Hôm rồi gặp một gia đình cho con đi khám vì lo con phát triển không bình thường. Đứa trẻ vài tuổi, nhìn dễ thương, mắt nhìn lơ đãng, nói năng luyên thuyên. Người ở xa nhìn vào thấy một đứa trẻ lanh, năng động, thoăn thoắt cái miệng. Người ngồi kế bên nghe hoài chẳng hiểu cái mô tê gì, nghe âm vực rất giống tiếng Nga, hoàn toàn không phải tiếng Việt Nam. Đứa trẻ liếng thoắng, miệng phát âm như có vẻ thuần thục ngôn từ, nhưng nghe phát âm liên tục, không ngừng nghỉ, thì biết thật ra có tiếng mà chắc không “có miếng”. Cô bác sĩ hỏi ba mẹ, con có phải xem kênh youtube tiếng Nga nhiều lắm đúng không. Thì ra là đúng! Bé xem nhiều thành nghiện, đi học xong về nhà là tìm ipad để vào youtube để xem. Không xem được, hoặc ipad hư, thì em vật vã, la hét, không xem không được. Em tương tác với ba mẹ bằng youtube. Kêu ba mẹ nhảy múa chung theo clip trên youtube. Nhìn quảng cáo trên youtube để chỉ ba chỉ mẹ đòi mua. Ra siêu thị thấy sản phẩm quảng cáo đã thấy trên youtube, ba mẹ không mua thì nằm vật vã đến khi mua xong ba mẹ mới yên thân chở bé đi về! Đứa trẻ con đó, sống với ba với mẹ, biết kêu mẹ cho ăn khi đói, biết nhờ ba khi cần thay đồ, đi toilet, nhưng thế giới của con là youtube và những nhân vật trên màn ảnh, với một hoặc nhiều thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của mình. Ba mẹ gia đình thật trở nên thừa thãi và chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ con sống thật theo youtube! Thật rất đau lòng! Cô bác sĩ hỏi ba mẹ, giờ cô yêu cầu ba mẹ giục cái ipad đi, bán nó đi, không cho con xem màn hình nữa, tivi không, smart phone không, ipad không. Ba mẹ có làm được không? Ba thảng thốt trả lời. “thưa cô KHÔNG ĐƯỢC”, “tội nghiệp nó lắm”! Thật còn đau lòng hơn rất nhiều lần! Người làm cha mẹ, vì xót con, mà quên mất mình mới phải chính là thế giới của con! Cô hỏi cả nhà, giờ nó như thế này, tội nghiệp nó lắm không? Ba mẹ sống với một đứa con như thế, có tội nghiệp bản thân không? Giờ nhà chỉ muốn cô nói bé bất thường thôi….và không làm gì cả, và thật sự vui khi con như thế này sao? Thương và Ác với con, thật sự quá nhập nhằng! Thương và Ác với bản thân, thật sự quá mơ hồ! Và đây không phải là trường hợp duy nhất mà cô gặp phải! Có những đứa trẻ, nói a ơ tiếng anh tiếng tây, bị hút hồn vào cái màn hình phẳng, chỉ quen tương tác một chiều bởi những công cụ “thông minh” này, và bị thay đổi phát triển ngôn ngữ, thay đổi nhu cầu phát triển tương tác xã hội, chưa kể bị mất ngủ, bị mất tập trung, bị tước đi nhu cầu tương tác bình thường với gia đình và xã hội, chỉ vì những màn hình vô tri nhưng nhiều cám dỗ này! Gia đình làm ơn thức tỉnh! Nên cứu con ra khỏi sự lệ thuộc quá nguy hiểm như thế này! Và cứu mình vì nếu con bạn có vấn đề gì, ai sẽ là người sống chung với “nó”?! Cho một chẩn đoán rất dễ! Nhưng thay đổi thói quen và nghiện ngập của một con người, rất khó! Thay đổi người lớn, để người nhỏ tốt hơn, lại còn khó vạn lần! Mong tỉnh táo yêu thương! (Nguồn: Bs Huyên Thảo)