lịch Tết cũng nên quan tâm hơn đến chế độ ăn uống để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi. Những trò chơi cảm giác mạnh hoặc leo núi, tắm nắng… không thích hợp cho người mang thai các mẹ nên tránh. • Mẹ cần lưu sẵn số điện thoại của các bệnh viện chuyên sản khoa nơi mẹ đi du lịch dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. • Khi đi du lịch, các mẹ cần đem theo các loại thuốc đã được bác sĩ kê đơn sẵn. • Mẹ bầu cần chọn phương tiện phù hợp khi đi du lịch theo tuổi thai. Các mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ và của nơi cung cấp dịch vụ vận chuyển. Mẹ bầu nên khám thai định kỳ đầy đủ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lên kế hoạch cho chuyến đi. Trên đây là những điều mà mẹ bầu cần chú ý khi mang bầu dịp Tết để có thể có một có thai kỳ khỏe mạnh. Chúc mẹ bầu có một mùa lễ Tết vui khỏe, an toàn, một khởi đầu năm mới thật suôn sẻ để chuẩn bị chào đón thành viên mới sắp chào đời nhé!