Những ngày mùa xuân mưa giăng giăng, gió nhẹ nhẹ, cảnh sắc thiên nhiên tươi sáng, cây hoa đâm chồi nẩy lộc, cũng là mùa của những lễ hội vui tươi, trải dài từ Bắc vào Nam. Ở những vùng miền khác nhau, thì có những lễ hội và phong tục tập quán khác nhau. Hãy cùng Mamibuy điểm danh những lễ hội không thể bỏ qua sau Tết của 3 miền Bắc – Trung – Nam nhé! Miền Bắc: Lễ hội Chùa Hương: Đây là lễ hội nổi tiếng, thu hút đông đảo sự quan tâm nhất, và kéo dài nhất trong các lễ hội xuân ở miền Bắc. Hội Chùa Hương kéo dài từ mồng 6 Tết đến hết tháng 3 âm lịch. Trong đó cao điểm nhất là vào giai đoạn từ rằm tháng Giêng đến 18/2 âm lịch. Hội chùa Hương trước hết được xem như hành trình trở về cõi Phật, tìm kiếm sự linh thiêng nhiệm màu trong những quần thể kiến trúc chùa - hang động - núi rừng. Tham gia lễ hội Chùa Hương chính là dịp để bé hòa mình vào thiên nhiên, sông nước, và tìm hiểu nét văn hóa về hành trình trở về cõi Phật của lễ hội được coi là lớn bậc nhất ở miền Bắc. Lễ hội Yên Tử: Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 âm lịch người dân lại nô nức về Quảng Ninh để trẩy hội Yên Tử. Núi Yên tử cao hơn 1.000 m, được coi là đất tổ Phật giáo Việt Nam. Hiện nơi đây đã có 2 hệ thống cáp treo, giúp rút ngắn thời gian hành hương tới chùa Đồng trên đỉnh núi. Ngoài những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, biểu diễn các tiệt mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… sẽ có thêm nhiều hoạt động mới hấp dẫn. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh… thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến quanh năm. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở và mùa lễ hội thường rất đông người, bố mẹ hãy chú ý khi cho các bé đi cùng nhé. Hội Lim: Đến hẹn lại lên, hàng năm từ ngày 12 – 14 tháng Giêng, du khách bốn phương nô nức về huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để trẩy hội Lim – một trong những lễ hội độc đáo ở miền Bắc. Hội Lim là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc với những hoạt động lễ hội phong phú, hội đủ những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của mảnh đất của nhiều lễ hội dân gian. Trong ngày này, các liền anh liền chị có cơ hội được giao lưu hát giao duyên, thể hiện giọng ca quan họ truyền thống ở Bắc Ninh. Ngoài ra, trong ngày lễ còn có nhiều trò chơi dân gian như: đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm, thi cờ người… Liền anh liền chị giao duyên quan họ trên thuyền ở Hội Lim Bố mẹ có thể cùng bé đi Hội Lim để tìm hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc, với những câu quan họ ngọt ngào, những trò chơi dân gian phong phú. Đây cũng là cơ hội để bé và gia đình có thể tận hưởng một mùa lễ hội dân gian thật vui vẻ và mới mẻ. Hội Cổ Loa: Để cho bé tiếp xúc với thực tế trong câu chuyện lịch sử đã được biết đến, để tưởng nhớ và suy tôn Thục Phán An Dương Vương đã có công xây thành, bố mẹ có thể cùng con đi hội Cổ Loa, được diễn ra từ mồng 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch tại đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sáng 6 Tết, hội mở đầu bằng đám rước Văn với 5 lá cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu Long đình, có lọng, tàn che. Sau đám rước Văn là màn tế lễ diễn ra quá giờ ngọ (12 giờ trưa). Tiếp theo là đám rước thần của 12 xóm. Ngoài ra trong lễ hội còn có nhiều trò chơi khác nhau: chơi đu, thổi cơm thi, hát trù, hát chèo.. .Hội Cổ Loa kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tế tạ trời đất, kết thúc lễ hội. Hội Gióng: Không có gì xa lạ với các bé về câu chuyện Thánh Gióng sau khi đánh đuổi giặc Ân, cùng ngựa sắt bay về trời, lễ hội này được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến vị anh hùng thiếu niên này của dân tộc ta. Trong lễ hội có những nghi thức độc đáo như: Lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội tịch điền Đọi Sơn – Hà Nam: Diễn ra trong khoảng mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội, có lịch sử diễn ra từ thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành và được khôi phục sau nhiều năm thất truyền kể từ năm 2009. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Có rất nhiều các lễ khác nhau trải dài trong 3 ngày: lễ cáo yết Thành Hoàng, lễ rước nước lên chùa Đọi; lễ sái tịnh, hội thi vẽ và trang trí trâu, lễ rước kiệu đón vua, lễ tịch điền... Phần hội ngày nay được tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm, bán hàng lưu niệm; tổ chức giải vật Tịch điền Đọi Sơn và một số trò chơi dân gian, vui chơi giải trí.. Hội thi vẽ và trang trí trâu tại lễ hội Đọi Sơn Bố mẹ có thể cùng bé tìm hiểu những vẻ đẹp của một vùng nông thôn vùng chiêm chũng, với hình ảnh quen thuộc về con trâu, cái cày. Bé sẽ thật thích thú với những điều thường chỉ xuất hiện trong sách vở, mà xa vời với thực tế hàng ngày của bé. Giỗ tổ Hùng Vương: Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng không nên bỏ qua, được tổ chức kéo dài 6 ngày từ ngày mùng 5 đến ngày 10/3 âm lịch. Lễ hội là dịp tưởng nhớ lòng biết ơn công lao to lớn của các vua Hùng đã có công dựng nước. Nghi lễ bao gồm hai phần chính là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: hát xoan, thi đấu vật, thi bơi, thi kéo co… Cả gia đình có thể tận hưởng một ngày để hướng về nguồn cội, để dạy bé về ý nghĩa lịch sử từ thuở "các vua Hùng đã có công dựng nước". Đây sẽ là một chuyến du xuân thật ý nghĩa và nhiều kiến thức mở mang đối với bé! Những ngày đầu xuân, dải đất Miền Trung và vùng Nam Bộ cũng diễn ra rất nhiều lễ hội đặc sắc, mang không khí vui tươi Lễ hội Đền Vua Mai – Nghệ An: Những ngày đầu xuân (từ mùng 3 đến mùng 5 Tết), du khách thập phương lại về Nam Đàn tham dự lễ hội đền Vua Mai - lễ hội tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái (huyện Nam Đàn, Nghệ An) Về với lễ hội Đền Vua Mai, bố mẹ và bé sẽ được hòa mình trong những hoạt động mang đậm bản sắc vùng đất “địa linh nhân kiệt” như: Lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ rước, lễ đại tế, lễ tạ lễ thả đèn hoa đăng… Phần hội gồm nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh thần thượng võ, đoàn kết như: đua thuyền, đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đẩy gậy, thi đấu bóng chuyền, bóng đá. Nhân dân các địa phương của huyện Nam Đàn tổ chức hội thi làm “Cỗ xôi gà” tươm tất để dâng lên Vua Mai và các nghĩa quân; tổ chức cắm trại tại khu lăng Vua Mai, tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng với chủ đề ca ngợi công đức Vua Mai, ca ngợi quê hương đất nước. Đến với Lễ hội Đền Vua Mai là dịp để bố mẹ nhen nhóm vào bé về một khí thế hào hùng, tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đánh bại quân xâm lược nhà Đường, xây dựng nước Vạn An độc lập trong suốt 10 năm (từ năm 713 đến năm 722) và nhất là để trẻ tăng thêm niềm tự hào, lòng yêu đất nước và những giá trị cổ truyền. Lễ hội Cầu ngư – Huế: Đây là lễ hội của nhân dân làng Thái Dương hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành. Thường cứ ba năm một lần, làng tổ chức đại lễ rất linh đình, có tổ chức các trò mô tả những sinh hoạt của nghề đánh cá, trong đó có “bủa lưới” mang ý nghĩa trình nghề, khắc họa đậm nét ghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển. Đây là cơ hội để bé có thể tìm hiểu về phong tục tập quán của cư dân vùng biển, những sinh hoạt thường ngày, về đời sống của ngư dân chài lưới. Bé sẽ có một cái nhìn thật phong phú, và trân trọng lao động, thông qua những hoạt động được tái hiện lại trong lễ hội. Lễ hội Vía Bà – Bình Định: Một lễ hội dành cho những bé có niềm yêu thích võ thuật, hoặc nghe hát tuồng, lễ hội Vía Bà khai hội từ ngày 17 tháng Giêng hằng năm. Ngoài phần tế lễ, dâng hương, còn có phần trình diễn đội rồng, đội lân trực khai phần xướng hát lễ. Phần hội diễn ra sôi nổi với biểu diễn võ thuật của Câu lạc bộ võ cổ truyền thị xã An Nhơn, các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, đập ấm, nhảy bao bố, chạy việt dã, thi đấu bóng chuyền và xem hát tuồng. Hát tuồng trong lễ hội Vía Bà - Bình Định Cả gia đình hãy cùng nhau trải qua không khí thật hào sảng và thú vị ở đây nhé! Lễ hội Đống Đa – Bình Định: Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn là dịp tưởng nhớ công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Lễ hội diễn ra từ mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ngoài kiến thức lịch sử mà bé có thể thu nhận được, đây là dịp để bé có thể tham gia những trò chơi đậm chất dân gian, nghe hát tuồng và trổ tài võ thuật. Lễ hội miếu Bà chúa xứ núi Sam, An Giang Đây được xem là lễ hội lớn nhất trong những lễ hội sau Tết ở miền Nam, diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27/4 Âm lịch tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Phần lễ gồm 5 nghi lễ truyền thống là lễ tắm bà, lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu bà, lễ túc yết, lễ xây chầu và lễ chánh tế. Ngoài phần lễ, nơi đây còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ hấp dẫn như biểu diễn lân sư rồng, hát bội, nghệ thuật dân ca Khmer để phục vụ người dân nơi đây và du khách thập phương. Bố mẹ và bé có thể cùng nhau vãn cảnh miếu Bà, và cùng cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cả gia đình trong năm mới! Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Phú Yên Là một lễ hội cực kỳ thú vị, đặc biệt là với những em bé yêu môn thể thao đua ngựa. Những điều tưởng chừng thường diễn ra trên phim ảnh, TV, thì nay bé sẽ được tận mắt chứng kiến những màn đua ngựa ngoạn mục của những người kỵ sĩ nông dân chân chất, và không khí cổ vũ thực sự rất sôi nổi của hàng nghìn khán giảLễ hội được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng, tại Gò Thì Thùng, xã An Xuân, huyện Tuy An. Bố mẹ có thể cùng bé tham gia một lễ hội thật đặc sắc và vui vẻ này nhé! ***** Còn gì tuyệt vời hơn một mùa xuân được ở cạnh gia đình, cùng bé khám phá những vùng đất mới, và tìm hiểu về những lễ hội truyền thống thật nhiều màu sắc và di tích lịch sử. Với những thông tin trên đây, hi vọng gia đình sẽ có lựa chọn riêng cho mình để tham gia một vài lễ hội đặc sắc và phù hợp với sở thích và điều kiện của mình nhé!