Một trong những khủng hoảng lớn nhất mà các mẹ phải đối mặt sau Tết đó chính là con bị rối loạn tiêu hóa và biếng ăn. Vậy, cần làm gì để xử lý vấn đề này? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa và biếng ăn ở trẻ dịp Tết Tết là dịp bố mẹ dường như “dễ dãi” nhất đối với bé khi con được thỏa thuê lựa chọn những thứ mình thích trong hộp mứt kẹo để ăn. Bố mẹ cũng bận rộn với việc đi thăm hỏi họ hàng, chúc Tết cũng “thỏa hiệp” với việc ăn uống của bé, chính vì thế, hiện tượng rối loạn tiêu hóa và biếng ăn thường xảy ra ở trẻ vào dịp Tết. Mùa xuân cũng là mùa các virus, vi khuẩn gặp điều kiện nóng ẩm dễ sinh sôi. Trẻ thường xuyên đi chơi, tiếp xúc với nhiều không gian khác nhau, khi sức đề kháng kém, có thể nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài. Biều hiện của rối loạn tiêu hóa và biếng ăn ở trẻ 1. Rối loạn tiêu hóa - Rối loạn đại tiện: Trẻ có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy nhiều lần trong ngày và kéo dài trong vài ngày - Đau bụng: Triệu chứng này có thể xuất hiện với các cơn đau hình thái, mức độ khác nhau, từ đau nhẹ, tới quằn quại hoặc đau như dao cắt. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng bụng dưới bên trái, đôi khi cũng có thể đau ở các vị trí khác. - Đầy hơi: Do sự lên men của vi sinh vật hoặc rối loạn chuyển hóa tinh bột trong hệ tiêu hóa, trẻ em có thể gặp phải triệu chứng đầy hơi, kèm theo sình bụng, bụng căng to. Đây là triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa. - Trẻ cũng có thể xuất hiện các biểu hiện như ợ chua, đắng, hôi miệng, buồn nôn, nôn mửa… 2. Biếng ăn: - Trẻ ăn rất ít - Bé chỉ ăn một số loại thức ăn nhất định - Bé ít quan tâm tới thức ăn, không muốn thử các thức ăn mới - Trẻ ăn rất ít rau và các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác - Bé thường phá quấy trong giờ ăn Xử lý tình trạng rối loạn tiêu hóa và biếng ăn ở trẻ sau Tết 1. Rối loạn tiêu hóa Vấn đề rối loạn tiêu hóa xảy ra vào thời gian Tết khiến nhiều bậc bố mẹ vừa lo lắng, vừa băn khoăn không biết phải làm gì. Khi trẻ có một trong những dấu hiệu như: tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn chớ, chán ăn… mẹ nên thực hiện một số điều dưới đây: - Cho trẻ ăn đồ dễ tiêu như: cháo, bột…chia nhỏ ra các bữa trong ngày - Ăn đủ lượng rau xanh, hoa quả để bổ sung lượng chất xơ và vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ - Cho trẻ uống nước hoặc bổ sung nước điện giải khi trẻ bị tiêu chảy - Tăng cường bổ sung chất xơ, hoa quả với những trẻ bị táo bón - Không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đồ nhiều dầu mỡ - Vệ sinh môi trường sống của trẻ thường xuyên, đặc biệt những đồ đạc trẻ hay, tiếp xúc như: đồ chơi, giường, bàn ghế…tránh vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể trẻ. - Nếu bố mẹ cảm thấy tình trạng của bé đáng lo ngại, cần cho bé đi gặp bác sĩ để được bổ sung men vi sinh để cân bằng hệ vi khuẩn có lợi của đường ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động bình thường. 2. Biếng ăn ở trẻ Để giải quyết hậu quả của sự “dễ dãi” cho các nguyên tắc ăn uống của con trong Tết, bố mẹ có thể lưu ý các điểm sau: - Thay đổi món ăn phù hợp với khẩu vị của con - Hạn chế tình trạng ăn vặt trước giờ ăn của con. Thông thường, trẻ cần từ 2 đến 4 tiếng để tiêu hóa lượng thức ăn của bữa trước (thời gian tiêu hóa tùy thuộc loại thức ăn bé ăn là hoa quả, sữa hay chất đạm, tinh bột…) - Thiết lập lại qui tắc bàn ăn, không ép con ăn để tránh tình trạng con sợ ăn - Tuyệt đối không dùng tivi, điện thoại thông minh hay máy tính bảng để dỗ con ăn Thông thường, tùy từng bé, giai đoạn biếng ăn có thể kéo dài từ 1 – 2 tuần cho đến hơn 1 tháng. Bố mẹ cần rất kiên nhẫn với bé! Để đỡ vất vả khi giải quyết các vấn đề rối loạn tiêu hóa và biếng ăn sau Tết, mẹ nên lưu ý cho con sinh hoạt theo lịch thông thường, đảm bảo ăn ngủ đúng giờ, hạn chế bánh kẹo, đồ uống có gas; bổ sung đủ dinh dưỡng cho bé; thay đổi khẩu vị cho con và tăng cường vận động mỗi ngày. Mong rằng, qua bài viết này, các mẹ sẽ bớt khủng hoảng về tình trạng rối loạn tiêu hóa và biếng ăn của con sau Tết nhé!