Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam xuất phát từ tấm lòng thành kính dâng lên Phật cũng như mong muốn những điều tốt đẹp đến với người thân. Dưới đây là một số lưu ý khi đi lễ chùa đầu năm bạn có thể tham khảo để cả năm được may mắn. Thành tâm hướng nguyện cầu bình an. Tục lệ đi chùa đầu năm Đối với người Việt Nam, lễ hội vốn là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Thế nhưng, cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết thì nhiều người Việt vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mọi giai tầng của xã hội. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Sự khác nhau trong văn hóa đi chùa 2 miền Nam - Bắc Cũng là lễ chùa đầu năm, nhưng cách thức và nghi lễ ở hai miền Nam - Bắc có những nét khác nhau. Đối với người miền Bắc, khi đi chùa đầu năm thường phải có đồ lễ, hoặc hương hoa. Đặc biệt, trong lời văn khấn của người miền Bắc thường có vần, có điệu, âm vực thì trầm bổng. Lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về làm lộc đầu năm. Mâm lễ của người miền Bắc khi đi lễ chùa đầu năm. Còn đối với người miền Nam, việc hành lễ đơn giản hơn, đầu năm đi lễ chùa thường không phải đem theo đồ lễ, nếu có cũng chỉ là hoa quả chứ không bao giờ có đồ mặn (xôi thịt) như người miền Bắc. Lời khấn cũng đơn giản, không câu nệ văn vẻ. Người lên chùa ước gì thì cầu đó, không nhất thiết phải dùng sớ bằng chữ nho. Cách khấn như thế người ta hay gọi là khấn nôm. Những lưu ý khi đi lễ chùa đầu năm 1. Cách sắm lễ vật khi đi chùa đầu năm mới – Chùa là nơi thanh tịnh nên khi sắm sửa lễ vật bạn phải chọn những lễ chay như hương, hoa quả tươi, oản, xôi chè và cấm kị lễ vật mặn như một số người thường mang lên chùa. – Dâng lễ mặn chỉ được áp dụng trong trường hợp đền chùa đó có các vị Thánh, Mẫu, Thành Hoàng,… Các vị này thường an tọa ở các khu ngoài chính điện. Lễ mặn có thể dâng gồm gà, giò, chả, rượu, trầu cau. – Đi chùa có thể chuẩn bị tiền giấy âm phủ và hương. Tiền “giọt dầu” hãy để vào hòm công đức, – Dâng hoa ở các đền chùa nên chọn các loại hoa thanh tao như hoa sen, hoa huệ, mẫu đơn, hoa cúc… Tránh dùng những loại hoa lạ, hoa dại. Một mâm quả lễ đơn giản nhưng bày trí đẹp mắt. 2. Trang phục Chùa là cõi thanh tịnh, nơi thờ Phật, do vậy khi vào chùa bạn nên mặc trang phục lịch sự, kín đáo, tránh mặc những trang phục hở hang, lòe loẹt. Các bạn nữ cũng không nên mặc váy, quần quá ngắn, gây phản cảm. Trang phục đi lễ cần lịch sự, kín đáo. 3. Nguyên tắc ra-vào chùa Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cổng tam quan. Cửa Trung quan (cửa chính giữa) chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này. Bạn cũng nên nhớ là không giẫm lên bậu cửa, phải bước qua bậu cửa. 4. Cách hành lễ khi đi chùa Hành lễ đi chùa cũng cần có phép tắc và thứ tự. Trước hết hãy đặt lễ vật lên và thắp hương ở chính điện trước. Lễ phật bằng ''tâm''. Sau khi đặt lễ và thắp hương ở chính điện thì đi đến các ban thờ khác để đặt lễ và dâng hương. Nếu đình chùa có nhà thờ Tổ, nhà Hậu thì cũng cần phải ghé qua. Cuối buổi lễ sau khi lễ tạ để hạ lễ thì nên đến trai giới hay phòng khách để thăm hỏi và trò chuyện với các nhà sư và công đức nếu có. 5. Cách khấn bái khi lễ chùa Khấn ở ban Tam Bảo Nam mô a di đà phật (3 lần 3 lạy) Đệ tử con nay thành tâm kính lạy mười phương chư Phật Hôm nay là ngày, tháng , năm. Đầu xuân năm mới, tín chủ con là… ngụ tại… Con thành tâm dâng lễ bạc cùng sớ trạng lên mười phương thường trụ Tam Bảo. Kính xin chư vị rủ lòng từ bi, phù hộ độ trì cho con được... (công danh, tài lộc, nhân duyên, sức khỏe)... Chúng con người trần phàm tục còn nhiều lỗi lầm, cúi mong Phật Thánh từ bi đại xá để cho con và gia đình được tai qua nạn khỏi, mọi sự bình an, sở cầu như ý. Tín chủ chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin phù hộ độ trì. Nam mô a di đà Phật (3 lần 3 lạy) Khấn bồ Tát, thánh hiền Tương tự như khấn ở Tam bảo chỉ cần thay ở đoạn “Đệ tử con nay thành tâm kính lạy mười phương chư Phật” thành ban bệ cần khấn. Ngoài ra, người dân có thể thành tâm khấn nôm theo ý hiểu của mình. Không nên mưu cầu quá nhiều về lợi lộc cá nhân. 6. Công đức Tất cả tiền đều nên đặt vào hòm công đức chính. Không nên đi "rải" tiền trên tất cả ban thờ hoặc đặt vào tay tượng. Hòm công đức nhà chùa. Một số lưu ý khác - Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa. - Không đứng lễ hoặc quỳ chính giữa Phật đường lễ Phật vì đó là vị trí tối cao của trụ trì. Chỉ đứng lễ hoặc quỳ chếch sang bên một chút. - Không tự ý lấy sử dụng hoặc mang bất kỳ loại đồ đạc gì của nhà chùa về làm của riêng. - Vào Phật đường và Tam Bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc. - Trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước Tam Bảo. Nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, nên đứng từ ngoài để quan sát. - Không sử dụng đồ của chùa như ăn uống, thụ lộc, nên lưu công đức, dù ít hay nhiều. - Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy. - Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Lễ chùa đầu năm, một phong tục đẹp cần giữ gìn. Đi lễ chùa đầu năm là một phong tục thiêng liêng, tốt lành là vậy nhưng nhiều năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều hình ảnh chưa đẹp. Và nếu như không có sự thay đổi trong nhận thức, thái độ đi chùa thì có lẽ chúng ta đang đánh mất dần đi nét đẹp truyền thống cũng như phần nào giảm bớt đi lòng thành với cửa Phật, với thánh thần tâm linh. Bởi vậy, khi đi chùa, mỗi người cần tuân thủ những điều lưu ý đã được chia sẻ ở trên, gìn giữ nét đẹp đi lễ chùa đầu năm cũng là chúng ta đang gìn giữ một nét truyền thống văn hóa dân tộc tốt đẹp.