Khi bé được tầm 4-5 tháng tuổi, nhiều cha mẹ rất lúng túng bởi sắp sửa cùng con bước sang một giai đoạn mới: ăn dặm. Nói thì dễ nhưng khi bắt đầu tìm hiểu, mẹ sẽ thấy ngập trong các thông tin. Có người nói 4 tháng là cho ăn được rồi, có người nói phải tới 6 tháng. Có người nói ăn bột trước tiên, có người nói ăn cháo xay là được. Thế nào mới là đúng? 1. Khi nào nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm? Những bé bú mẹ hoàn toàn thì nên cho ăn dặm khi đủ 6 tháng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của mỗi bé là không giống nhau cho nên không phải bé nào khi 6 tháng cũng có thể ăn dặm, có những bé chưa sẵn sàng, cha mẹ nên đợi thêm vài tuần. Điều quan trọng là phải quan sát xem trong quá trình ăn, bé có những biểu hiện khác thường nào không thì mới có thể quyết định cho bé ăn dặm tiếp tục hay không. Trước 6 tháng tuổi, bé có phản xạ đưa thức ăn hoặc bất cứ thứ gì cầm được trên tay bỏ vào miệng, phản xạ này có thể mất đi. Bé có thể giữ thẳng đầu và cổ. Đây là điều kiện tiên quyết. Bé có thể ngồi và muốn đưa tay với, cầm những vật ở trước mắt. Nước bọt tiết ra nhiều hơn. Bú sữa không tập trung, thời gian bú sữa phải kéo dài. 2. Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm Mỗi lần chỉ nên cho bé ăn dặm một loại thức ăn, nếu bé có biểu hiện dị ứng thức ăn mới có thể biết được do loại thức ăn nào gây nên. Nếu bé ăn xong bị tiêu chảy, nôn mửa, da mẩn đó thì phải ngừng cho bé ăn loại thức ăn này ngay và đưa bé đến bác sĩ khám để xác định nguyên nhân gây dị ứng. Nếu 3 - 4 ngày bé không có bất cứ biểu hiện như trên thì có thể tiếp tục cho bé ăn loại thức ăn này. Nếu bé bị chứng dị ứng thức ăn thì nên thay đổi thức ăn một cách từ từ, tốt nhất là nên từ một tuần trở lên. Cho trẻ ăn chuyển từ dạng lỏng sang đặc, từ dạng canh súp sang dạng bột rồi đến cháo và cuối cùng là cơm. Cũng có nhiều mẹ bắt đầu cho bé ăn bằng cháo nghiền ra rây chứ không cho ăn bột. Như vậy cũng được. Miễn là độ lỏng đủ để bé ăn. Cho trẻ ăn từ ít đến nhiều: đầu tiên có thể cho trẻ ăn một muỗng cà phê sau đó mới tăng lên tùy theo sự hưởng ứng và khả năng hấp thụ của trẻ. Tuy nhiên, các bé có độ tuổi khác nhau thì khẩu phần ăn mỗi ngày cũng khác nhau. Ngoài ra, khi bé mới bắt đầu ăn nên cho bé uống nước, nguyên tắc cũng là uống từ ít đến nhiều. Nên bắt đầu cho trẻ ăn các thức ăn không bị dị ứng. Thứ tự cho bé ăn bắt đầu từ bột gạo - rau củ quả - thịt cá. Hạn chế sử dụng gia vị: Đồ ăn của trẻ nên nấu riêng, không nêm muối và tránh các loại gia vị. Thức ăn cần tươi ngon, quá trình nấu phải đảm bảo vệ sinh. Do mỗi một bé có một sự tăng trưởng phát triển cùng với sở thích và sự thích ứng đối với thức ăn là không giống nhau nên cần phải dựa theo tình trạng thực tế của bé để xác định thời gian cho ăn, số lượng thức ăn,... Đừng so sánh bé nhà hàng xóm ăn nhiều, ăn nhanh hơn con mình. Hãy để bé "tự chỉ huy" trong việc bé tập ăn dặm này nhé.