Trong bài viết này mình xin chia sẻ một vài mẩu chuyện nhỏ về việc nuôi dạy con của mình. Hi vọng là giúp ích được các mẹ nào gặp vấn đề giống mình. 1. Chuyện ăn Anna là một cô bé rất thích được bế, đặc biệt là khi em cảm thấy khó chịu trong người. Có một đợt Anna bị táo bón đau bụng. Cứ mỗi lần cơn đau bụng kéo đến là mếu máo đòi bế. Trong một vài ngày, bữa ăn nào Anna cũng đòi ngồi lòng ba mẹ, đến cả khi không đau bụng cũng bắt đầu đòi bế. Lúc đầu, mình dùng chiêu thuyết phục dỗ dành: “Anna ơi, ăn cơm thì phải ngồi xuống ghế chứ con.” –> Không mấy tác dụng! Anna vẫn nhũng nhẽo đòi ngồi lòng ba mẹ. Sau mình dùng chiêu nghiêm khắc: “Anna, giờ ăn là phải ngồi xuống ghế. Không bồng bế gì cả.” –> Hoàn toàn phản tác dụng! Màn khóc lóc nước mắt nước mũi tung toé ngay lập tức theo sau cùng tiếng ỉ ôi đòi bế còn ghê hơn trước. Một ngày đẹp trời, mình quyết định không dỗ dành mà cũng không nghiêm khắc. Anna vừa mở miệng: “Bế! Bế!” Mình liền vừa nhảy vừa hát (như hát rap luôn) hai câu tự biên tự diễn: “Không bế, ngồi xuống ghế. Anna ngồi xuống ghế.” Mình nhảy lắc đập nhịp rất hăng, hai tay cứ thế là chỉ xuống ghế. Anna nhìn mẹ làm trò thì cười nắc nẻ. Và điều tuyệt vời là cô bé bắt đầu mon men ngồi xuống ghế. Rồi còn chỉ chỉ tay bảo: “Mummy, do it again!” (“Mẹ ơi, làm lại!”) Từ đấy về sau, mỗi lần Anna đòi bế những lúc ăn cơm, mình lại cười đùa chỉ xuống ghế hát hai câu vần điệu kia. Ba cháu bé cũng học mình nói, mặc dù ngọng líu ngọng lo làm hỏng cả tiếng Việt. Và Anna luôn cười cười rồi ngồi xuống. Điều mình học được là phương pháp mang lại tiếng cười thường hiệu quả hơn là nghiêm khắc cứng nhắc trong một số trường hợp muốn con làm hay không làm một thứ gì đó. Tất nhiên khi mà Anna cực kỳ mệt hay khó chịu trong người thì có chiêu gì cũng không tác dụng. Những lúc vậy thì chỉ có để bé nghỉ ngơi hoặc đi ngủ là tốt nhất, thay vì bắt ngồi ăn. 2. Chuyện ngủ Tuy nhiên nhiều lúc cũng cần phải nghiêm khắc. Bé nhà mình không thuộc dạng ngủ dễ. Tối nào cũng phải lăn lộn ít nhất một tiếng rồi mới ngủ. Nhưng lăn lộn thế nào, đòi chơi thế nào, cứ đúng 8h là mình cho bé đi ngủ. Nhiều hôm bé nhũng nhẽo, đòi đeo cặp sách đi ngủ, hoặc khăng khăng không muốn mặc quần khi đi ngủ. Những lúc thế này thì mình thực hiện biện pháp nghiêm khắc. Vì bé nhà mình hay thích ôm mẹ, mình có một luật là: “Mẹ sẽ không thể ôm Anna nếu Anna không mặc quần/ nếu Anna đeo cặp sách…” Mình thường giải thích rõ cho con biết: “Đi ngủ là không thể đeo cặp sách vì sẽ rất vướng.” Hay “Đi ngủ thì phải mặc quần không thì sẽ bị lạnh và ốm.” Thường khi có một quy tắc nào đấy thì nên giải thích lý do. Có giải thích rõ ràng bé sẽ dễ tuân theo hơn. Khi mình nói mình không thể ôm con, mình cũng nói rõ ràng: “Mẹ rất yêu con, nhưng mẹ không thể… vì….”, để khẳng định cho con biết hành động của con không ảnh hưởng tới tình yêu của mình cho con. Tuy nhiên quy tắc thì vẫn phải tuân theo. Thường Anna khóc mếu phản đối nhưng luôn kết thúc bằng cách nghe theo lời mẹ. 3. Chuyện đánh răng Anna từ trước tới nay chưa bao giờ thích đánh răng. Sáng mình luôn phải đánh vội đánh vàng, và tối thì nhiều hôm như đánh vật, mình phải kìm tay chân của con trong khi chồng đánh răng. Thường bên này, 2 tuổi, trẻ em được khuyến khích là nên bắt đầu đi nha sỹ khám răng định kỳ. Mình nghĩ cứ thế này thì không ổn, đến bố mẹ còn không bảo em há mồm đánh răng được thì làm sao em để nha sỹ soi răng cho mình. Vậy là hai vợ chồng mình đi mua một cuốn truyện về việc đi nha sỹ và bắt đầu đọc cho bé nghe hàng ngày. Câu chuyện rất đơn giản về hai cô cậu bé đi khám nha sỹ. Trước khi khám vì răng bị sâu nên răng rất buồn. Sau khi khám sau, thì răng được chữa nên răng vui. Hai vợ chồng cũng bắt đầu dùng từ “răng buồn” (“sad teeth”) và “răng vui” (“happy teeth”) nhiều hơn vì Anna có vẻ bắt đầu hiểu nghĩa của hai từ “buồn” và “vui”. Mình thường bảo con: “Anna mà không đánh răng thì răng sẽ rất buồn. Anna đánh răng thì răng sẽ vui giống răng của ba mẹ này.” Nói rồi chìa răng ra cho con xem. Lúc mình đánh răng cũng há miệng đánh trước mặt cho con xem. Đánh xong thì bảo: “Bây giờ răng của mẹ rất vui vì đã được đánh sạch sẽ.” Sau khoảng một thời gian kiên trì đọc và giải thích như vậy, Anna bắt đầu chịu tự nguyện há mồm cho ba mẹ đánh răng. Không còn phải vật lộn cả chồng cả vợ nữa. Lúc đánh răng, mình thường bảo con: “Anna nhìn này, răng của con đang vui vì được đánh sạch sẽ đấy.” Tối hôm nay, trước khi đánh răng, Anna còn tự chỉ vào răng mình và bảo: “Sad teeth!” (“Răng buồn!”) Sau khi đánh xong, bé hơn hớn chạy ra khoe với ba: “Happy teeth, Daddy!” (“Răng vui rồi ba ơi!”) Mình nghĩ là phương pháp có tác dụng nhờ 3 yếu tố: – Có hình ảnh mẫu trong sách lập lại nhiều lần cho bé xem. – Làm mẫu và giải thích lập lại nhiều lần của bố mẹ. – Dùng từ ngữ đơn giản trong sự hiểu biết của con, và có sự liên hệ “buồn” = “không hay” và “vui” = “hay” để tạo động lực. 4. Chuyện dạy con tự làm Dạo này Anna vừa mới luyện ngồi bô. Ngay từ ban đầu, mình đã khuyến khích con tự cởi quần, tự ngồi xuống, rồi thậm chí tự lấy giấy lau chùi trước sau. Tất nhiên mình có giám sát cầm giấy phụ giúp, và trong trường hợp là đi nặng thì mình phụ trách hoàn toàn. Đi xong thì bé tự kéo quần lên. Bé vô cùng thích thú với những bước này và càng lúc càng trở nên thành thạo. Mỗi lần như vậy mình đều thưởng cho bé một viên kẹo sô cô la nhỏ. Đây là phần thưởng để khuyến khích việc dùng bô chứ Anna thường ngày không bao giờ được cho ăn kẹo ngọt hay sô cô la. Có một lần, bé đã làm hết các bước, bé thấy mẹ chuẩn bị đổ nước tiểu từ bô vào bệ xí thì bé la lên: “Anna do it!” (“Để Anna làm!”) Phản ứng đầu tiên của mình là: “Cái này bẩn lắm, để mẹ làm. Nhỡ đổ ra người ra nhà thì bẩn lắm.” Mình vừa nói dứt câu thì bố cháu bé liền nói vọng vào: “Em cứ để con làm. Từ trước tới nay con vẫn tự làm được.” Còn phải nói, mình ngạc nhiên tới mức nào. Mình để con tự làm và quả thật có làm rất nhuần nhuyễn. Biết cách tự tháo nắp bên trên của chiếc bô, rồi cầm hai tay đổ vào bệ xí, không làm rơi giọt nào ra ngoài. Mình học được một điều là luôn cho con cơ hội tự làm, cho dù bản năng của mình luôn muốn tranh làm vì sợ con làm hỏng làm đổ. Cùng lắm thì rơi ra quần áo làm bẩn, nhưng đấy cũng chính là cơ hội dậy con thêm. Mình đã hướng dẫn thêm cho con cách đổ ra phía ngoài để không bị bắn vào quần áo, và con thực hành rất tốt. Xong xuôi, mình rửa bô, và con rất hăng hái lấy giấy lau khô bô. Mình quan sát thấy con rất thích thú tự mình làm mọi thứ thay vì muốn bố mẹ làm hộ. Có lẽ một phần là cảm giác được giống bố mẹ, và cảm giác là mình đang lớn lên. Chính vì thế mà mình luôn cố gắng tạo việc cho con làm, ví dụ ăn xong ba mẹ dọn dẹp thì con có thể giúp lau bàn (Nhà mình giờ chuyển sang ngồi bàn ghế vừa tầm với con cho mỗi giờ ăn). Mình còn cho con tập rửa bát đĩa của chính mình trong một cái chậu nhỏ. Không phải lúc nào cũng thành công, nhưng cái quan trọng là khuyến khích và tạo cơ hội. 5. Chuyện dùng từ ngữ khi nói chuyện Buổi sáng khi Anna thức dậy thường hay khó chịu mếu máo, không thích nói chuyện giao lưu. Chắc ai mới ngủ dậy cũng vậy cả. Một buổi sáng, cả nhà như thường lệ chạy vội vàng ra bến xe buýt. Anna hôm đó còn khó tính hơn bình thường, không thích cái này, không thích cái kia. Mình vô tư bình luận: “Anna is a bit grumpy this morning.” (“Sáng nay Anna hơi cộc cằn nhỉ!”) Chồng mình liền liếc liếc mắt ra ý không nên nói thế trước mặt con. Lúc sau hai vợ chồng nói chuyện, mình bảo: “Tại em nghĩ từ “cộc cằn” không có nghĩa tiêu cực quá nên mới dùng!” Chồng trả lời: “Anh chỉ cảm thấy là nếu bố mẹ mà nói về anh như thế thì anh sẽ không thích, nên mới nghĩ là con sẽ không thích khi mình nói thế.” Cũng không có gì lớn lao to tát nhưng cái chồng nói làm mình phải suy nghĩ. Nhiều lúc mình cứ nghĩ trẻ em còn nhỏ không hiểu chuyện, mà quên không đặt mình vào vị trí của con. Đúng là mình phải tôn trọng con và cố gắng hiểu cảm giác của con ngay cả trong cách dùng từ ngữ. Trên thực tế, mình đã đọc nhiều sách cũng có nói là không nên sử dụng những tính từ mang nghĩa tiêu cực (ngay cả những từ như “hư”, “nghịch”…) dành cho con. Vì như vậy đứa trẻ sẽ bắt đầu những hình ảnh xấu về bản thân mình và sẽ lớn lên với nhiều mặc cảm tự ti. 6. Chuyện học nói “Cám ơn” Ngay từ khi con biết nói bập bẹ, vợ chồng mình đã năng dạy con nói: “Please!” (“Con xin!” hay tương đương với “ạ!” trong tiếng Việt), và “Thank you!” (“Cám ơn!”). Điều này không chỉ giúp con có cách ứng xử lịch sự và tôn trọng người khác, mà còn thực sự biết trân trọng những điều mình có và những thứ người khác làm cho mình. Thường khi con muốn điều gì, mình sẽ yêu cầu con nói “Please!” và “Thank you!” để được bố mẹ giúp. Và trong ứng xử hàng ngày, mình cũng thực hành điều này để làm mẫu cho con thấy. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, nhà mình thường hay cầu nguyện với Chúa. Mình thường hỏi con là: “Hôm nay có điều gì con muốn cám ơn Chúa không?”, hay “Hôm nay có điều gì làm con vui?”, hay “Hôm nay con thích gì nhất?” Nếu con không trả lời được thì mình gợi ý. Ví dụ: “Hôm nay mình chơi với ông bà nội rất vui, con có muốn cám ơn Chúa vì đã cho con ông bà nội không?” Nhiều hôm con có thể tự nghĩ là nói ra một vài thứ và rồi tự nói lời cầu nguyện cám ơn. Ví dụ: “Thank you for Mummy!” (Dịch phiến phiến là “Cám ơn vì đã cho con mẹ.”). Dù bạn không cầu nguyện giống nhà mình, thì mình thấy dạy con biết cách trân trọng mọi thứ xung quanh mình cũng là một điều rất tốt. Những cuộc đối thoại nhỏ mỗi tối thế này cũng giúp con phát triển trí não suy nghĩ về những thứ mình đã làm. 7. Chuyện học nói “Xin lỗi” Một lần Anna cầm chiếc xe ô tô đồ chơi vô tình đánh vào mặt ba rất đau. Khi Anna nhận ra mình làm ba đau thì ngay lập tức oà khóc. Mặc dù mình biết Anna không cố tình, nhưng con vẫn phải học cách nói “Xin lỗi” khi làm đau người khác. Lúc đầu Anna kiên quyết không chịu nói “Xin lỗi” mặc cho ba mẹ bảo sẽ không được đi công viên cho tới khi nói xin lỗi. Mình vẫn bế ẵm bình thường nhưng luôn thuyết phục con nói xin lỗi mà con không chịu. Mình thấy rõ là con biết đã làm sai nhưng có phần cứng đầu không chịu nói. Một phần là do sẵn khó chịu trong người do bị táo bón. Trong lúc ôm con, mình vô tình kéo tóc làm con đau, con còn khóc to hơn. Mình liền dùng ngay cơ hội này để làm mẫu cho con. Mình nhìn vào mắt con và bảo: “Anna, mẹ làm đau Anna. Mẹ xin lỗi Anna nhé.” Mình nhắc lại thêm một vài lần nữa. Mếu máo ròng rã lên xuống 2 tiếng không chịu “Xin lỗi”, bỗng Anna đòi đi vệ sinh. Sau khi đi vệ sinh xong, Anna bỗng như trở thành con người khác, vui vẻ hớn hở hơn hẳn. Lúc này mình lại thấy được cơ hội, liền ôm ấp thủ thỉ với con, mình hỏi: “Anna nhớ vừa rồi mẹ làm đau Anna, mẹ nói thế nào không?” Anna trả lời ngay rất hào hứng: “Mẹ xin lỗi Anna!” (–> Chứng tỏ nàng rất hiểu chuyện không vừa đâu.) Mình tiếp: “Thế Anna làm đau ba Simon, Anna phải nói thế nào nhỉ?” Anna: “Làm đau ba bằng ô tô.” (–> Vậy tức là có biết chuyện nhưng mà vẫn đang tránh xin lỗi đây.) Mình vẫn kiên nhẫn: “Khi làm đau người khác thì mình phải nói thế nào?” Anna liền nhanh nhẩu: “Mẹ xin lỗi Anna!” (–> Nàng ta vẫn đang vòng vo tam quốc, nhắc lại chuyện mẹ làm đau mình.) Mình: “Phải rồi, khi mẹ làm đau Anna, mẹ phải nói xin lỗi Anna. Thế vừa rồi Anna làm đau ba Simon, Anna nói thế nào?” Anna cuối cùng đã thốt ra điều cần phải nói: “Xin lỗi ba!” Mình gật gù tán thưởng và bảo con ra xin lỗi trực tiếp với ba nó, và con ngoan ngoãn làm theo. Bài học của mình là: – Phải chọn đúng thời điểm để bảo con nói lời xin lỗi, vì khi con đau bụng táo rõ ràng không có tâm trí đâu mà nói. – Làm mẫu. – Liên tục nhắc nhở sau này: Những tối về sau, mình vẫn tiếp tục nhắc con về chuyện này và dặn con là khi làm đau người khác phải nói xin lỗi. 8. Chuyện tập thể dục Dạo này nhà mình bắt đầu có thói quen tập thể dục buổi tối trước khi đi ngủ. Gọi là tập thể dục nhưng chủ yếu là cả nhà nằm trên giường giơ chân giơ tay. Thường thì mình đếm tiếng Việt: “Một, hai, ba…” rồi làm mấy động tác đơn giản để con làm theo. Một lần con hăng hái quá, đếm trước làm trước cả mẹ. Mình cười cười bảo con: “Hôm nay Anna chỉ huy nhé. Con đến và làm mẫu cho ba mẹ đi.” Anna đếm và làm mẫu được 3 động tác thì bé bị tắc. Vậy là bé làm chỉ huy không lâu. Nhưng điều quan trọng là mình bỗng nhận ra đây là một cơ hội tốt để dạy con kỹ năng lãnh đạo làm mẫu cho người khác, hay nói bớt văn hoa là kỹ năng bày trò. Kỹ năng này không phải lúc nào cũng có cơ hội phát triển được. Mọi người thường nghĩ phải giỏi giang thế nào mới làm lãnh đạo được. Nhưng thực tế kỹ năng này ai cũng có thể có nếu có cơ hội phát triển và luyện tập. 9. Kết Mỗi bé mỗi khác nên phương pháp người này chưa hẳn có thể áp dụng với người kia. Tuy nhiên mình hi vọng bài chia sẻ dài dòng này sẽ hữu ích phần nào cho những ai quan tâm. Quan trọng nhất của mọi điều quan trọng vẫn là tình yêu và sự kiên nhẫn. Và để có được điều này thì bố mẹ phải vui và khỏe. Chính vì thế mà các ông bố bà mẹ nhớ ăn ngủ và làm việc điều độ để có thời gian, tinh thần và sức lực cho bé của mình nhé. *** Bài viết được trích dẫn từ Fanpage vô cùng ngọt ngào: https://www.facebook.com/chuyencuangan/ Link tới wordpress blog https://ngansite.wordpress.com/