1. Con mình giờ hơn ba tuổi rưỡi. Đến tuổi này có lẽ điều mình hài lòng nhất là con có thể tự làm được nhiều thứ. Bé vẫn còn nhiều lúc hay quên, nhiều lúc cần mẹ nhắc, nhiều lúc mẹ vẫn phải hướng dẫn, nhưng phần lớn là rất vui vẻ làm mọi thứ. Ví dụ sáng ra có thể tự lấy bát, lấy thìa, lấy sữa để ăn sáng. Ăn xong có thể tự cất bát đĩa lên gần chậu rửa. Hay đi vệ sinh có thể hoàn toàn tự làm đầy đủ quy trình từ việc đặt bệ xí con của mình lên trên bệ xí người lớn, kéo cái ghế đẩy để có thể bước lên, đóng nắp bệ xí trước khi xả nước để tránh vi khuẩn vi trùng văng tung toé, ấn nút xả nước và rửa tay sạch sẽ. Mình luôn tạo cơ hội cho bé tự làm nếu có thể. Không chỉ tự làm cho bản thân, và còn tham gia giúp đỡ gia đình việc này việc kia. Ví dụ như giúp mẹ nấu cơm, giúp mẹ lau dọn, giúp mẹ phơi quần áo. Có thể sự giúp của bé chỉ càng làm tăng thêm việc cho mẹ, nhưng mình không ngại điều đó. Cái mình ngại hơn là đứa trẻ lười biếng, hay đòi hỏi, chỉ biết nằm chờ cha mẹ cơm nước phục vụ, không biết coi trọng giá trị của lao động, và coi điều cha mẹ làm cho mình là hiển nhiên. Chính vì thế mình hi vọng là khuyến khích rèn luyện từ bé sẽ dần tạo thành thói quen sống tốt. 2. Có hai điều quan trọng mình thường làm để khuyến khích bé: Thứ nhất, tạo không khí tích cực thông qua thái độ và cách dùng từ ngữ về công việc. Để biến nó thành một thứ tích cực, mình luôn bắt đầu với sự hào hứng, cố tránh từ “phải” mà dùng từ “muốn”. Ví dụ bảo bé là: “Con muốn giúp mẹ nấu cơm không? Vui lắm.” Rồi dụ dỗ thêm bằng cách kể ra bé sẽ “được” làm những gì. “Hôm nay, con sướng lắm nhé, sẽ được giúp mẹ nấu cà rốt.” Để khiến bé cảm thấy làm những việc này như là một phần thưởng, chứ không phải là một điều bị ép buộc. Cũng có lúc mình bảo: “Con biết cái này người lớn sẽ làm như thế nào không. Hôm nay con sẽ làm giống người lớn nhé.” Các bé thường thích làm người lớn mà, nên được làm là thích lắm. Nếu cần thiết, mình cũng dành thời gian giải thích mục đích và lợi ích của việc này, việc kia. Ví dụ giải thích việc đóng nắp bệ xí là để tránh vi khuẩn dây bẩn, hay dọn dẹp để tránh đi đá vào đồ và vấp ngã… Thứ hai, khen ngợi để khiến bé cảm thấy những việc mình làm là điều tốt, là điều có ích. Mỗi lần bé làm cái gì đó, dù là việc nhỏ mình luôn cố gắng khen ngợi. Đây cũng là một cách tạo cảm giác tích cực, tạo động lực cho bé. Một số câu mình hay nói là: “Well done!” “Con làm tốt lắm.” “Chà, Anna người lớn quá, biết làm cái này giống mẹ rồi cơ đấy.” “Sao Anna nhanh thế, đã dọn xong rồi cơ à.” Tuy nhiên mình cố tránh không khen con thông minh. Theo mình đọc được thì khen con thông minh thực ra tạo rất nhiều áp lực cho trẻ. Đứa trẻ sẽ sợ người khác cho rằng mình không thông minh, sẽ không dám thử những cái mới, vì thử những cái mới sẽ có khả năng bị thất bại, và sẽ bị cho là không thông minh. Nên khen sự cố gắng của con, để đứa trẻ sẽ cố gắng nhiều hơn nữa. 2. Tất nhiên cũng có lúc bé mè nheo, bé nhõng nhẽo, bé không chịu làm. Mình cứ phải tuỳ theo tình huống mà áp dụng các chiêu thức khác nhau. Sau đây là một số các chiêu thức mình hay dùng: Biến việc nhà thành một trò chơi mà cả nhà cùng chơi. Ví dụ sau khi đi siêu thị, mình muốn bé giúp chuyển đồ mua từ xe ô tô vào nhà. Mình sẽ biến thành trò ai chuyển được nhanh nhất nhiều nhất. Chỉ được cho nếu đã làm. Đây là chiêu thức dùng cái bé muốn để tạo động lực cho bé làm cái mẹ muốn. Ví dụ ăn cơm xong, bé đòi đồ chơi nhưng chưa giúp mẹ cất bát cất đĩa. Mình sẽ không đưa cho bé đồ chơi, mà yêu cầu bé giúp với việc bát đĩa trước. Đơn giản không làm thì không được chơi. Trao phần thưởng, có lúc là kẹo, hoa quả, cũng có lúc là những cái khác như xem video mẹ quay. Mình thường cố dùng những phần thưởng “lành mạnh” nhiều hơn, như là hoa quả, chơi cái gì đó cùng mẹ, hoặc đơn giản là chải đầu cho mẹ. Thường thường, mình cố gắng hạn chế chiêu thức thứ hai và thứ ba ở trên một chút, vì mình không muốn bé làm một điều gì đó chủ yếu vì tác động bên ngoài. Mình hi vọng bé có thể tự giác, thấy đây là điều mình nên làm và thích làm, biến nó thành một phần của bản thân. Chính vì thế mình thiên về phương pháp tạo cảm giác tích cực thích thú hơn là trì hoãn không cho cái bé muốn ngay và mua chuộc bằng các phần thưởng. Theo mình thì đánh mắng hay hình phạt thường phản tác dụng, nhiều khi khiến bé có những suy nghĩ tiêu cực và phản kháng. Phần lớn thời gian, bé nhà mình rất tích cực tham gia hoạt động gia đình nếu mình biết cách tạo không khí và khuyến khích bé. Tuổi này vẫn là tuổi thích khám phá thế giới, gần như cái gì cũng có thể khiến bé có hứng thú. 3. Trong video dưới đây, mình quay lại buổi sáng của hai mẹ con ngày hôm qua trước khi lên đường “đi thi” như đã tâm sự trong bài viết trước. Mình không nghĩ ra việc quay phim lúc Anna tự lấy bát đĩa, nên video bắt đầu từ lúc bắt đầu ngồi ăn. Mình thấy ở tuổi này nói chuyện với các bé bắt đầu dễ hơn một chút nhưng cũng không phải quá dễ dàng. Có hai thứ mình hay hỏi. Một là ôn lại những thứ đã làm ngày hôm trước, nhằm giúp bé động não suy nghĩ và có thể tạo thói quen kể lại cái mình đã làm. Hai là nói về việc sẽ làm trong ngày, cái này là để chuẩn bị tinh thần cho bé, hi vọng giúp bé tự tin hơn. Đặc biệt nếu có một sự kiện khác bình thường như là “đi thi”, đi nha sỹ, mình thường nói với bé trước một tuần, ngày nào cũng nói, nói chi tiết như mình có thể, thậm chí mua sách vở về chỉ cho bé xem nếu cần thiết. Video này đoạn đầu chỉ là hai mẹ con ăn uống “nói chuyện phiếm”. Ở phút thứ 9:23, là đoạn Anna giúp mẹ lau bàn, từ phút 11:46 là đoạn Anna giúp mẹ cất bát đĩa. Vì không có nhiều thời gian chỉnh sửa nhiều mình chỉ cắt đi những đoạn bị chậm không ai nói gì. Tay nghề non nớt nên nhiều lúc video hơi bị giật chút xíu, mong mọi người thông cảm nhé. *** Bài viết được trích dẫn từ Fanpage vô cùng ngọt ngào: https://www.facebook.com/chuyencuangan/ Link tới wordpress blog https://ngansite.wordpress.com/