Follow page của My và mẹ nha! https://www.facebook.com/mymyeveryday/ Chắc chẳng ở đâu có văn hóa về chó buồn cười như ở Việt Nam: vừa nổi tiếng khắp thế giới về ăn thịt chó nhưng lại vừa có cực kì nhiều người sợ chó. Vừa nhốt chó trong chuồng quá thường xuyên nhưng lại rất hay thả chó chạy rông ngoài đường. Chó ở Việt Nam trước đây thường được nuôi với mục đích giữ nhà. Người lạ đến là phải sủa inh ỏi và sấn sổ tấn công. Chó bị nhốt trong chuồng lâu ngày khiến chúng cảm thấy stressed, căng thẳng thần kinh, không được giải phóng năng lượng sẽ trở nên rất dữ tợn. Cộng thêm với việc cho chó ăn thịt sống, mắng chửi đánh đập để kỉ luật chó cũng khiến chúng trở nên hung dữ hơn. Thế rồi người ta lại thả chó ra đường để đi bậy ra hè phố và xả năng lượng??? Bảo sao thế hệ các ông bố bà mẹ chúng ta lớn lên trong kí ức dẫm phải cứt chó, bị chó đuổi, chó cắn, thành một “truyền thống” sợ chó luôn? Nhưng thôi không nói đến cách nuôi chó vô trách nhiệm của ngày xưa. Bây giờ kinh tế phát triển, nhiều gia đình bắt đầu nuôi những giống chó đắt tiền, như Dobermann, chó ngao Tây tạng, pitbull… Chó mèo dần trở thành thú cưng trong gia đình hơn, giống văn hóa phương Tây hơn. Nhưng Tây lại có cái hại của Tây. Ở một quốc gia nuôi nhiều chó như ở Mỹ, cả nước nuôi 89.7 triệu con, thì 1 năm có tới 39 người chết vì chó cắn (ko phải chết vì dại mà cắn chết luôn nhé) và 4.5 triệu người bị chó cắn mỗi năm (Số liệu từ Statista). Chính sự thân thiết quá với chó mèo lại dẫn đến suy nghĩ chủ quan, không quan sát kĩ hành vi của chúng. Cho dù loại chó được con người thuần hóa từ hơn 15,000 năm trước nhưng chó thì vẫn là chó, vẫn có những bản năng riêng của loài thú. Chúng rất thông minh, hiểu được con người. Nhưng sự thông minh cũng đi kèm với những cảm xúc phức tạp mà con người chúng ta, khi không có chung ngôn ngữ chỉ có thể hiểu được thông qua hành vi. Việc có em bé đương nhiên là một sự kiện quan trọng với bố mẹ, ông bà nội ngoại, bạn bè người thân. Nhưng đừng quên đó cũng là một sự kiện có ảnh hưởng cực kì to lớn đến thú cưng của bạn nhé! Việc trong nhà đột ngột xuất hiện một thành viên mới, làm xáo trộn hết cả lịch sinh hoạt vốn đều đặn của cả gia đình, chiếm hết cả sự quan tâm chú ý của “boss”. Thậm chí “tên người tí hon” ấy còn liên tục gào khóc, gây ra những thứ âm thanh rất đinh tai nhức óc, cộng thêm những thứ mùi mạnh rất lạ lẫm đều gây áp lực lên tâm lý của một chú chó, chú mèo. Khi trẻ lớn hơn một chút, những hành vi tưởng chừng vô hại của em bé chỉ vì bé tò mò và muốn đùa vui với chó mèo có thể vô tình là hành vi xâm chiếm lãnh thổ, khiêu khích chó mèo khiến cho bản năng tự vệ của chúng lên cao. Nhà mình nuôi một con chó Shiba Inu và 1 con mèo Mỹ lông ngắn. Ngày mang My từ bệnh viện về cả 2 con đều lồng lộn hết cả lên, cuống quýt chạy lại ngửi. Sau đó thì mỗi lần My chỉ hơi e e kêu một tí là Bubu bất kể từ xó xỉnh nào cũng lao ngay đến, không biết chủ đích là gì nhưng rất xớn xác. Cả 2 con ngay lập tức bị cho ra ngoài hành lang, đóng cửa không cho vào phòng. Mấy đêm đầu tiên My cứ dậy khóc là cả 2 con đứng ngoài cào cửa, kêu gào thảm thiết. Chưa kể những lúc My khóc lâu thì ngay cả thần kinh thép như chị mèo cũng chạy lại cắn cắn vào chân, vào tay mình để bảo “ê xử lý đi màiii” :)) Sự thể hiện rõ rệt nhất về việc stress của bubu là tè dầm ra nhà. Bao nhiêu năm được huấn luyện chưa từng 1 lần chú đi tè trong nhà, thế mà chỉ 1 ngày sau khi My về, Bubu đái khắp nhà, són mỗi chỗ một tí như thể đi đánh dấu lãnh thổ sợ My chiếm mất. Vậy các “sen” phải làm gì để chuẩn bị và giúp cho các “boss” trải qua giai đoạn khó khăn? - Dành thời gian huấn luyện trước cho chó một vài mệnh lệnh bằng lời cơ bản như ngồi xuống (sit), chờ (wait), bỏ xuống (drop), lại gần (come) đi chỗ khác (go away). Việc này không còn là trò biểu diễn đơn giản mà sẽ giúp bạn làm chủ được tình thế, dẫn dắt hành vi của chó bằng mệnh lệnh trong các tình huống gần em bé, tránh việc chó nhảy chồm lên bạn khi bạn bế em bé dù chỉ vì quá hào hứng, hay tranh giành đồ chơi của em bé… - Hạn chế việc thay đổi thời gian biểu ngay khi có em bé, ví dụ như thay đổi giờ cho chó mèo ăn, giờ dắt chó, hay thời gian bạn dành để chơi với chúng mỗi ngày. Nếu bạn dự kiến sẽ có sự thay đổi, đừng cố gắng dành thật nhiều sự quan tâm trước khi baby về nhà để bù đắp, điều này chỉ khiến cún cưng thấy thất vọng và ghen tị ngay khi em bé xuất hiện. Hãy giảm dần dần sự quan tâm để tạo một thói quen mới, tránh sự hụt hẫng phải chia sẻ “sen” với em bé. - Cho chó mèo làm quen với mùi và âm thanh của em bé bằng cách bật video có tiếng trẻ em khóc, nói cười, cho chúng ngửi mùi baby lotion, phấn rôm trên tay của bạn. Khi về nhà để lấy đồ vào viện, hãy mang ít tã, quần áo của em bé về nhà trước để cho cún ngửi, làm quen trước với mùi của em bé. - Khi mang em bé về nhà phải có một người giữ cún lại và một người khác bế em bé. Người nhà nên vào trước sau đó mới đưa em bé vào, cún cưng của bạn có thể quá phấn khởi và vô tình gây thương tích cho em bé. Nên giữ thái độ bình tĩnh, nói chuyện vui vẻ với cún. Nếu bạn tỏ ra lo lắng sợ sệt, chú cún sẽ ngay lập tức bắt sóng và cảm giác không yên tâm về “vật thể” mới được đưa vào nhà kia. Thưởng cho cún treat khi cún bình tĩnh và nghe lời, cư xử tốt. Bạn có thể cho cún ngửi chân của em bé chỉ khi bạn cảm thấy sẵn sàng. Nếu cún có biểu hiện ko tốt, bạn nên đánh lạc hướng chúng sang hoạt động khác và thử giới thiệu em bé vào lúc khác khi cún bình tĩnh hơn. Tuyệt đối không mắng mỏ hay đánh nó. - Nên giữ khoảng cách an toàn và luôn quan sát khi chó mèo lại gần em bé. ĐẶC BIỆT THẬN TRỌNG khi em bé gào, khóc, giãy giụa hay quờ quạng chân tay vì những hành động này có thể khơi dậy khả năng săn mồi ở một số chú chó. Cho dù có tin tưởng chó mèo đến đâu cũng TUYỆT ĐỐI KHÔNG để trẻ ở một mình với chó, mèo. Chỉ cần vài giây thôi là sự việc đáng tiếc đã có thể xảy ra - Dạy trẻ cách tương tác với chó mèo ngay từ đầu. Tuyệt đối không được để trẻ cầm vào đuôi mèo, kéo đuôi, tai chó, trèo lên người chó, không lấy đồ ăn, đồ chơi của chó, không trêu chọc chó khi chó đang ngủ. Mình dạy chó, mèo không được vào phòng, trèo lên giường của con thì cũng dạy con không được xâm chiếm chỗ ngủ của chó mèo. Trẻ không nên ôm hay tiến quá sát trước mặt chó, điều này đối với con người thể hiện sự gần gũi nhưng đối với chó lại không thích chút nào. - Bố mẹ nên cùng chơi với cả em bé và chó mèo một lúc, chứ không chỉ dành thời gian cho boss khi em bé đã đi ngủ. Như vậy chó mèo sẽ nghĩ khi có em bé là mình bị ra rìa. Hãy tạo mối liên hệ tốt giữa em bé và những hành động tích cực như chơi đùa, ăn món ăn yêu thích, đi ra ngoài đi dạo… Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các lợi ích của việc nuôi chó mèo đối với sức khỏe, tâm lý và sự phát triển của trẻ nhỏ: - Giảm nguy cơ mắc các chứng béo phì và dị ứng. Trẻ em ở trong nhà có nuôi chó mèo có số lượng lợi khuẩn đường ruột cao và phong phú hơn. Đặc biệt lượng khuẩn ruminococcus và oscillospira cao gần gấp đôi. Đây là 2 loại khuẩn có liên kết với giảm tỷ lệ béo phì và dị ứng. Đồng thời giảm lượng khuẩn Streptococcaceae, giúp tiêu hóa hiệu quả, hấp thụ thức ăn tốt, vi sinh đường ruột ổn định.(1) - Giảm nguy cơ mắc chứng hen suyễn. Trước giờ ai cũng bảo rằng để trẻ hít các sợi lông chó mèo vào dễ dẫn đến bị hen, nhưng khoa học đã chứng minh hoàn toàn ngược lại. Theo nghiên cứu từ Urban Environment and Childhood Asthma (URECA) trên 340 trẻ em cho thấy, trẻ trong gia đình có nuôi mèo trong 3 năm đầu đời có ít nguy cơ bị mắc hen khi trẻ lên 7 tuổi (2) - Giảm nguy cơ mắc các chứng dị ứng, chàm (eczema). Nghiên cứu từ University of Wisconsin cho thấy việc tiếp xúc với chó mèo ngay từ khi sơ sinh có ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của trẻ và giảm nguy cơ mắc viêm da cơ địa (atopic dermatitis), tỷ lệ mắc 12% so với 22% ở nhà ko nuôi chó mèo. GIảm chứng khó thở (19% vs 36%) (3) - Giảm nguy cơ bị cảm lạnh, viêm tai và dùng ít kháng sinh hơn. Trong nghiên cứu từ Kuopio University Hospital, 397 trẻ em được theo dõi từ giai đoạn thứ 3 của thai kì cho tới khi 1 tuổi. Trong thời gian này, họ ghi chép lại tình hình sức khỏe cũng như tiếp xúc giữa trẻ và vật nuôi. Trẻ ở cùng chó mèo trong nhà giảm 31% nguy cơ nhiễm các triệu chứng về hô hấp, giảm 44% khả năng bị viêm tai giữa, viêm mũi, giảm 29% các trường hợp phải dùng tới kháng sinh… Nếu nhà bạn có nuôi chó mèo và chuẩn bị có em bé, hãy đảm bảo thú cũng của bạn cũng sẵn sàng cho sự thay đổi lớn này. Chuẩn bị thật kỹ để bảo vệ cả thú cưng của bạn và cả sinh linh bé nhỏ sắp chào đời, để cả nhà có thể hưởng những lợi ích và những điều hạnh phúc nhất có được từ những người bạn 4 chân này nhé! https://www.statista.com/statistics/198100/dogs-in-the-united-states-since-2000/ https://www.aspca.org/pet-care/dog-care/dogs-and-babies (1) https://microbiomejournal.biomedcentral.com/articles/10.1186/s40168-017-0254-x (2) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/28939248 (3) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3557802/ (4) https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/195228 (4) http://pediatrics.aappublications.org/content/pediatrics/early/2012/07/03/peds.2011-2825.full.pdf