Đặc trưng ẩm thực của miền Bắc thường gắn liền với sự tinh tế. Mâm cỗ Tết miền Bắc cũng không nằm ngoài đặc điểm này. Mỗi dịp Tết đến, ngó qua các mâm cơm trong mỗi gia đình người Bắc, ta sẽ thấy ngay sự phối hợp hài hòa của các món ăn, giữa món nước và món khô, giữa món thịt và món rau, giữa món nóng và món lạnh. Dưới đây là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Bắc: 1. Bánh chưng Bánh chưng xanh là món ăn đầu tiên mà chúng ta không thể bỏ qua khi nhắc đến ngày Tết cổ truyền của người miền Bắc. Bánh chưng xanh thường được gói bằng thứ gạo nếp thơm dẻo với màu xanh mướt mắt, là linh hồn của ngày Tết cổ truyền. Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Ngày nay, nhịp sống bận rộn hơn, nhiều gia đình không còn thói quen gói bánh chưng như xưa, nhưng bánh chưng được mua về cũng luôn là loại ngon nhất. Sự kết hợp của lớp vỏ dẻo thơm cùng thịt, đỗ xanh, hạt tiêu mang đến những hương vị vô cùng đặc biệt. 2. Gà luộc Trong mọi mâm cỗ từ đám cưới, đám hỏi, mừng thọ, tân gia thì không thể không có món thịt gà luộc. Do đó, ngày Tết cũng không phải là ngoại lệ. Gà luộc là món ăn đơn giản nhưng lại không thể thiếu được trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Vị ngọt thơm của miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh thái chỉ, chấm muối chanh ớt sẽ tạo nên một hương vị riêng rất khó quên. 3. Xôi gấc Theo quan niệm của người xưa cho biết thì màu đỏ là màu của may mắn, màu của hạnh phúc lứa đôi. Vì vậymà trong những ngày rằm, ngày lễ, đặc biệt là ngày Tết thì nhất định phải có 1 đĩa xôi gấc. Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon và được trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp. Sau khi được đun chín thì xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp và hấp dẫn. Xôi gấc là sự kết hợp hài hòa giữa vị dẻo của gạo nếp, vị béo của nước cốt dừa với vị ngọt của đường. 4. Dưa hành Trong mâm cơm ngày Tết của người Việt có rất nhiều món ngon, từ cao lương mĩ vị cho đến những món vô cùng giản dị, dân dã. Và một trong những món dân dã nhưng lại có vị trí đặc biệt trong mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc đó chính là món hành muối chua, hay còn gọi là dưa hành. Món ăn có vị chua, cay dịu nhẹ, rất hợp vị khi ăn kèm cùng bánh chưng xanh cũng như với một số món ăn đặc trưng khác gồm có thịt đông, thịt kho, thịt luộc… 5. Giò lụa Từ xưa đến nay, giò luôn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Việt nói chung và người miền Bắc nói riêng. Giò lụa giòn, thơm, đậm mùi thịt với hương thơm của những tàu lá chuối tươi từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Khi bày cỗ, giò thường được thái theo khoanh, chia thành miếng gọn gàng, trông đẹp mắt và dễ gắp. 6. Thịt đông Thịt đông là món riêng có của mùa đông xuân Bắc bộ. Trong tiết trời se lạnh, thịt đông lại càng trở nên hấp dẫn hơn. Món ăn này có thể được làm từ thịt lợn, thịt gà hoặc đôi khi là cả chân giò lợn. Sau đó, các nguyên liệu được cho vào ninh nhừ và qua một đêm đã trở thành món thịt đông vô cùng hấp dẫn. Một miếng thịt đông ăn kèm với một miếng dưa hành là đúng vị nhất. 7. Nem rán Nem rán là món ăn đơn giản, dễ chế biến nhưng đã trở thành món ăn quen thuộc và đặc trưng nhất trong các gia đình Việt Nam, đặc biệt là các gia đình ở miền Bắc trong dịp Tết. Cùng với lớp bánh đa nem mỏng bên ngoài, nhân nem rán gồm các nguyên liệu như thịt lợn nạc, nấm hương, mộc nhĩ, hành khô, giá sống, trứng, hạt tiêu, muối, gia vị… Món nem rán có ngon hay không còn phụ thuộc ở nước chấm nem. Đó là sự kết hợp tinh tế của vị mặn trong nước mắm ngon, vị ngọt của mì chính, đường, vị chua của dấm, vị cay của tỏi, ớt… 8. Món kho Mâm cỗ Tết của người Bắc thường có một món kho để tăng vị đậm đà, chẳng hạn như cá chép/cá trắm kho riềng hay thịt bò kho. Cá chép kho riềng rục xương là món ăn truyền thống đặc trưng của miền Bắc. Tuy là món ăn dân dã nhưng cách chế biến cá chép kho riềng lại khá cầu kỳ với khá nhiều loại nguyên liệu như riềng, mía lau, trà xanh, dầu điều, tiêu sọ, ớt sừng… để tạo nên một hương vị hấp dẫn khó quên. Thịt bò kho cũng là món ăn thường được chuẩn bị từ những ngày 29-30 Tết. Món ăn này sử dụng thịt bò ướp chung với nước cốt tỏi, chút mắm muối rồi cuộn thịt ba chỉ cắt mỏng ở giữa, buộc chặt rồi chiên sơ và cho vào nồi kho. Thường món này được ăn kèm với bánh chưng hay cơm nếp. 9. Món nước Món nước bao giờ cũng là món dễ ăn, người già trẻ nhỏ đều ăn được. Trong ngày Tết se lạnh, được húp một bát canh nóng thì còn gì ấm lòng hơn? Đó chính là lý do mà mọi mâm cỗ Tết không thể nào thiếu đi món này! Người miền Bắc thường hay nấu canh măng móng giò, canh bóng thập cẩm, canh mọc rau củ hoặc miến nấu lòng gà. Canh măng móng giò Ngày Tết miền Bắc mà không nhắc đến canh măng thì quả thật là điều vô cùng sai sót. Măng khô sẽ được ngâm nước qua đêm, sau đó luộc qua nhiều nước rồi nấu chung với móng giò hoặc cổ, cánh, chân gà… Vị ngậy của thịt hòa quyện với vị ngọt bùi của măng tạo nên sức cuốn hút lạ kỳ. Canh bóng thập cẩm Canh bóng thẩm cẩm là sự kết hợp của bóng, su hào, cà rốt, đậu Hà Lan, giò lụa, trứng thái chỉ, tôm nõn, thịt thăn… và xếp trên cùng là mấy cọng rau mùi. Đây là món ăn đặc trưng mà ai đi xa miền Bắc cũng đều thấy nhớ. Canh mọc rau củ Bát canh mọc rau củ không chỉ thơm ngon mà còn đặc biệt kích thích thị giác với sắc màu bắt mắt. Chính vì thế, đây là món ăn thường xuất hiện trong mâm cỗ Tết của các gia đình miền Bắc. Miến nấu lòng gà Nấu một bát miến lòng gà dâng cúng Tổ tiên sau để thưởng thức và cảm nhận hương vị ẩm thực Tết mới tuyệt vời làm sao. Món miến lòng gà với sợi miến dai dai, sần sật, lòng gà thơm lừng, nước dùng ngọt tự nhiên khiến cho bất cứ ai thưởng thức cũng thấy ngon miệng. 10. Chè kho Một món ăn thường được dùng như món tráng miệng trong ngày Tết chính là chè kho. Chè kho có hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đỗ xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn. *** Ngày nay, các món ăn ngày Tết của cả ba miền Bắc - Trung - Nam đã có nhiều sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau, song, nét tinh tế trong những món ăn truyền thống ngày tết của người miền Bắc vẫn đã và đang góp phần tạo nên một không khí rất riêng cho mỗi dịp Tết của người dân nơi đây. Nếu là người Bắc, mẹ đừng quên chuẩn bị những món ăn thật đậm chất Bắc cho cả gia đình mình vào Tết này nhé! Bài liên quan: Những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết - Phần 2: Vị đậm đà của miền Trung Những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết - Phần 3: Sự phong phú của miền Nam