Trong những ngày nhà nhà nô nức du xuân, đến chúc tết ông bà, họ hàng, người thân, việc rèn cho trẻ không còn nhút nhát khi gặp những người lạ, là điều vô cùng cần thiết. Thay vì hình ảnh một bạn nhỏ dè dặt, chào hỏi lí nhí, bám chặt lấy bố mẹ, không tự tin trong giao tiếp, thì bố mẹ có thể giúp con cải thiện mỗi ngày bằng những hành động nhỏ sau đây: 1. Chọn quần áo theo ý thích của trẻ: Cũng giống như người lớn, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi mặc những bồ đồ phù hợp với ý thích của mình. Đi một đôi giày vừa vặn, diện một bộ cánh xinh xắn khiến trẻ cảm thấy thoải mái trong từng bước đi, và dễ dàng thể hiện cá tính của mình hơn. Bé sẽ hào hứng đi chúc Tết với một diện mạo xinh đẹp/điển trai, nhất là khi, đi đến đâu, bé cũng nhận được những lời tán thưởng về vẻ bề ngoài. 2. Dạy con nói lời chúc Tết: Rất nhiều trẻ khi đi chúc Tết cùng bố mẹ, ngoài việc chào hỏi thì không biết phải chúc Tết như thế nào. Nếu bé là một bạn nhỏ chưa mạnh về kỹ năng giao tiếp, thì bố mẹ hãy rèn luyện cho con mỗi ngày bằng việc cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với người lạ, tham gia các hoạt động văn – thể - mỹ tại trường học, hoặc tham gia câu lạc bộ, lớp học năng khiếu… Tuy nhiên, nếu đây chỉ đơn giản là chưa có kỹ năng, thì bố mẹ hoàn toàn có thể khắc phục được, bằng cách dạy cho con biết cách nói những lời chúc Tết đầu năm. Ví dụ như gặp ông bà thì chúc như thế nào cho phù hợp, gặp cô bác/anh chị thì nên chúc như thế nào, gặp bạn bè cùng trang lứa thì chúc như thế nào... Những lời chúc tuy chỉ cần ngắn gọn, súc tích, không cần bóng bẩy, nhưng sự ý nghĩa của nó cho người được nhận lại toát lên từ sự vui tươi, hồn nhiên, trong sáng của trẻ nhỏ. Đây vừa là cách giúp trẻ bạo dạn hơn khi tiếp xúc với người lớn, vừa là cách giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống cho sự phát triển sau này. 3. Dặn dò con về Lì xì ngày Tết Tục lệ của người Việt Nam nói riêng và Phương Đông nói chung, mỗi khi Tết đến xuân về, người ta thường tặng nhau những chiếc lì xì đỏ, mong cả năm nhiều điều may mắn và tốt đẹp. Bố mẹ nên giải thích cho trẻ về ý nghĩa và phong tục này trong ngày Tết, cũng như dặn dò con không nên mở bao lì xì ngay trước mặt khách. Đôi khi, trẻ chưa có nhiều ý thức về giá trị bên trong chiếc lì xì, nhưng vì hiếu kỳ nên trẻ có những hành động/lời nói không hay. Vì vậy, ngoài việc dặn dò trẻ trước khi đi, bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ một chiếc túi nhỏ xinh để đựng những lì xì may mắn trong ngày Tết nhé. 4. Những cách giao tiếp cơ bản trên bàn ăn Trong ngày Tết, việc có thể dùng bữa tại nhà của họ hàng người thân thường xuyên có thể xảy ra. Để trẻ có thể hòa nhập và lịch sự trên bàn ăn, bố mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ những nguyên tắc cơ bản để có thể trở nên lịch thiệp và là một em bé ngoan. Ví dụ như sau: - Rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn - Biết cách mời trước khi dùng bữa - Không chơi đồ chơi trong khi ăn - Không ném hay giành giật thức ăn - Không cười đùa, to tiếng - Biết nói lời cảm ơn 5. Hãy để trẻ tự do khám phá những phong tục tập quán của quê hương, và những điều mới mẻ xung quanh Tết là một dịp để trẻ có thể đi thăm hỏi họ hàng, đến những vùng đất mới, tìm hiểu về những phong tục tập quán của quê hương, gia đình. Vì vậy, bố mẹ hãy để trẻ tự do khám phá, vui chơi cùng với mọi người xung quanh. Bé sẽ có rất nhiều kỷ niệm đẹp, thêm nhiều hiểu biết và sẽ luôn hào hứng khi được khám phá những điều mới mẻ hơn so với cuộc sống thường ngày. Đây cũng là cách để bé có thêm nhiều động lực và tràn đầy năng lượng trong năm mới. ***** Hy vọng với những chia sẻ trên đây, cả gia đình sẽ có một cái Tết thật vui vẻ, đầm ấm, bé sẽ có một mùa xuân đong đầy sự tự tin, và tràn đầy hứng khởi cho một năm nhiều hiểu biết và lớn khôn thêm!