Nói đến ẩm thực miền Trung là nói đến sự “đậm đà”. Người miền Trung chuộng sự tỉ mỉ, nên những món ăn truyền thống vào dịp Tết lại càng được chăm chút kỹ lưỡng. Dưới đây là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung: 1. Bánh tét Bánh tét có ý nghĩa là sự hội tụ của đất và trời, một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Trung. Nếu miền Bắc có bánh chưng được gói bằng lá dong theo hình vuông, thì miền Trung có bánh tét được gói bằng lá chuối theo hình trụ. Bánh tét có nguyên liệu và cách thưc hiện tương tự như cách làm bánh chưng, bao gồm: gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… 2. Dưa món Nếu người Bắc có dưa hành ăn kèm bánh chưng thì người miền Trung có dưa món ăn kèm bánh tét. Món ăn này là sự kết hợp của cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu…. được ngâm chua mặn có vị giòn sật sật rất ngon, mang đến một hương vị rất riêng của ngày Tết miền Trung. 3. Giò bò tiêu sọ Giò bò được làm từ thịt bò, bỏ hết gân và xay nhuyễn rồi trộn chung với một ít mỡ phần giúp cho miếng giò bò giòn mà không bị khô. Vị ngon của thịt kết hợp với vị thơm của tiêu sọ sẽ mang đến cho người ăn cảm giác ấm lòng trong những ngày Tết. 4. Nem chua - tré Nem chua và tré là hai món ăn thường có mặt trong các mâm cỗ Tết miền Trung. Ngày Tết, người miền Trung thường thết khách đĩa nem chua nhâm nhi cùng vài cút rượu. Nem chua được làm từ thịt heo xay nhuyễn trộn với bì heo cùng gia vị, tỏi, lá đinh lăng rồi ủ chua cho lên men đến chín là ăn được. Những miếng nem có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay. Ngoài ra, mâm cỗ đầu năm của người gốc Bình Định, Đà Nẵng, Huế không thể thiếu món tré. Tré là món ăn đặc sản ở miền Trung, độc đáo từ hình thức lẫn hương vị. Người ta phải chuẩn bị thịt đầu heo (tai, mũi, má), cạo lông, rửa sạch với muối hột để ráo rồi luộc chín, có người kỹ tính còn rửa lại với phèn chua hoặc chanh cho thịt trắng, vẫn giữ được độ giòn, khi ăn nghe sần sật “đã” miệng. Đem thịt cắt thành miếng thật mỏng để dễ thấm gia vị và khi gói thịt dễ kết dính. Tùy theo sở thích, ngoài thịt đầu có người còn dùng thêm da hoặc thịt ba chỉ, không phải luộc mà đem ram vàng. Khi ăn, bóc vỏ tré ra, dùng đũa đánh tơi các miếng thịt rồi bày ra đĩa. Có thể nhâm nhi tré như nem chua hoặc cuốn với bánh tráng và rau thơm, dưa leo, chuối chát, chấm nước mắm ớt tỏi. 5. Tôm chua Một món ăn nữa không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung đó chính là tôm chua, đặc sản của Huế. Vị ngọt bùi của tôm, béo ngậy của thịt, vị cay và thơm của riềng, tỏi ớt, vị chua của khế, chát của vả, hương của các loại rau thơm,… Tất cả tạo nên một “bản hòa tấu hương vị” hấp dẫn khiến bất kì ai ăn qua một lần sẽ phải nhớ mãi. 6. Món kho Nếu người Bắc có món cá kho riềng, bò kho quế, thì người miền Trung thường nấu thịt kho củ cải, bò kho mật mía trong ngày lễ Tết. Thịt kho củ cải Với người miền Trung, ngày Tết mà không có củ cải kho thịt heo thì quả thật là điều thiếu sót. Thịt kho củ cải là món ăn sở hữu hương vị đậm đà, có thể ăn kèm với bánh tét hoặc cơm trắng đều rất ngon. Cách thực hiện món này cũng khá đơn giản, chỉ cần sử dụng thịt mông, thái miếng và ướp chung với gia vị và kho cung với củ cải sao cho chín mềm. Bò kho mật mía Bò kho mật mía là sự kết hợp của bắp bò, gừng, sả, quế, ớt tạo nên vị giòn, ngọt tự nhiên. Người miền Trung thường dùng món này để đãi khách trong những ngày Tết. 7. Giò heo ngâm nước mắm Với người miền Trung, món giò heo ngâm nước mắm cũng đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết. Món thịt này thường được ăn kèm với củ kiệu chua ngọt, dưa món cùng một số loại rau sống khác, mang đến đủ vị mặn ngọt của đất trời. 8. Bánh thuần Bánh thuẩn là món ăn đặc trưng của người miền Trung, có màu vàng vô cùng đẹp mắt. Thông thường, món ăn này được làm trước Tết khoảng 5-6 ngày với những nguyên liệu đơn giản như bột, trứng… Bánh thuần thường được thưởng thức cùng với trà nóng. 9. Bánh tổ Bánh tổ là một món ăn đặc biệt, là sự kết hợp tinh tế của gạo nếp và đường. Thường món ăn này được làm nhiều một lúc để sử dụng dần. Khi ăn, có người thích xắt từng miếng và thưởng thức ngay lập tức. Trong khi đó, có người lại thích nướng trên bếp than hồng cho mềm đi hoặc chiên với dầu đậu phộng. *** Có thể thấy, mâm cỗ Tết truyền thống của người miền Trung là sự kết hợp rất hài hòa giữa các vị chua - cay - mặn - ngọt. Ngày nay, những món đặc sản miền Trung cũng thường được mọi người trên khắp mọi miền đất nước mua về làm quà biếu Tết, hoặc để bày biện thêm cho mâm cỗ Tết nhà mình thêm phần lạ miệng. Bài liên quan: Những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết - Phần 1: Nét tinh tế của miền Bắc Những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết - Phần 3: Sự phong phú của miền Nam