Mâm lễ cúng giao thừa gồm có những gì? là thắc mắc của những gia đình trẻ hiện nay, khi những nghi thức này dần bị phai nhạt đi vì lối sống ngày càng hiện đại. Để giúp bạn có thể chuẩn bị được những mâm cúng giao thừa tươm tất tiễn năm cũ, chào đón một năm mới may mắn và sung túc, bài viết hôm nay sẽ trình bày cặn kẽ việc chuẩn bị một mâm cúng giao thừa đầy đủ là như thế nào. Nguồn gốc ý nghĩa của lễ cúng giao thừa Lễ cúng giao thừa hay còn được gọi là lễ trừ tịch được thực hiện với ý nghĩa mong muốn tiễn đưa những điều xui xẻo không may của năm cũ để đón những điều tốt đẹp trong năm mới. Lễ cúng giao thừa được tiến hành vào giờ Tý đúng 12 giờ đêm ngày cuối cùng của năm (30 tháng Chạp hoặc 29 nếu năm thiếu). Lễ cúng Giao thừa có thể hiểu là một buổi tiệc để tống cựu nghinh tân, tiễn đưa những vị thần cũ và nghinh đón vị thần mới. Lễ cúng Giao thừa là một tập tục đẹp của người Việt thể hiện sự tri ân báo đức và bày tỏ mong ước được bình an, hạnh phúc và ấm no. Nên cúng giao thừa trong nhà hay ngoài trời? Dân gian cho rằng, mâm cúng giao thừa nếu được làm thành 2 mâm, một mâm cúng trong nhà và một mâm cúng ngoài sân là tốt nhất. Tuy nhiên, ngày nay, ít gia đình sử dụng hai mâm cúng giao thừa mà chủ yếu chỉ sử dụng mâm cúng giao thừa ngoài sân đối với những gia đình có khoảng sân hoặc mâm cúng giao thừa trong nhà đối với những gia đình không có sân nhà (nhà chung cư, khu tập thể, nhà lô phố không có sân). Mâm cúng giao thừa gồm những gì? Như đã nói ở trên, lễ cúng giao thừa gồm có 2 lễ đó là lễ cúng ngoài trời và lễ cúng trong nhà. Mỗi lễ cúng sẽ có mâm cỗ cúng giao thừa riêng. Mâm cúng Giao thừa ngoài trời Mâm lễ được sắp bày với lòng thành kính tiễn đưa người Nhà Trời đã cai quản mình năm cũ trở lại Thiên đình và đón người mới xuống sẽ làm nhiệm vụ cai quản Hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời gồm có gà trống tơ luộc (có những nơi dùng thủ lợn), bánh chưng, đèn hoặc nến, vàng mã, hoa tươi, trầu cau, rượu, trà và một chiếc mũ chuồn hàng mã. Lưu ý là tất cả các đồ cúng trong mâm cúng giao thừa cần phải được chuẩn bị đầy đủ và bê ra trước giờ giao thừa. Với lễ cúng giao thừa ngoài trời, mâm lễ chỉ nên đặt ở hướng Bắc hoặc là hướng Đông tùy theo từng gia đình. Sở dĩ như vậy vì hướng Bắc là hướng để cúng Thượng Đế còn hướng Đông để cúng Thiên Tử là vua. Mâm cúng Giao thừa trong nhà Cúng Giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới, nhằm cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình mình gặp những điều tốt lành trong năm mới sắp đến. Mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà tương tự như lễ cúng giao thừa ngoài trời, tuy nhiên sẽ bỏ mũ chuồn. Thường thì ở một số gia đình sẽ có thêm cả các món chè như chè hoa cau, chè kho,... để cúng giao thừa. Tùy theo mỗi vùng miền mà mâm cỗ cúng giao thừa cũng có những sự khác biệt riêng. Cỗ mặn: Bánh chưng; Giò - chả; Xôi gấc; Thịt gà; Xôi đậu xanh; Các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Cỗ ngọt và chay: Hương, hoa, đèn nến; Bánh kẹo; Mứt Tết; Rượu/bia và các loại đồ uống khác. Khi cúng Giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong nhà mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt. Trước khi khấn Tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết. Tìm hiểu về mâm cỗ cúng ở 3 miền Miền Bắc: Nhìn chung, mâm cỗ cúng Giao thừa của người miền Bắc khá đầy đủ và phong phú. Đặc biệt gà luộc với xôi đỗ xanh ít khi thiếu trong mâm cỗ mặn và gà cúng Giao thừa thường phải là gà trống. Miền Trung: Mâm cỗ cúng giao thừa của người miền Trung cũng không thể thiếu gà, bánh chưng và bánh nếp. Có nhiều gia đình làm đơn giản hơn là mâm xôi và gà luộc cùng những chén rượu để tiễn năm cũ qua đi, bỏ lại sau lưng những gì không may mắn và đón những thời khắc đầu tiên của năm mới với hy vọng về sự may mắn và sung túc. Miền Nam: Thời khắc Giao thừa, người miền Nam cúng ngoài sân và trong nhà. Lễ cúng đơn giản với đĩa ngũ quả, hoa trang hoặc vạn thọ, sống đời, hai cây đèn cầy, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn. Nhiều người cho biết, cúng Giao thừa ở miền Nam ngày nay đã lược bớt một số công đoạn cũng như giảm đi phần lễ. Nếu đầy đủ và “đúng chuẩn” thì mâm lễ mặn phải có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng, chè, đặc biệt kèm thêm bắp cải thảo… tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Lễ cúng giao thừa được cử hành vào thời khắc kết thúc năm cũ và chuyển sang năm mới. Đây được xem là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong văn hóa của người Việt từ xưa đến nay. Mâm cúng giao thừa được chuẩn bị đầy đủ chu toàn được xem như tấm lòng của gia chủ hướng đến tổ tiên. Với những chia sẻ cụ thể mà bài viết trên đây mang lại, thì chắc chắn vấn đề mà bạn đang thắc mắc về mâm lễ cúng giao thừa đã nhanh chóng được tháo gỡ rồi đấy nhé.