Thực sự càng ngày càng cảm thấy không khí ở Việt Nam ô nhiễm quá, đi ra ngoài thì bụi mù, cây xanh thì đang bị chặt đi gần hết. Có người bạn nước ngoài của mình tới Hà Nội chơi dịp tết thấy bầu trời đục đục, mình bảo đó là "sương mù", nhưng đến chiều thì trời vẫn đục, sương mù hay bụi trà trộn vào nhau thì cũng không biết được nữa. Cháu mình đã bị hen, nhà lúc nào cũng bật máy lọc không khí. Hôm qua mình đọc được bài này của tác giả Nguyễn Hà Hùng, được rất nhiều người share trên Facebook, xin chia sẻ cho tất cả các mami cùng đọc: Người Việt Nam, những bậc là cha, là chú, đang mắc tội lớn. Khác với người Thái Lan, chúng ta đang để mặc con cháu sống trong không khí độc hại. Gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ở Hà Nội được cảnh báo là cực kỳ nguy hại, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ. Hầu hết các loại khẩu trang không ngăn chặn được. Mặc cho con trẻ sống trong môi trường như vậy, chẳng khác gì thả cá chép xuống ao nhiễm độc, chúng sẽ đau ốm và/hoặc sẽ chết sớm. Cùng khoảng thời gian này, người Thái cũng đối mặt với ô nhiễm môi trường, dù mức độ thấp hơn, nhưng họ phản ứng tích cực hơn chúng ta. Đáng buồn, những người Việt được cho là đã trưởng thành, chẳng làm gì đáng kể để bảo vệ trẻ em. Họ để mặc tình trạng thiếu thông tin, không đòi hỏi, nhà nước thiếu hành động tương xứng. Hãy so sánh cách đối mặt, cách giải quyết vấn đề của người Thái Lan và người Việt Nam. Người Thái có nhiều thông tin hơn chúng ta. Bangkok Post, The Nation và Thai PBS World đăng tới 207 bài. Hà Nội Mới, VnExpress và Dân Trí chỉ 17 bài (1) Trong khi báo chí Thái Lan cảnh báo người dân và nhà chức trách, đề cập trực tiếp về ô nhiễm, nguyên nhân, hậu quả cũng như yêu cầu chính phủ hành động, thì báo chí Việt Nam rất khác biệt. VnExpress đăng tựa “Bụi siêu nhỏ trong không khí Hà Nội có lúc chạm ngưỡng nguy hại”. “Có lúc” nghĩa là thi thoảng thôi, cơ bản vẫn tốt chán. Sáu bài còn lại của báo này, bốn bài nói về ô nhiễm ở các nước khác. Đặc biệt, “Người Bangkok ho ra máu vì ô nhiễm không khí trầm trọng”; “Dân Thái Lan lấy áo ngực, quần lót che miệng vì ô nhiễm” được báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tải. Không rõ thông tin này có ích cho ai. Trong khi báo Thái kiến nghị, “Mười điều chính phủ phải làm để chế ngự khói bụi”, hoặc “Chính phủ phải hành động”(2), báo Việt Nam đến nay không có bài tương tự. Trong lúc chờ đợi, hãy xem người đọc phản ứng ra sao. Bạn đọc Thái, bình luận rất tập trung, số lượng gấp nhiều lần so với bạn đọc Việt Nam. Phản biện của danh khoản dksharon được nhiều người ủng hộ nhất, liên quan đến nội dung trên Bangkok Post cho rằng nguyên nhân khói bụi một phần do nông dân Campuchia đốt rác ngoài trời. Bạn này nói, đại ý, nếu đúng vậy thì tại sao các thành phố giữa Bangkok và Cambodia không ô nhiễm? Danh khoản mrexpat nói, “đây là vấn đề của người Thái, độc tài thường đổ lỗi cho người khác”(3). Còn nhiều ý kiến nữa, nhưng bài viết này không cho phép dài dòng. Trái với người Thái, bạn đọc Việt Nam phản hồi rất ít, nhiều ý kiến lạc đề và không rõ ràng. Một người có danh khoản Ngô Trung Sơn, nêu, “Di tản ra vùng ngoại ô, ai bắt các vị phải sống trong thành phố?”(4). Danh khoản Ngocviet Vu viết, “Muốn giàu phải trả giá thôi. Gì cũng muốn mà ko ảnh hưởng đến môi trường thì phải giàu mới làm đc” (5). Những người này muốn gì? Ai biết? Đến đây, hãy cùng xem chính phủ của hai nước phản ứng ra sao. Ít nhất, Thủ tướng Thái xin lỗi nhân dân, Thống đốc Bangkok, được ủy quyền dẫn đầu một chiến dịch xử lý bụi mịn. Toàn bộ 437 trường công lập và các trường tư thục khác đóng cửa, học sinh nghỉ học. Người Thái nhận được nhiều khuyến cáo, trong đó có thông tin về sự cần thiết phải dùng khẩu trang chất lượng cao, N95… Những ngày qua, chưa thấy quan chức Việt Nam thừa nhận hoặc phản bác, chưa thấy ai nhận trách nhiệm. Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, “Hà Nội phấn đấu lắp 95 trạm quan trắc không khí vào năm 2020”. Trong bài báo này tác giả còn nêu, “Thành phố thực hiện chương trình trồng một triệu cây xanh”(6). “Phấn đấu” không đạt có làm nữa không? Hệ thống quan trắc chỉ nhận biết, chứ không xử lý ô nhiễm, mình nó không phải là một giải pháp. Nó giống như khám bệnh mà không uống thuốc. Chưa bàn “chủ trương”cây xanh hấp thu bụi mịn đúng hay sai, phải chăng các con cứ tung tăng đến trường hít bụi, chờ cây lớn? Các ông bố, bà mẹ hô khẩu hiệu, “Vì tương lai con em chúng ta”, những ai hay nói suông, “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, nên dừng lại. Hãy nhìn xem mình đã làm gì để bảo vệ con trẻ. Rõ ràng, chẳng có gì đáng kể. Cho con cháu một gia tài, du lịch nước ngoài, diện xe sang… mà chúng không thở được, rốt cuộc sẽ chung số phận với những con cá oan uổng đó thôi. Báo chí ít thông tin vì chúng ta không thích đọc, thích giải trí. Chúng ta thích sex thì nhà báo cho chúng ta xem chống ô nhiễm bằng áo lót, quần lót. Báo chí ít thông tin vì chúng ta không có nhu cầu thông tin. Chúng ta không yêu cầu, báo Nhân Dân chỉ đăng một bài. Con em chúng ta không được Sở Giáo Dục quan tâm đúng mức, nghỉ học cũng không được, vì chúng ta tin sự học là cao quý, không kiến nghị. Hãy dừng lại, đừng để những lo toan danh vọng, những vật lộn tiền bạc biến chúng ta tiếp tục là những kẻ có tội. Hãy nghĩ, hành động vì con em mình nhiều hơn và theo cách khác. Chú thích: 1. Bài viết sử dụng công cụ tìm kiếm của Google và của từng trang báo (phiên bản điện tử) để tra cứu trong giới hạn 30 ngày, từ 07/01/19 đến 06/02/19. 2. https://www.bangkokpost.com/…/ten-things-govt-must-do-to-st… https://www.bangkokpost.com/…/pos…/1622282/govt-must-act-now 3. https://www.bangkokpost.com/…/foreign-haze-contributing-to-… 4. https://dantri.com.vn/…/nguoi-bangkok-ho-ra-mau-vi-o-nhiem-… 5. https://vnexpress.net/…/nguoi-dan-bangkok-ho-ra-mau-dung-no… 6. https://www.tienphong.vn/…/ha-noi-phan-dau-lap-95-tram-quan… Bài của fb: Nguyen Ha Hung