Đi ô tô khách đường dài là một nỗi lo lắng của nhiều gia đình. Ngay cả với người lớn, chuyến đi cũng có thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi huống chi là trẻ con. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn cho em bé, các gia đình không nên bỏ lỡ những lời khuyên hữu ích sau đây. Thay vì vi vu trên bầu trời cùng những chiếc máy bay hay thú vị với những toa tàu giường nằm êm aí thoải mái, nhiều gia đình lựa chọn ô tô khách, hay còn gọi là xe khách cho hành trình của mình. Phần lớn các gia đình lựa chọn di chuyển bằng xe khách bởi chi phí đi xe rẻ hơn rất nhiều so với đi máy bay hay tàu hỏa, chưa kể đến vấn đề tiện lợi vì ở hầu hết các địa phương, bến xe thường nằm ở ngay trung tâm, vấn đề đi lại thuận tiện hơn rất nhiều so với sân bay hay nhà ga thường nằm rất xa trung tâm. Đi ô tô cùng bé cũng là một lựa chọn được ưu tiên vì không bị ràng buộc về vấn đề giấy tờ thủ tục, bố mẹ chỉ cần xách ba lô và cùng bé lên xe. Tuy nhiên khi đi ô tô cùng trẻ em lại không phải chuyện đơn giản. Bởi ô tô đặc biệt là ô tô khách có không gian không được thoải mái, bố mẹ và bé hoàn toàn bị động, tất cả phụ thuộc vào tài xế là lịch trình của nhà xe. Để bé không bị khó chịu và có một chuyến đi vui vẻ, an toàn, bố mẹ cần lưu ý những điều cơ bản dưới đây. 1. Lựa chọn xe và nhà xe phù hợp với hành trình Việc lựa chọn xe và nhà xe khi đi xe cùng trẻ em là vấn đề quan trọng cần được lưu ý đầu tiên. Bởi vì em bé của chúng ta rất hiếu động và trẻ con cần sự thoải mái, cần không gian nghỉ ngơi, việc lựa chọn được một chiếc xe phù hợp để di chuyển sẽ giúp giảm bớt sự mệt mỏi, tạo nên một hành trình thú vị cho cả bố mẹ và em bé. Bố mẹ nên nhớ em bé dưới 7 tuổi đi cùng người lớn thường sẽ ngồi chung với bố mẹ, trên 7 tuổi hoặc em bé đã biết hoạt động độc lập thì mới nên cho bé ngồi ghế riêng. Lời khuyên dành cho bố mẹ khi cho trẻ đi ô tô khách đó là nên chọn xe giường nằm. Quãng đường từ 4-5 tiếng trở lên bố mẹ không nên chọn xe ngồi vì sự chật chội, bé sẽ không thấy thoải mái, việc ngồi ghế lâu sẽ khiến bố mẹ và bé bị đau lưng, nếu bế bé trên tay sẽ càng mệt. Một chiếc ghế giường nằm là lựa chọn tuyệt vời cho bố mẹ và em bé. Lưu ý là có những chặng không có xe giường nằm, bố mẹ nên linh động chọn nhà xe có xe ngang qua địa phương mình cần đến, ví dụ như: Đà Nẵng ra tới Thành phố Đông Hà (thuộc tỉnh Quảng Trị) đi xe mất 3 tiếng rưỡi, không có xe giường nằm, chỉ có xe ghế ngồi, bố mẹ có thể chủ động đổi nhà xe, chọn nhà xe đi Quảng Bình để được đi xe giường nằm, xe ngang qua Thành phố Đông Hà thì bố mẹ cho bé xuống xe, vừa đến điểm mình cần mà được đi xe giường nằm thoải mái trong khi giá vé tương tự nhau. 2. Lựa chọn giờ đi xe phù hợp với bé Một hành trình dài trên xe ô tô không chỉ em bé mà ngay cả bố mẹ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi. Tùy theo điểm đến của hành trình để bố mẹ có thể lựa chọn giờ lên xe trùng vời thời điểm bé ngủ trong ngày để trẻ ngủ nhiều trên xe, hành trình sẽ có cảm giác ngắn hơn, trẻ ngủ đủ dậy sẽ vui vẻ thoải mái mà bố mẹ cũng có thời gian để nghỉ ngơi. Bố mẹ cần lưu ý khi trẻ ngủ trên xe ô tô khách, vì xe khách không như xe ô tô gia đình, không có đai bảo hiểm cho trẻ, nên khi trẻ ngủ, bố mẹ có thể bế trẻ, hoặc đặt trẻ xuống ghế ngủ cùng bố mẹ trong sự kiểm soát của bố mẹ. Cần đảm bảo sự va đập của trẻ khi xe bất chợt dừng, phanh gấp hay vòng cua. 3. Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cá nhân và chú ý vấn đề vệ sinh khi cho trẻ đi xe ô tô Một ba lô to đựng đầy đủ đồ dùng thiết yếu cho trẻ là thứ không thể thiếu cho một hành trình dài trên xe ô tô. Tùy vào thời tiết, bố mẹ hãy cho bé mặc quần áo phù hợp. Trẻ nhỏ hiếu động, hay đổ mồ hôi, bố mẹ nên cho bé mặc trang phục có độ thấm hút tốt. Bố mẹ nên chuẩn bị khoảng 2-3 bộ quần áo để thay ra thay vào, đặc biệt là khi phải đi một chuyến đường khá dài. Ngoài quần áo, thì còn có mũ, tất, một tấm chăn mỏng để đắp cho trẻ, gối kê vv… Mặc dù trên xe, nhất là xe giường nằm thường phát sẵn chăn cho hành khách, tuy nhiên để đảm bảo vấn đề vệ sinh, tốt nhất bố mẹ nên chủ động mang theo chăn gối cho trẻ. Ngoài ra trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi thường hay đi vệ sinh, do đó cần đảm bảo có đủ tã lót để thay. Khăn giấy và khăn tay để vệ sinh cơ thể cho em bé. Trước khi lên đường, bố mẹ nên thay tã sạch cho trẻ và các vệ sinh cơ bản khác, để trẻ được sạch sẽ và thoải mái nhất. Khi cho trẻ đi ô tô khách, với trẻ dưới 3 tuổi bố mẹ nên cho trẻ mặc bỉm. Trẻ lớn hơn có thể chủ động hơn. Bố mẹ nên đặc biệt lưu ý vì xe khách không thoải mái như xe của gia đình, nên việc vệ sinh cho trẻ là một việc rất tế nhị. Vì xe khách đông người, rất bất tiện, em bé lỡ đi vệ sinh rồi thì có nhu cầu được thay rửa sạch sẽ, bé sẽ không chờ đợi được lâu nên nếu không được đáp ứng ngay sẽ rất khó chịu, bố mẹ phải chuẩn bị sẵn tâm lý, để dỗ trẻ và tranh thủ thay ngay cho trẻ khi xe dừng nghỉ ở các trạm trên hành trình. 4. Chọn cho con vị trí ngồi phù hợp trên xe và vị trí thuận lợi cho bố mẹ Bố mẹ không thể đảm bảo rằng trên suốt hành trình bé của mình có bị say xe hay không. Bố mẹ nên chủ động nói với tài xế để được ưu tiên cho các bé ở vị trí thích hợp như ở đầu xe, giữa xe. Bố mẹ không nên để bé ngồi ở phía cuối xe bởi đó là vị trí dễ xóc nảy gây mệt mỏi thậm chí nôn ói cho trẻ. Bố mẹ cũng nên chọn cho con chỗ ngồi gần cửa sổ, khi xe di chuyển bố mẹ có thể hé mở 1 chút cửa sổ (với xe mở được cửa sổ) để không khí được lưu thông, bé sẽ dễ thở hơn, bé cũng quan sát được sự thay đổi của cảnh vật 2 bên đường làm cho hành trình của bé không bị nhàm chán. Nếu như trời quá nắng thì bạn cần phải dùng rèm che hoặc tấm phản mini để tránh ánh nắng chiếu vào trong ô tô thông qua cửa sổ. Đối với xe giường nằm có tầng, bố mẹ không nên chọn giường tầng trên cho con, vì trẻ nhỏ hiếu động sẽ rất nguy hiểm. Khi đi xe khách cùng bé nhỏ, bố mẹ hoặc người thân nên chọn ghế ngồi gần nhau để thuận tiện chăm sóc bé hay hỗ trợ khi cần thiết. Tốt nhất bố mẹ nên chọn ghế ngồi song song để trẻ có không gian chơi đùa qua lại giữa hai ghế, bố mẹ cũng dễ dàng trao đổi, trò chuyện hay quan sát con. 5. Vấn đề ăn uống của trẻ khi đi ô tô Đối với trẻ sơ sinh, trước lên xe ô tô để di chuyển, mẹ nên cho trẻ bú sữa ít nhất trước đó nửa tiếng và trong quá trình di chuyển mẹ cho trẻ bú sữa thêm. Nếu em bé bú sữa mẹ thì rất thuận tiện nhưng nếu em bé bú sữa bình thì mẹ phải chuẩn bị hộp sữa, bình sữa và nước để pha sữa. Một chiếc bình ủ hay bình giữ nhiệt đựng nước sôi sẽ rất cần thiết trong trường hợp này. Nếu quãng đường di chuyển bằng ô tô của bé trong khoảng 1 tiếng, bố mẹ chỉ cần cho bé ăn nhẹ trước khi lên xe là được. Tuy nhiên đối với hành trình dài 4,5 tiếng trở lên thì bố mẹ cần phải lưu ý. Trước khi lên xe từ 1-2 tiếng bố mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu như cháo, sup. Trong suốt hành trình bố mẹ cần mang theo đồ ăn vặt, trái cây cho bé nhâm nhi. Xe đường dài thường sẽ có chặng nghỉ ở trạm, bố mẹ nên mang theo đồ ăn chuẩn bị sẵn cho bé để chế biến cho bé ăn hoặc cho bé ăn thức ăn ở nhà ăn của trạm nghỉ, tuy nhiên lời khuyên dành cho bố mẹ đó là nên tự chuẩn bị khẩu phần ăn cho con để đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Những thức ăn mẹ có thể chuẩn bị có thể là đồ ăn liền, đồ hộp. Lưu ý, bạn nên cho trẻ ăn khi ô tô dừng là tốt nhất, để hạn chế việc nôn trớ. 6. Trẻ say xe ô tô Để phòng trường hợp trẻ bị tâm lý đi xe ô tô, bố mẹ nên nói chuyện trước với trẻ về chuyến đi sắp tới như đi tới đâu, trong vòng bao nhiêu lâu, trên đường đi bé có thể thấy những gì. Mẹ nên chọn ví trí trên đầu gần tài xế cho bé ngồi, không nên cho bé ngồi cuối hay những vị trí mà mọi người hay lên xuống để con giảm cảm giác chóng mặt, buồn nôn. Khi ngồi cùng con, bố mẹ nên hướng dẫn bé quan sát và tập trung nhìn phía trước, tránh nhìn ra bên ngoài hoặc quay đầu lung tung sẽ khiến cho trẻ dễ say xe. Bố mẹ cũng nên tranh thủ để trò chuyện cùng con, chơi những trò chơi nhỏ, không những gia tăng thêm tình cảm gia đình, mà việc chơi cùng bố mẹ cũng sẽ khiến trẻ quên đi chuyện say xe. Ngoài ra bố mẹ có thể sử dụng miếng dán chống say xe dành cho trẻ em (sử dụng đúng theo độ tuổi), nhưng cách tốt nhất là áp dụng một số mẹo dân gian để chống say xe cho bé như gừng tươi, ngửi mùi cam quýt... 7. Không để trẻ chơi đùa quá mức ở trên xe Trẻ em rất hiếu động, khi chơi đùa trên xe thường bị cuốn theo trò chơi, không làm chủ được hành động, không thể ngồi yên tại chỗ, nên dễ bị ngã va chạm vào các bộ phận trên xe dẫn đến chấn thương, đặc biệt khi xe chạy nhanh, đổi hướng, hay phanh gấp sẽ rất nguy hiểm. Trên xe ô tô khách thường đông người, trẻ có thể gặp những người bạn mới, những em bé đi cùng xe, trẻ có thể sẽ muốn di chuyển, đùa nghịch cùng nhau sẽ gây nên tiếng ồn tạo nên sự khó chịu cho hành khách đi cùng. Bố mẹ cần kiểm soát hoạt động của con khi cho bé đi ô tô khách. 8. Mang theo nhiều loại túi Có một lưu ý cần thiết cho bố mẹ khi cho trẻ đi ô tô khách đó là bố mẹ nên mang theo nhiều loại túi khác nhau, mỗi loại túi đựng một số đồ chuyên biệt, chẳng hạn như : quần áo em bé, quần áo bố mẹ, thức ăn thức uống, đồ vệ sinh,vv… Điều này sẽ giúp đồ đạc của bạn được gọn gàng, vệ sinh và dễ sắp xếp hơn. Ngoài ra, hãy mang thêm túi đựng rác, để đựng tã lót bẩn, đồ ăn thừa và túi nôn phòng trường hợp bạn hoặc bé nôn ra khi bị say xe. Nó sẽ giúp xe ô tô sạch sẽ và không khí trong lành hơn, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Tuy trên xe khách thường có sẵn túi miễn phí để cho khách dùng khi nôn tuy nhiên việc chủ động chuẩn bị của bố mẹ sẽ tạo nên sự yên tâm hơn. Và một lưu ý quan trọng khi xử lý túi nôn, túi rác đó là vì xe di chuyển liên tục, ít trạm nghỉ, bố mẹ nên để gọn túi rác tuí nôn ở chỗ ngồi, đợi khi đến trạm dừng có thùng rác, lúc này bạn có thể vứt đi. 9. Mang theo đồ chơi cho trẻ Trẻ em thường rất khó chịu đối với không gian chật hẹp, bởi vậy việc đi ô tô đường dài sẽ khiến trẻ nhanh chán khi bị bắt ngồi một chỗ. Vì vậy, bạn có thể mang theo một số loại đồ chơi đơn giản để cho trẻ vui chơi trong suốt chuyến đi. Nên chọn đồ chơi mềm có kích cỡ trung bình, không quá lớn và không quá bé, cũng không nên chọn đồ cứng vì nó có thể gây nguy hiểm cho bé. Sự hiếu động của trẻ có thể được loại bỏ bằng cách chơi đồ chơi hoặc xem phim, video trên các thiết bị di động. Tuy nhiên những thiết bị này không nên cho trẻ dùng quá lâu vì ảnh hưởng tới thị lực, thần kinh cũng như sự tập trung, ổn định của trẻ. 10. Cho trẻ hoạt động khi xe dừng nghỉ Trong một hành trình trên 4 tiếng, nhà xe thường dừng nghỉ ở trạm, bố mẹ nên lưu ý để cho trẻ ra ngoài hít thở không khí trong lành, chạy nhảy tái tạo năng lượng cho cơ thể. Trẻ em cũng không thể chịu đựng tốt như người lớn nếu muốn đi vệ sinh. Nếu trẻ đã biết tự đi vệ sinh, khi nghỉ giữa đường hạn chế bế ẵm mà để bé tự đi lại, vận động cơ thể cho tỉnh táo. 11. Tuyệt đối không để bé ở một mình, hạn chế cho con tiếp xúc với người lạ Cho bé đi ô tô khách đồng nghĩa với việc bạn và bé sẽ đi cùng khá nhiều nguời lạ. Việc hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người lạ là việc cần thiết, nhất là ở các trạm nghỉ, khi bố mẹ có nhu cầu xuống xe đi vệ sinh, ăn uống hay xuống xe hít thở thay đổi không khí, bạn nên mang bé theo cùng hoặc gửi bé cho người thân đi cùng, tuyệt đối không được để trẻ lại một mình mà không có người thân bên cạnh. Ngoài ra khi trẻ cùng xuống xe ở các trạm nghỉ, trẻ thường tò mò chạy nhảy lung tung, bố mẹ cần kiểm soát hành vi của trẻ, không cho trẻ đi chơi xa, không được để trẻ nằm ngoài tầm nhìn của bố mẹ. 12. Bình tĩnh xử lý các tình huống phát sinh Hãy thử tưởng tượng các tình huống có thể phát sinh, chẳng hạn như : trẻ khóc lóc liên tục, trẻ bị nôn trớ liên tục, trẻ tỏ ra cáu kỉnh không chịu ăn, ngủ hoặc xe hết xăng, bị sự cố giữa đường, thời tiết thay đổi đột ngột,vv….Sau đó bố mẹ hãy nghĩ ra cách giải quyết trong mỗi tình huống cụ thể, điều này sẽ giúp bạn ứng xử bình tĩnh và linh hoạt khi vấn đề xảy ra trong thực tại. Hy vọng những lưu ý ở trên là những kiến thức hữu ích cho bố mẹ khi bạn chuẩn bị cho bé đi ô tô khách. Ô tô khách sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho bố mẹ và bé nếu bố mẹ có sự chuẩn bị chu đáo cho cả hành trình. Chúc cả gia đình có một chuyến đi vui vẻ và an toàn nhé! Xem thêm: Cùng bé đi tàu: Làm sao để trẻ không mệt mỏi, quấy khóc? Bí kíp đi máy bay cùng bé dưới 1 tuổi, bố mẹ nhất định phải biết