Tục xưa truyền lại, cứ vào dịp cuối năm, con cháu dù bận như thế nào cũng phải đi tạ mộ, để sửa sang lại mộ phần gia tiên hương hỏa và rước ông bà tổ tiên về ăn Tết với gia đình nhằm cầu mong một năm an lạc. Việc tạ mộ cuối năm hầu như nhà nào cũng làm, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách tạ sao cho đúng. Phân biệt Tạ mộ và Tảo mộ Từ trước tới nay có rất nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa hai phong tục: Tạ mộ và Tảo mộ. Tạ mộ Ngày 30 Tết, các gia đình thường ra mộ tổ tiên và người thân đã khuất để làm lễ tạ Thổ thần, đắp thêm đất lên mộ, sửa sang mộ, rước vong linh Gia tiên về đón năm mới. Gia ddình khi ra mộ lễ sẽ chuẩn bị lễ để cúng. Lễ này gọi là lễ Chạp. Những gia đình trong năm có người mất thì đến lễ Chạp nên tiến hành cẩn thận hơn những năm khác. Tảo mộ Nhân ngày Thanh minh, các gia đình Việt Nam đều có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ. Tiết Thanh minh diễn ra sau Tết Nguyên Đán, tiết Thanh Minh năm 2019 rơi vaò ngày mùng 8 tháng 5 dương lịch. Ngày đó ứng với ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch, tức ngày Ất Tỵ, tháng Kỷ Tỵ, năm Kỷ Hợi. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Thời gian tốt nhất để làm lễ Tạ mộ? Tuỳ theo phong tục từng nơi nên lễ Tạ mộ chỉ diễn ra mang tính chất gia đình nhỏ hoặc đi theo dòng họ. Tạ mộ theo dòng tộc thường quy định trong ngày giáp Tết để thân tộc cùng gặp mặt cuối năm tại nhà thờ họ để cúng lễ, dọn dẹp, trang hoàng,… đón Tết. Ngoài ra, thời gian làm lễ này thường vào ngày nghỉ để mọi người có mặt đông đủ hơn. Đối với gia đình, việc Tạ mộ thường sẽ được thực hiện sau lễ Táo quân chầu Trời tức là ngày 23 tháng Chạp, kéo dài tới 30 tháng Chạp âm lịch để kết hợp mời ông bà về ăn Tết vào trưa 30 Tết. Đây cũng là quãng thời gian dành cho những người quanh năm đi làm ăn xa trở về cố hương vào dịp Tết để Tạ mộ, sum họp với gia đình. Tạ mộ là cách để con cháu cảm ơn thần linh, thổ địa khu vực có mộ phần. Việc này tương tự như con cháu làm lễ tạ thần linh, thổ địa gia tiên, tiền chủ nơi gia đình đang sống vào dịp cuối năm. Ai không nên đi tạ mộ? Theo quan niệm dân gian, việc tạ mộ là điều cần thiết nhưng không phải ai cũng nên đi. Người muốn đi tạ mộ trước hết hãy chú ý tới tình trạng sức khỏe của mình. Những phụ nữ có thai, người ốm yếu, đau bệnh, phụ nữ đang kỳ “đèn đỏ”, trẻ em dưới 10 tuổi… không nên tới mộ phần, nghĩa trang. Bởi những đối tượng này rất dễ bị nhiễm âm khí, phong hàn, hoặc một số bệnh thời khí. Tạ mộ cần những lễ vật gì? Lễ tạ mộ truyền thống cần sắm lễ hoa quả đơn giản gồm: hương, nước, hoa tươi, trầu cau, hoa quả, thuốc lá, chè, rượu trắng (kèm chén đựng rượu 5 cái), nến cốc màu đỏ. Có thể dùng vàng mã, hoặc tùy vong linh mà dùng áo quần mã phù hợp để cúng tiến. Nhưng không nên dùng quá nhiều vàng mã. Văn khấn tạ mộ NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT! Con kính lạy: – Quan đương xứ thổ địa chính thần – Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần, – Tiền thần Chu Tước, Hậu thần Huyền Vũ, Tả thần Thanh Long, Hữu thần Bạch Hổ – Liệt vị Tôn thần cai quản ở xứ này. Con kính lạy vong linh ………. Hôm nay là ngày…tháng…năm…, nhằm tiết ….. Chúng con là:…………… Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ mộ phần. Nguyên có vong linh thân nhân của gia đình chúng con là:……….hiện phần mộ an táng ở nơi này. Đội ơn Chư vị Tôn thần che chở, ban ân, vong linh được yên ổn vui tươi nơi chín suối. Lại nhờ có duyên lành, gia đình chúng con được vong linh thường về ghé thăm, linh ứng giúp chỉ dẫn các công các việc được đầu xuôi đuôi lọt, nhờ thế toàn gia được an ninh khang thái, từng bước tiến bộ. Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mộ những mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức. Cúi mong vong linh chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ, tùy phương ứng biến, độ trì toàn gia, từ trẻ tới già, luôn được vui tươi, mạnh khỏe. Chúng con dâng biếu vong linh tài mã gồm : ….( đọc tên các đồ mã dâng cho vong) Âm dương cách trở, bát nước nén hương, giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám. Cẩn cáo. Những điều cần biết khi làm lễ Tạ mộ cuối năm - Không nên đi vào những nơi hẻo lánh để tránh nguy hiểm. Tốt nhất hãy đi theo lối mòn những người đi trước đã để lại. - Khi đi tạ mộ cần lưu ý không nên nô đùa, ngồi lên những ngôi mô vì đó là sự bất kính. - Khi đi tạ mộ cần nhẹ nhàng, cẩn thận. Bạn không nên làm lộn xộn và xới đất lung tung để tránh ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan xung quanh. - Mộ phần của tổ tiên cần phải được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi. Gia đình cũng đừng quên quét dọn cả phía sau mộ. - Khi tạ mộ, cần chú ý xem xét bốn phía của ngôi mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của của người đời sau. - Khi tạ mộ, không nên dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác. Gia đình có trẻ nhỏ nên chú ý trông chừng các bé cẩn thận. - Khi đi tạ mộ hãy lưu tâm đến tất cả các cụ trong dòng họ. Cũng cần lưu ý không nên chỉ thắp hương mỗi mộ nhà mình mà các ngôi mộ bên cạnh các cụ cũng nên “thăm hỏi”. Nếu có những ngôi mộ vô chủ cũng cần thắp cho “họ” nén hương. - Tạ mộ thường là khoảng thời gian người thân tụ tập lại với nhau, lúc này cần chú ý không nên chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ. - Mọi người cần lưu ý không nên ăn đồ cúng ở ngay tại nghĩa trang, mộ phần vì có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa, lạnh bụng, chưa kể đến vấn đề tần số tâm linh. - Người vừa đi tạ mộ khi về đến nhà nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc âm khí tránh để bám vào người và quần áo. Nhân dân ta vẫn có câu “sống cái nhà, chết cái mồ”. Tập tục tạ mộ những ngày cuối năm là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam ta. Điều quan trọng trong việc tạ mộ là thể hiện lòng quý kính, tưởng nhớ người đã khuất và nguyện làm những điều thiện lành, hồi hướng công đức cho họ. Bởi vậy, nghi lễ tạ cũng không cần làm quá linh đình, tốn kém. Hãy dùng cái tâm để làm lễ tạ mộ, cầu bình an, an lạc cho cả gia đình.