"Ngủ ngày cày đêm", ngủ vặt nhiều giấc ngắn, giật mình quấy khóc hay đòi bú suốt đêm là những vấn đề phổ biến của con trong năm đầu đời. Nhiều bé đến tận 3 4 tuổi vẫn khó có giấc ngủ đêm trọn vẹn do sợ bóng tối, quen ăn đêm, ngủ cùng cha mẹ... Để tạm biệt nỗi ám ảnh thức trắng đêm dỗ con ngủ, và khiến việc luyện ngủ cho con "tốn ít nước mắt nhất có thể", mami cần hiểu và tôn trọng những nguyên tắc về giấc ngủ của bé, nương theo đó mà chủ động thiết lập nề nếp sinh hoạt ngay từ khi mới chào đời, để bé có giấc ngủ tự nhiên và độc lập. 1. Lịch ngủ thức theo độ tuổi Thời gian tối đa bé có thể thức giữa các giấc ngủ, số giấc ngủ trong ngày, thời lượng một giấc... sẽ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Nắm được lịch này, mẹ có thể sắp xếp ăn chơi ngủ hợp lý cho con, biết lúc nào con cần ngủ, không đẩy con vào tình trạng thức quá lâu, thiếp đi vì quá mệt, sẽ dẫn đến cáu kỉnh, gắt ngủ, ngủ ngắn... Bảng tham khảo về việc ngủ ngày của trẻ trong năm đầu đời: 2. Bản năng thức - ngủ theo mặt trời Đây là bản năng "động vật" sẵn có khi trẻ mới sinh - thức dậy khi mặt trời mọc và ngủ đêm khi mặt trời lặn. Vì vậy một em bé ngủ lúc 6-7 giờ tối không hoàn toàn quá sớm, ngủ một mạch đến 5 6 giờ sáng hôm sau hoàn toàn không quá nhiều. Giấc ngủ sớm đem lại rất nhiều lợi ích về thể chất và trí não cho bé, nghiên cứu cũng cho thấy các em bé ngủ sớm thì ngoan ngoãn vui vẻ hơn so với các bé ngủ sau 8 giờ tối. Vậy nên bố mẹ cũng sẽ cần thu xếp lịch sinh hoạt của gia đình cho phù hợp với lịch ngủ này của bé. 3. Thư giãn trước khi ngủ Không em bé nào đang cười đùa khanh khách mà khi đặt vào nôi là nhắm mắt ngủ ngay được. Bé sẽ phản đối, trằn trọc hoặc khóc toáng lên. Vậy nên khi sắp hết thời gian thức tối đa, bé sẽ cần được đưa vào không gian thoải mái, yên tĩnh và an toàn, để thư giãn, nhận ra rằng mình cần ngủ, và tìm cách tự ngủ. Các hoạt động tiếp theo sẽ phải chờ đến khi thức dậy. Mami hãy tôn trọng nhu cầu này của con, tránh để con vui đùa quá hăng, tiếng ồn quá lớn hay khách đến thăm chơi với bé quá lâu khi đã gần đến giờ ngủ. 4. Khi giấc ngủ bị ngắt quãng - hãy cho con thời gian: Hệ tiêu hóa đang hình thành, thiếu một vài chất dinh dưỡng, mọc răng hoặc đang trong "mốc phát triển thể chất"... đều có thể khiến bé khó ngủ, giật mình, quấy khóc. Mami hãy chuẩn bị tinh thần để "tiếp chiêu" và đừng quá lo lắng nhé. Quan trọng là làm sao để bé nhận ra rằng sau khi bị tỉnh giấc thì cần tìm cách ngủ lại chứ không phải dậy đêm để ăn, để chơi. Nhiều khi bé khóc to lên trong đêm chỉ để trấn an bản thân rồi sẽ tự ngủ lại được. Mẹ hãy theo dõi bên cạnh và đảm bảo bé không bị đói, ướt quần, hay đau ở đâu, rồi hãy yên lặng chờ đợi, cho con chút thời gian (khoảng 5 đến 10 phút) tự khóc lóc, lăn lộn tìm cách ngủ lại. Hãy tin rằng con sẽ làm được, và kìm nén phản xạ lao đến bế bé lên dỗ dành. Nếu bé quá khó chịu thì mẹ mới giúp con bằng cách từ từ đến gần, vuốt ve xoa dịu, thì thầm trấn an bé. Nên nhớ đừng làm phiền và làm mất đi khả năng tự trấn an của bé quá sớm mẹ nhé. Hiểu và tuân theo những nguyên tắc về giấc ngủ của con là mẹ dã thành công một nửa trong công cuộc luyện ngủ cho bé rồi đấy. Việc còn lại sẽ là thiết lập một nếp sinh hoạt hợp lý cho con, hình thành những thói quen ăn ngủ chất lượng. Chủ đề này được chia sẻ cùng các mẹ trong bài viết "Bí kíp luyện ngủ thành công - Thiết lập nếp ngủ từ khi chào đời", các Mami tham khảo nhé!