Thông thường, ngày tất niên thường được tiến hành vào chiều ngày 30 Tết. Trong ngày này, các thành viên trong gia đình đều dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đầm ấm, thiêng liêng. Mâm cơm cúng tất niên cũng chính là mâm cơm sum họp của cả gia đình trong ngày 30 Tết. Bữa cơm này thật ra không cần cầu kỳ, mà chủ yếu là để thể hiện tấm lòng của gia chủ với thần linh và đất trời, cũng như sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Dưới đây là gợi ý thực đơn 9 món cho bữa cơm sum họp ngày 30 Tết đơn giản, dễ làm mà tròn vị cho các mẹ! Thực đơn 9 món cho bữa cơm sum họp ngày 30 Tết Món khai vị: Ngô chiên Ngô ngọt mua về rửa sạch, tách hạt. Cho ngô vào nồi nước luộc cùng chút gia vị đến khi sôi khoảng 2 phút thì tắt bếp. Đổ ngô ra rổ cho ráo nước. Nếu dùng ngô đông lạnh, mẹ chỉ cần mua về, rửa lại bằng nước rồi để ráo là được chứ không cần luộc lên nhé! Trộn bột năng với bột chiên giòn tỷ lệ 1:1. Trộn ngô với lòng trắng trứng, sau đó đổ bột vào trộn tiếp đến khi thấy các hạt khô không dính vào nhau. Cho dầu ăn vào chảo, chờ dầu sôi thì thả ngô vào chiên. Khi ngô vàng giòn thì vớt ngô ra rổ cho ráo dầu ăn rồi trộn cùng bơ. Món mặn: Chân giò chiên mắm, Thịt trâu xào rau răm, Bê hấp sả, Mực chiên Chân giò chiên mắm Chân giò làm sạch, ướp chân giò với muối, đường, ngũ vị hương, nước mắm. Ướp chân giò trong khoảng 20 phút cho ngấm rồi cho vào nồi luộc nhừ. Cho chân giò vào chảo chiên ngập dầu đến khi chân giò vàng giòn. Vớt chân giò ra đĩa đợi nguội thì thái miếng vừa ăn. Thịt trâu xào rau răm Ướp thịt trâu với chút hạt nêm và tỏi băm nhỏ trong khoảng 15 phút. Đổ thịt trâu vào chảo cùng ít dầu ăn, đảo đều tay đến khi thịt trâu không còn đỏ thì cho rau răm vào đảo thêm khoảng 1 phút rồi tắt bếp. Bê hấp sả Thịt bê rửa sạch, để ráo nước. Ướp thịt với nước mắm, gia vị, đường, để ít nhất 20 phút cho thịt ngấm gia vị. Đập dập 2 củ gừng, 2 củ sả xếp xuống đáy nồi. Để thịt bê lên trên gừng và sả, đổ thêm bia vào hấp đến khi thịt bê chín mềm, xiên thịt không còn thấy nước màu hồng chảy ra. Bày thịt bê hấp sả lên đĩa, chấm với nước tương gừng và ớt thái nhỏ. Mực chiên Rửa mực với nước có pha rượu trắng và gừng đập dập để mực sach và giòn ngon hơn. Cắt mực thành từng khoanh vừa ăn. Ướp mực với hạt nêm, hạt tiêu và dầu ăn trong 15 phút. Nhúng mực qua trứng đánh tan, sau đó lăn mực qua bột chiên giòn để bột chiên giòn phủ kín miếng mực. Cho mực vào chảo chiên ngập dầu đến khi vàng giòn thì vớt mực ra giấy thấm dầu. Món nếp: Bánh chưng và Xôi gấc Bánh chưng Ngày Tết chắc hẳn trong nhà nào cũng có sẵn vài cặp bánh chưng rồi. Mẹ chỉ cần bóc bánh ra, dùng lạt cắt thành 8 miếng rồi bày lên đĩa là xong. Xôi gấc Gạo nếp ngâm từ 6 – 8 tiếng với một chút muối. Thịt gấc trộn với rượu trắng bóp tách hạt. Ngâm gạo xong xả gạo với nước cho sạch rồi đổ ra rá cho ráo nước. Trộn gạo với gấc cho đều. Đổ gạo vào đồ gần chín thì cho đường và mỡ gà vào đảo đều, đồ thêm cho xôi mềm dẻo. Cuối cùng, cho xôi vào khuôn đóng thành hình hoa cho đẹp. Món rau: Rau su su xào và Nộm thập cẩm Rau su su xào Ngọn su su tước sạch vỏ, bẻ ngắn khoảng 4 – 5 cm, rửa sạch để ráo. Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ. Đổ dầu ăn vào chảo, cho ½ lượng tỏi băm vào phi thơm, sau đó cho rau vào chảo đảo đều. Tiếp theo, mẹ thêm hạt nêm vào chảo đảo đều cho vừa ăn, khi ngon su su gần chín, cho nốt phần tỏi băm vào đảo cho có mùi thơm và xào đến lúc ngọn su su chín là xong nhé! Nộm thập cẩm Đu đủ, su hào, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, bào sợi rồi ngâm với nước muối trong khoảng 15 phút sau đó vớt ra bóp nhẹ cho ráo nước. Pha nước trộn nộm theo tỉ lệ: 1 nước mắm : 2 đường : 1 dấm : 1 nước cốt chanh thêm tỏi ớt băm nhỏ tạo thành hỗn hợp có độ chua cay mặn ngọt phù hợp. (Tỷ lệ này có thể thay đổi tùy theo khẩu vị của mỗi người). Đổ nước trộn nộm vào hỗn hợp rau củ bào sợi, thêm rau thơm thái nhỏ trộn đều. Khi ăn bày nộm ra đĩa, thêm bò khô và lạc rang đập dập bên trên. Món canh: Canh bóng nấu thả Xương ống cho vào nồi nước đun sôi, rồi rửa lại với nước. Xào xương ống với ít gia vị và nước mắm, rồi đổ nước vào ninh nhừ. Trong quá trình ninh xương, hớt bọt nổi lên trên và đậy hở vung nồi để nước dùng được trong hơn. Ngâm bóng bì cho mềm ra rồi rửa sạch, cắt chéo bóng thành các miếng hình quả trám khoảng 4 cm. Gừng cạo vỏ, băm nhỏ, cho gừng và chút rượu trắng vào âu bóng, bóp nhẹ rồi rửa lại với nước. Tôm khô ngâm mềm, rửa sạch trước khi cho vào nấu. Nấm cắt bỏ chân, rửa sạch. Giò sống cho thêm một chút tiêu cho thơm, nặn viên tròn. Đậu Hà lan nhặt bỏ xơ. Các loại cà rốt, su hào gọt bỏ vỏ, tỉa thành hình hoa, thái mỏng. Súp lơ xanh chẻ dọc thân thành từng miếng nhỏ, rửa sạch. Đun lại nồi nước dùng cho sôi, vớt xương ra bát rồi thả giò sống vào đun, khi những miếng giò chín nổi lên thì vớt ra. Sau đó, cho lần lượt tôm, đậu hà lan, súp lơ, cà rốt, su hào vào nồi đun sôi để rau củ chín. Cuối cùng cho bóng vào nồi, nêm thêm chút gia vị cho vừa ăn. Vớt hết các loại rau củ, giò, bóng bì ra bát trước, tránh để trong nồi nước nóng lâu sẽ bị chín quá. Khi nào ăn mới đổ nước dùng vào. *** Với thực đơn không cầu kỳ mà vẫn đủ món đầy mâm như trên, hy vọng các mẹ sẽ có một bữa cơm sum họp thật đầm ấm bên gia đình thân yêu của mình nhé!