Việc sinh ra một em bé vốn là điều chẳng dễ dàng, việc thích nghi với con còn khó khăn hơn khi mẹ vừa mới trải qua cơn đau đẻ và bé thì chẳng thể nào bày tỏ nguyện vọng mà chỉ có thể khóc. Không phải ngẫu nhiên mà dân gian nói đến cái “cữ” đối với một em bé. 3 tháng đầu đời của bé thực sự là 3 tháng không đơn giản chút nào đối với các bà mẹ. Bé có thể khóc dạ đề đằng đẵng suốt 90 ngày đó, mẹ cũng phải đánh vật với chuyện cho con bú ra sao, tắm cho đứa con tí xíu này như thế nào … Vượt qua được những khó khăn này chính là mẹ đã dần thích nghi được với việc có con. Mamibuy đưa cho mẹ một vài lời khuyên để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn khi mới sinh bé này nhé! Tìm “cứu viện” cho hai mẹ con Không có gì đáng ngại ngùng khi bạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thân quen có kinh nghiệm như mẹ hay cô dì hoặc một người thân quen nào đó. Có được sự hỗ trợ từ một người có kinh nghiệm giúp bà mẹ mới sinh thoát khỏi những bỡ ngỡ của lần đầu sinh con, sự khủng hoảng sau sinh hay đơn giản là những đêm thức trắng trông con. Sự giúp đỡ này không những giúp bạn có thêm thời gian để phục hồi sức khỏe mà còn giúp bạn làm quen, thích nghi dần với việc chăm sóc bé. Nếu như bạn không tìm được sự giúp đỡ từ mẹ hay cô dì nào đó, thì bố em bé cũng có thể làm cứu viện đấy! Em bé là của con của bạn Dù được sự hỗ trợ nhiệt tình đến bao nhiêu từ mọi người xung quanh thì bạn luôn cần cho mọi người hiểu: Em bé là con của bạn và bạn sẽ là người quyết định mọi việc liên quan đến con. Bạn có thể lắng nghe và làm theo những gì bạn thấy hợp lý và bỏ qua những điều còn lại. Hãy tin bản năng làm mẹ của mình! Nếu bạn nghĩ con cần được mẹ ôm ấp vỗ về, hãy làm như vậy! Cố gắng ngủ cùng lúc với bé "Tranh thủ ngủ khi con ngủ" là câu nói phổ biến nhất mà các mẹ sau sinh được nghe. Đây luôn là một lời khuyên vô cùng hữu ích dành cho các mẹ mới sinh con. Giấc ngủ ngắn tuy không đủ làm mẹ "đã mắt" nhưng lại giúp mẹ lấy lại sức là làm quen với những ngày đầu làm mẹ. Dần dần, mẹ sẽ quen và những giờ phút được ngủ cùng con sẽ thực sự là khoảng thời gian dễ chịu. Em bé của mẹ có thể sinh hoạt thất thường Mẹ đừng kì vọng khi sinh ra em bé của mẹ sẽ như thiên thần, đúng giờ là ăn, đúng giờ là ngủ rồi mỗi bữa ăn đủ ngần này sữa, dậy chơi ngần ấy thời gian. Những em bé thiên thần ấy chắc chỉ đếm trên đầu bàn tay. Bất cứ tài liệu nào về việc xây dựng nếp sinh hoạt cho con cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu mẹ muốn rèn bé, hãy lựa theo tính cách cũng như nếp sinh hoạt riêng cho bé để điều chỉnh dần. Mẹ cứ tin vào bản năng làm mẹ của mình, mẹ sẽ thấy mọi việc khi có con dễ dàng hơn rất nhiều. Bỏ qua tư duy của mình và nghĩ từ phương diện của bé Điều này giúp mẹ hiểu con hơn, tại sao con lại khóc nhiều đến thế, tại sao bé lại bám mẹ đến vậy. Mẹ hãy thử tưởng tượng, khi trong bụng mẹ, con được sống trong một môi trường ấm áp, yên tĩnh, nhịp tim của mẹ chính là những âm thanh êm ái, du dương đối với con. Bỗng một ngày, con bị đưa ra thế giới bên ngoài một cách đột ngột, con cảm thấy cô đơn, khó chịu, sợ hãi … Và con không có cách nào khác để bày tỏ những lo lắng của mình, con chỉ có thể khóc. Chính vì thế, mẹ đừng sợ tiếng khóc của con nhé! Mẹ hãy tái thiết lập lại một không gian mà bé có thể cảm thấy an toàn. Điều chỉnh ánh sáng phòng bớt chói lóa, đóng cửa phòng cho đỡ ồn ào hay bật tiếng ồn trắng ở âm lượng vừa phải … sẽ làm bé cảm thấy dễ chịu hơn. Mẹ cũng có thể cho bé nằm lên ngực để bé cảm nhận được nhịp tim và sự ấm áp của mẹ. Nếu mẹ mệt mỏi quá, bố cũng có thể hỗ trợ nhé! Nghiên cứu khoa học đã cho thấy, sự tiếp xúc vật lý chặt chẽ giữa bố và con cũng tạo ra những hormone tương tự khi mẹ sinh nở, tạo dựng sự gắn kết mạnh mẽ giữa bố và con. Bé ngủ chung với bố mẹ hay không? Việc bé ngủ riêng hay ngủ chung với bố mẹ luôn là một vấn đề nhiều tranh cãi. Ông bà, họ hàng hay bạn bè có thể đưa ra những lời khuyên trái chiều cho mẹ. Tuy nhiên, lựa chọn là của bố mẹ. Nếu bé ngủ chung, mẹ cần lưu ý đảm bảo an toàn cho bé, tránh các tình huống chăn che mũi con hay mẹ vô tình đè vào con khi ngủ. Nếu bé ngủ ở nôi hay cũi, mẹ hãy để khoảng cách phù hợp để tránh việc quá vất vả khi chăm bé ban đêm. Việc chăm sóc một em bé không chỉ là việc của một mình mẹ. Cả gia đình cũng cần học cách để thích nghi với bé. Mamibuy hi vọng với bài viết này, bố mẹ sẽ bớt băn khoăn hơn trong những ngày đầu chăm bé nhé!