Rằm tháng Giêng là ngày lễ lớn linh thiêng trong phong tục của người Việt Nam ta. Dưới đây là một vài lưu ý theo quan niệm của ông cha ta ngày xưa trong ngày Rằm tháng Giêng mọi người nên biết để có một năm thuận lợi, tránh được vận hạn, tốt cho vận khí của bạn và gia đình. Dọn dẹp ban thờ Khi dọn dẹp ban thờ lưu ý không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin thần linh thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng. Điều này theo phong tục dân gian lý giải để tránh động ban thờ, tránh để thần linh quở phạt. Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Khi làm vệ sinh, nếu có bài vị của thần Phật thì lau trước, sau đó đổ nước mới để lau bài vị của tổ tiên, tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước. Người xưa quan niệm như vậy là bất kính, mạo phạm với thần Phật. Đặt đồ cúng, đồ lễ Nhiều gia đình làm cả hai lễ: Lễ chay lễ Phật và lễ mặn để lễ thần linh, tổ tiên. Nếu gia đình nào làm hai lễ thì phải để riêng. Hoa quả có thể để ở ban trên, còn đồ cúng mặn thì nên kê thêm bàn để ở dưới sau đó thắp hương.Tuyệt đối không để chung đồ lễ mặn, chay, hoa quả trên ban thờ, hoặc dùng lẫn lộn đồ cúng. Mâm cúng vừa phải, thể hiện lòng thành Không phải cứ mâm cỗ cúng thật nhiều của ngon vật lạ là sẽ được phúc đức, nhiều lộc và may mắn cả năm. Ngoài ra nhiều gia đình bày mâm cỗ cúng rằm sum xuê hoa quả vì cho rằng một mâm cúng giúp mang lại lộc lá cho mỗi gia đình vào dịp này, đây là những suy nghĩ sai lầm. Mâm cúng rằm tháng Giêng chỉ cần vừa phải, tùy theo gia đình hoàn cảnh để mà sắm sanh lễ nghi thích hợp, điều quan trọng là sự thành tâm của gia chủ. Không dùng hoa giả Nên mua hoa tươi để dâng ban thờ, tuyệt đối không dùng hoa quả giả, hoa để dâng ban thờ thường là hoa cúc vàng, cúc vạn thọ, huệ trắng. Nên sử dụng đồ mới để cúng Các đồ dùng để đựng các lễ cúng mặn như bát, đĩa, đũa, thìa... nếu có thể thì gia chủ nên sử dụng những đồ mới, riêng biệt. Không nên dùng những đồ dùng đã dùng chung, sẵn với các việc khác trong gia đình. Bởi, đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp. Tuy nhiên đó là với gia đình có điều kiện, còn không thì chỉ cần đồ dùng sạch sẽ nguyên vẹn không sứt mẻ thì có thể dùng để đặt đồ cúng. Thắp hương sao cho đúng? Khi thắp hương, người ta thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Do đó, có thể thắp 1, 3, 5, 7 hoặc 9 nén hương trên mỗi bát hương. Tuy nhiên, tùy không gian thờ cúng, nếu nhà chật, các chuyên gia phong thủy khuyên nên thắp 3 nén cho bát hương thờ Phật, những bát hương còn lại thắp 1 nén để khói hương không gây ngột ngạt và phòng tránh hỏa hoạn. Chú ý khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm... Khi khấn cần phải liền mạch, thành tâm cúng bái nhằm thể hiện sự tôn trọng với các vị Phật, thần linh, tổ tiên, ông bà. Những lưu ý khác: Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng nên theo quan niệm dân gian, có một số kiêng kỵ mọi người nên biết để có một năm thuận lợi, nếu tránh được sẽ tốt cho vận khí của bạn và gia đình. - Tránh làm vỡ, làm hỏng đồ đạc trong nhà, bởi vì điều đó đồng nghĩa với việc năm tới tài phúc hao tổn. - Kiêng đi đến những nơi âm khí nặng như mồ mả, nơi hoang vu hoặc bệnh viện, nhất là những người sức khỏe yếu kém. - Tránh mang nhiều tiền bạc, đồ vật có giá trị bên người. Nếu mất mát tài sản vào ngày này thì năm nay tài vận của bạn sẽ kém đi. - Kiêng cho người khác mượn tiền, nếu bạn cho mượn nghĩa là bạn cũng cho đi tài khí của mình. - Không để thùng gạo trong nhà lộ đáy, thùng gạo trống rỗng chẳng khác gì nhà bạn sẽ đói kém cả năm. - Ngày này không nên sát sinh, nếu không tài vận suy giảm, gặp tai nạn, bệnh tật. - Kiêng quan hệ nam nữ: Trong ngày Tết, mùng 1, ngày rằm, người phương Đông có quan niệm kiêng khem, tránh việc gần gũi nam nữ. Bởi lẽ, theo quan niệm cổ xưa, việc quan hệ nam nữ vào những ngày này sẽ dẫn đến những điều vận hạn đen đủi, không may mắn, thậm chí là đại hạn. - Kiêng câu cá vào ngày này vì theo quan niệm tâm linh của người Việt, hành động câu cá vào ngày rằm sẽ mang lại cho người đó vận hạn đen đủi. - Kiêng nói bậy, chửi tục, nếu không sẽ gặp chuyện thị phi. Đã từ lâu, cúng Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu) đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà dân gian ta có câu: “Cúng quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Các gia đình cần ghi nhớ những lưu ý quan trọng nêu trên để có một lễ cúng chu toàn, cầu mong cho một năm mới phát tài phát lộc, vạn sự như ý, cầu an, cầu tài, cầu danh, cầu lộc.