Sau 6 tháng bé được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức, mẹ và bé sẽ cùng nhau bước sang một giai đoạn mới. Đó chính là ăn dặm. Mẹ cần chuẩn bị những gì để hai mẹ con cùng khám phá giai đoạn thú vị này nhỉ? 1. Ghế ăn dặm Khi bắt đầu quá trình ăn dặm, ghế ăn dặm có thể nói là người bạn quan trọng nhất đối với bé. Một em bé được cho là sẵn sàng cho việc ăn dặm khi bé có thể ngồi vững hoặc ngồi được vào ghế ăn khi có sự hỗ trợ. Sự hỗ trợ ở đây có thể là gối hoặc khăn bông chèn xung quanh bé, giúp cho bé ngồi thẳng. Dùng ghế ăn dặm sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ bé sặc và hóc (sặc cháo đối với ăn dặm kiểu Nhật hay ăn dặm truyền thống, hóc đối với ăn bé tự chỉ huy BLW). Ngoài ra, cho bé ăn khi bé ngồi vào ghế ăn dặm giúp bé hình thành thói quen tốt, tránh tình trạng ăn rong sau này. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các loại ghế ăn dặm khác nhau như ghế gỗ, ghế nhựa, ghế cao hay các loại ghế kết hợp đa chức năng. Các mẹ có thể cân nhắc mục đích, cũng như ví tiền của mình để lựa chọn sản phẩm phù hợp với điều kiện của gia đình. 2. Thìa ăn dặm Có hai loại thìa thường được sử dụng chủ yếu trong giai đoạn đầu ăn dặm (đặc biệt là với các bé ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm truyền thống): thìa silicon và thìa nhựa. Khi bắt đầu ăn, mẹ nên chọn thìa silicon mềm, kích thước đầu thìa nhỏ, vừa miệng bé. Sau đó, mẹ có thể chuyển sang thìa nhựa có kích thước lớn hơn khi bé đã quen ăn rồi. Tuyệt đối, trong giai đoạn đầu ăn dặm, mẹ không cho bé ăn bằng các loại thìa kim loại cứng và sắc. Loại thìa này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến nướu của bé. Mẹ có thể tìm thêm loại thìa báo nóng (thìa đổi thành màu trắng khi thức ăn quá nóng) để hỗ trợ mẹ đảm bảo vệ sinh trong quá trình ăn dặm vì mẹ không cần nếm đồ ăn của con cũng có thể biết độ nóng của thức ăn, tránh được việc mẹ vô tình truyền virus hoặc vi khuẩn qua đường nước bọt sang con. 3. Bát ăn dặm Mẹ có thể chỉ cần để riêng cho con 1 đến 2 chiếc bát sứ hoặc bát nhựa có chất liệu an toàn để chứa đồ ăn cho con. Còn nếu mẹ thích bữa ăn của con luôn xinh đẹp thì đầu tư vài chiếc bát có hình dáng đáng yêu cũng không phải là điều gì quá to tát đúng không nào. Với bé ăn BLW, mẹ sẽ dùng đến khay hoặc đĩa nhiều hơn. Bé lớn từ khoảng 9 tháng có thể tập tự ăn bằng nĩa sau đó là thìa. Mẹ có thể sắm dần theo nhu cầu ăn của con cho đỡ đau ví nhé! 4. Quánh nấu cháo Đối với các bé ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật, cháo xuất hiện hàng ngày trong bữa ăn của các bé. Mẹ nên có 1 chiếc quánh (nồi) nấu cháo chống dính dành cho bé. Kích thước phù hợp cho quánh nấu cháo là từ 12-14cm. 5. Máy xay Thông thường, các mẹ sẽ thấy có 2 loại máy xay phổ biến là máy xay cối và máy xay cầm tay. Với các bé ăn dặm, máy xay cầm tay sẽ tiện dụng hơn vì xay được lượng thực phẩm ít, điều chỉnh được độ thô dễ dàng và thuận lợi cho việc cọ rửa. 6. Hộp trữ thực phẩm Các bé thường ăn lượng thực phẩm khá ít trong khi nếu nấu hàng ngày như vậy, mẹ sẽ rất mất thời gian. Mẹ có thể mua các loại khay nhựa hoặc hộp nhựa với dung tích khác nhau phù hợp với mục đích trữ thực phẩm của mẹ nhé! 7. Các dụng cụ khác Mẹ có thể tận dụng các loại dao, thớt, bào, rây, chày cối trong nhà để chế biến đồ ăn cho bé. Các set chế biến đồ ăn hiện đang bán trên thị trường thường chỉ phù hợp với giai đoạn đầu ăn dặm của bé do lượng ăn ít. Sau khi lượng ăn của bé tăng, mẹ sẽ tốn nhiều thời gian chế biến do các set này có kích thước khá nhỏ. Đây là những đồ dùng cơ bản cần dùng cho bé trong thời gian bắt đầu ăn dặm. Với mỗi phương pháp ăn dặm khác nhau, mẹ sẽ thấy có những thứ cần thiết hơn hoặc ít cần thiết hơn. Mẹ hãy nghiên cứu kỹ phương pháp mẹ định dùng với bé để có thể có sự lựa chọn tốt nhất cho bé và tiết kiệm cho mẹ nhé!