Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, tò mò với mọi thứ xung quanh nên trẻ thường trở nên khá ‘bất hợp tác’ khi phải ngồi lâu trong các không gian hẹp. Tàu hoả là một lựa chọn khá thú vị dành cho bé. Tuy nhiên, việc di chuyển tàu hỏa đôi khi khiến bé cảm thấy nhàm chán, bí bách khó chịu. Làm sao để bé không mệt mỏi, quấy khóc khi đi tàu là một chuyện không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho bố mẹ những điều hay ho để giải quyết vấn đề trên nhé! 1. Những kiến thức cần biết khi đi tàu hỏa cùng trẻ - Trẻ em đi tàu hỏa cần mang theo giấy tờ gì? Trẻ em dưới 6 tuổi đi tàu hỏa cần mang theo bản sao giấy khai sinh hoặc hộ chiếu và phải có người lớn đi kèm. Trường hợp không có cả hai loại giấy tờ này thì chiều cao của trẻ em dưới 6 tuổi đi tàu hỏa không được quá 112cm, đối với trẻ từ 6 - 10 tuổi không được quá 132cm. Đường sắt Việt Nam cũng quy định, mỗi người lớn đi tàu được kèm không quá 2 trẻ em đi cùng và phải ngồi cùng người lớn. - Vé tàu cho trẻ em dưới 6 tuổi Trẻ em dưới 6 tuổi đi tàu hỏa sẽ được miễn vé còn trẻ em từ 6 - 10 tuổi sẽ được giảm 50% giá vé. - Mua vé tàu như thế nào? Để kiểm tra lịch trình tàu chạy, số ghế hiện có và giá vé, mẹ có thể vào trang web chính thức của Đường sắt Việt Nam: https://dsvn.vn Mẹ nên mua vé trực tiếp tại các ga hoặc đặt chỗ, mua vé qua website www.dsvn.vn và thanh toán tiền online hoặc tại các điểm giao dịch ngân hàng VIB, các Bưu cục thuộc Bưu điện Việt Nam, các đại lý bán vé chính thức của Ngành đường sắt. - Các loại ghế trên tàu Về cơ bản, ghế tàu hỏa được phân ra thành 3 loại: ghế ngồi cứng, ghế ngồi mềm và giường nằm. Mỗi loại lại được chia thêm thành có điều hòa và không có điều hòa. Mẹ có thể thoải mái chọn lựa tùy theo nhu cầu của bản thân. Ghế ngồi cứng + Đặc điểm: ghế gỗ cứng, không điều chỉnh được do đã đóng cố định + Ưu điểm: rẻ nhất trong tất cả các loại ghế, tiết kiệm chi phí đi lại một cách tối đa + Nhược điểm: cực kỳ mệt mỏi nếu hành trình mẹ chọn tương đối dài. Vì là ghế cứng cố định nên lưng sẽ rất mỏi. Ghế ngồi mềm + Đặc điểm: 1 toa có 64 ghế ngồi tất cả, mỗi ghế ngồi có tay xoay giúp ngả lưng ghế tối đa 15 độ. + Ưu điểm: giá vé và chất lượng đều ở mức trung bình, là lựa chọn tương đối hợp lý nếu mẹ di chuyển quãng đường ngắn. + Nhược điểm: không thực sự thoải mái mẹ lựa chọn cho hành trình dài. Giường cứng + Đặc điểm: giường được trải bằng một tấm nệm dày khoảng 3cm, trong 1 toa có 6 giường ngủ xếp thành 3 tầng, kích cỡ 78x190cm. + Ưu điểm: mẹ và bé có thể ngả lưng tương đối thoải mái. + Nhược điểm: giường tầng 1 thì tương đối ổn, nhưng tầng 2 và tầng 3 thì sẽ cảm thấy hơi khó chịu một chút vì sẽ phải khom lưng, không ngồi thẳng được cho hạn chế chiều cao. Giường mềm + Đặc điểm: 1 toa có 6 giường ngủ xếp thành 2 tầng, 1 giường có kích thước 80x190cm. + Ưu điểm: thoải mái nhất trong tất cả các hạng ghế tàu hỏa hiện nay. + Nhược điểm: giá cao nhất, đôi khi ngang bằng giá vé máy bay nên chắc chắn sẽ khiến mẹ sẽ băn khoăn khi lựa chọn loại giường này. - Hành lý cần chuẩn bị khi đi tàu cùng trẻ + Vali có bánh xe kéo và được trang bị khóa số. Bánh xe kéo để bạn tránh mệt mỏi cũng giúp đẩy nhanh tốc độ trong việc di chuyển đồ đạc từ cửa nhà ga đến tận ghế ngồi. Vali có khóa số sẽ giúp ban cảm thấy yên tâm hơn trong việc bảo quản tư trang. Nếu chất liệu vali chống thấm nước, sẽ rất tốt trong những ngày trời mưa. + Chuẩn bị 1 balo riêng để đồ cá nhân dùng đủ trên hành trình cho bé như bỉm, sữa, khăn, áo quần, chai nước lọc... 2. Làm sao để trẻ không mệt mỏi, quấy khóc? Chọn loại ghế ngồi êm ái cho trẻ Có nhiều loại ghế tàu hỏa cho mẹ lựa chọn, tuy nhiên khi đi với bé nhỏ, mẹ nên chọn loại ghế có sự êm ái, không gian thoải mái cho bé như ghế mềm điều hòa hay ghế giường nằm. Ghế ngồi mềm sẽ thích hợp cho các chuyến đi ngắn từ 3-5 giờ, ghế cứng cũng chấp nhận được nếu không còn lựa chọn nào khác. Nếu kinh tế cho phép thì bố mẹ mua giường nằm điều hòa. Ngoài ra nếu được thì bố mẹ có thể mua riêng hẳn cho bé 1 vé tàu, như vậy bé sẽ có ghế riêng của mình để sử dụng và ba mẹ đỡ vất vả hơn. Nếu đi tàu nằm, bạn chọn hai giường nằm tầng một, giá đắt hơn một chút nhưng em bé có thể dễ dàng dịch chuyển qua lại giữa hai giường bố mẹ nằm. Bố mẹ dễ dàng ‘phối hợp’ khi em bé có các nhu cầu đặc biệt, như thay bỉm chẳng hạn. Mọi hoạt động vui chơi, tương tác của cả nhà cũng diễn ra dễ dàng hơn. Mang theo vật dụng cần thiết cho trẻ Việc cùng bé đi tàu sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bố mẹ biết chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết cho bé. - Bình sữa và đồ ăn dặm, thức ăn nhẹ cho bé. - Cần chuẩn bị chăn mỏng mùa hè cho trẻ nếu đi vào ngày nắng, chăn ấm cho trẻ khi đi vào ngày lạnh để đảm bảo sức khỏe cho bé. - Mang theo gối kê nhỏ cho bé để con có thể ngủ khi muốn một cách êm ái. - Di chuyển bằng tàu hỏa không tránh khỏi những lúc tàu dừng để tránh tàu, lúc đó khoang tàu sẽ trở nên nóng hơn, mẹ nên chuẩn bị sẵn quạt tay, khăn lau thấm mồ hôi cho trẻ phòng trường hợp trẻ đồ mồ hôi trộm. - Giấy vệ sinh, khăn ướt, giấy mềm là những thứ không thể thiếu khi di chuyển cùng trẻ nhỏ. Chọn trang phục gọn nhẹ, thoải mái cho trẻ Khi trẻ đi tàu hỏa, hãy mặc cho trẻ những trang phục mềm, thoải mái, nhẹ nhàng để có thể nằm ngủ mà không bị khó chịu. Trời lạnh mẹ sẽ khoác thêm cho trẻ đồ ấm. Đối với em bé tinh nghịch hiếu động, mẹ nên cho trẻ mặc áo quần thoáng mát, vải thấm mồ hôi. Mẹ cũng cần chuẩn bị thêm 2,3 bộ áo quần sẵn để thay cho trẻ phòng khi trẻ chơi nghịch hay ăn uống dính bẩn. Trong các toa giường nằm thường để nhiệt độ khá thấp, bạn nên lưu ý mặc quần áo cho bé phù hợp và mang theo một chăn mỏng để bé đắp khi ngủ Phòng chống say tàu cho trẻ Mặc dù tỷ lệ say khi bé đi tàu rất ít tuy nhiên bố mẹ không thể chắc chắn rằng chuyến đi này bé có say tàu hay không. Say tàu sẽ khiến bé trở nên rất khó chịu và mệt mỏi. Mẹ nên nhớ trước khi lên xe hãy để cho bé có một giấc ngủ tốt, không nên để bé quá lo lắng về chuyện đi tàu. Cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái chính là liều thuốc hiệu nghiệm cho bé yêu thoát khỏi tâm lý sợ đi tàu. Đặc biệt trước khi khởi hành 1-2 tiếng mẹ nên cho bé ăn nhẹ các thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa, hạn chế đồ nhiều dầu mỡ hoặc chế phẩm từ bơ sữa... Ngoài ra, trên chuyến tàu, bố mẹ hãy trò chuyện vui vẻ với bé để bé quên đi chuyện say tàu. Cho trẻ di chuyển trên khoang tàu Trẻ nhỏ thường không chịu ngồi yên một chỗ và khi đi tàu hỏa, trẻ sẽ cảm thấy bí bách, khó chịu. Để tránh làm cho trẻ ngồi lâu bị mệt mỏi, quấy khóc và đặc biệt là tình trạng ứ đọng máu hoặc nghẽn mạch máu, với trẻ đã biết đi, mẹ có thể cho trẻ di chuyển xung quanh vị trí ngồi nhưng phải lưu ý giám sát và nhắc nhở trẻ không nghịch ngợm, gây ảnh hưởng tới các hành khách xung quanh. Đối với trẻ dưới 1 tuổi cần bồng bế, mẹ cũng có thể sử dụng địu hoặc bế bé đi dạo trên khoang tàu cho bé phát triển sự quan sát, cho trẻ giao lưu với hành khách đi cùng, tránh ngồi một chỗ gây nên sự nhàm chán cho trẻ, trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ. Phòng chống tiếng ồn khiến trẻ sợ hãi hoặc khó chịu Một trong những nhược điểm của tàu hỏa là tiếng ồn khá lớn. Tiếng ồn lớn trong thời gian dài khi đi tàu sẽ dễ khiến trẻ khó chịu. Điều nên làm là mẹ hãy cho bé thích ứng với chuyến tàu bằng cách dẫn bé đi dạo chơi trên khoang, trò chuyện với bé, cho bé khám phá thế giới bên ngoài cửa sổ hay bắt chuyện với hành khách đi cùng để trẻ quen dần với âm thanh của tảu hỏa. Nếu trẻ vẫn tỏ ra sợ hãi, bố mẹ hãy dùng nút bịt tai dành cho em bé, cho trẻ nghe những bản nhạc quen thuộc để trẻ trở nên vui vẻ thoải mái. Cho trẻ đi vệ sinh ngay khi trẻ có nhu cầu Có một kinh nghiệm đi tàu đường dài khá thú vị đó là mẹ cần mang theo cái bô, sẽ rất hữu ích cho mẹ vì nhà vệ sinh trên tàu hỏa khá bất tiện do tàu chạy không được êm ái như máy bay, chưa kể đến việc đông người nên nhà vệ sinh không phải lúc nào cũng có sẵn. Các bé nhỏ thường ham chơi quên mất chuyện đi vệ sinh, khi nhớ ra gọi mẹ thì quá gấp rút, một cái bô sẽ phát huy tác dụng tuyệt vời. Không nên để trẻ phải đợi hoặc bắt trẻ nhịn, điều đó sẽ càng làm trẻ khó chịu. Mẹ nên lưu ý chuyện trẻ đi vệ sinh ngay trên khoang tàu là một chuyện tế nhị, nên mẹ cần cẩn trọng, tránh gây khó chịu cho hành khách đi cùng. Không để bé đói và chờ đợi lâu Trên các chuyến tàu dài luôn phục vụ nước sôi, bố mẹ có thể dễ dàng vệ sinh bình sữa hoặc bộ đồ ăn dặm của bé, làm nóng cháo… Khuyên mẹ nên mang theo bình ủ loại nhỏ để dễ dàng làm cháo cho con, tránh để nguội sinh đau bụng khó chịu cho bé. Việc ăn uống trên tàu tương đối thuận tiện. Tuy nhiên đồ ăn được phục vụ ở trên tàu không đa dạng lắm mà mức giá còn khá chát, chưa kể đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ. Tốt nhất mẹ nên đem theo một số loại snack, bánh ăn dặm, bánh quy và vài chai nước lọc. Ngoài ra bố mẹ nên mang theo đồ ăn đóng hộp, trái cây, bé vừa được thoải mái nhâm nhi mà vẫn đảm bảo được vệ sinh. Bố mẹ cùng tương tác với bé Trên chuyến tàu, có vô số những câu chuyện và chủ đề để bố mẹ trò chuyện với bé. Tàu hoả sẽ cung cấp cho bạn một ‘kho ý tưởng’ để tha hồ nói chuyện với bé con, từ phong cảnh 2 bên toa tàu, những trò chơi nhỏ bố mẹ cùng chơi cùng bé. Bố mẹ có thể chuẩn bị thêm sách truyện, món đồ chơi hoặc thú bông yêu thích của bé để cùng chơi với bé trên tàu. Tạo cơ hội cho bé làm quen với những người bạn mới Đi tàu là cơ hội để người bạn nhỏ trong gia đình thực hành việc làm quen, ‘bắt chuyện’ với những hành khách cùng toa và cả khác toa khi bạn được bố mẹ ‘hỗ trợ’ đi khám phá con tàu. Đây là một việc rất hữu ích để ''đánh bay'' sự nhàm chán, khó chịu khi trẻ di chuyển bằng tàu hỏa trên quãng đường daì. Trên tàu chắc chắn có rất nhiều thiếu nhi ở mọi độ tuổi và hẳn các bạn sẽ rất thích thú khi ‘tìm thấy nhau’, các cặp bố mẹ thì có cơ hội để trò chuyện với những người đồng cảnh. Đặc biệt là khách du lịch người nước ngoài, hầu như ai cũng sẵn sàng nở nụ cười và vẫy tay chào các bé, nên bé sẽ cảm thấy vui vẻ thoải mái ngay. 3. Những lưu ý không thể bỏ qua khi đi tàu cùng trẻ - Khi trẻ em đi tàu, bố mẹ cần lưu ý dặn trẻ đi sát vào bố mẹ tránh bị lạc hoặc bị những kẻ xấu lợi dụng. Và đặc biệt, khi xuống khỏi tàu, trẻ em không được đi ra xa toa tàu của mình. - Khi trẻ em đi tàu hỏa, bố mẹ nên chuẩn bị sẵn một số dụng cụ y tế như băng cứu thương, bông, thuốc sát trùng, dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc cảm… - Lưu ý khi đang đợi để lên tàu, bố mẹ cần nhắc nhở và giám sát trẻ giữ khoảng cách với đường tàu đúng theo quy định, không chạy nhảy đùa nghịch trên đường ray. - Khi di chuyển để bước lên tàu, khoảng cách giữa mặt đất và toa tàu khá cao nên bố mẹ cần lưu ý tránh việc trẻ bị hụt chân, vấp ngã. Trẻ em đi tàu cần lưu ý không được nhảy từ trên toa xuống sân ga hoặc leo trèo qua cửa sổ toa tàu. - Khi trẻ ngồi trên tàu hỏa, cần được ngồi đúng chỗ trong toa, không thò tay hay thò đầu ra ngoài khi tàu chạy tránh nguy hiểm. - Quãng đường di chuyển xa bằng tàu hỏa sẽ làm bố mẹ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, tuy nhiên bố mẹ không thể ngủ vì bận chăm bé. Những lúc như vậy, cần rửa mặt lại cho tỉnh táo và một chiếc khăn mặt mềm lau khô sẽ rất cần thiết. - Không nên đem theo nhiều tiền mặt. Vì bận trông bé sẽ ít sự chú tâm đến đồ đạc, nhất là tiền bạc, khuyên bố mẹ nên chia tiền thành nhiều phần, để ở nhiều nơi. Tốt hơn hết là mẹ nên chừa một ít tiền lẻ đủ dùng, còn lại để tiền vào thẻ ATM cho gọn nhé. - Để gọn gàng hành lý dưới chân ghế ngồi hoặc trên khoang hành lý, viết tên nổi bật để tránh người khác lấy nhầm. - Để điện thoại vào trong túi đeo trước ngực, bỏ vào bên trong áo cũng là một lựa chọn đảm bảo an toàn và tiện lợi cho bố mẹ khi di chuyển bằng tàu hỏa cùng bé. - Đối với trẻ đang bị khò khè, ho mà bố mẹ muốn chọn khoang điều hòa thì nên che bớt điều hòa để trẻ không bị phả thẳng vào mặt hoặc trẻ bị lạnh gây khó chịu cho bé. - Hãy chắc chắn rằng bố mẹ có thể ‘túm lấy’ trẻ bất cứ khi nào bởi vì tàu có thể cua, phanh…bất chừng và chúng ta đều không muốn bé bị va đập. - Tàu sẽ dừng lại khá lâu ở các ga chính nên bố mẹ có thể chạy xuống mua đồ ăn bán ở các sân ga này, như xôi, bánh mì, hoặc tranh thủ cho trẻ xuống dạo chơi thay đổi không khí. Cùng bé đi tàu sẽ trở nên vui vẻ và thú vị, bé không còn mệt mỏi quấy khóc khi bố mẹ nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của trẻ. Bài viết trên đây hy vọng sẽ hưũ ích cho bố mẹ khi lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa cùng với thiên thần nhỏ của mình. Chúc các bạn sẽ có một hành trình lý thú nhé! Xem thêm: Những lưu ý quan trọng khi cho trẻ đi ô tô khách Bí kíp đi máy bay cùng bé dưới 1 tuổi, bố mẹ nhất định phải biết