Phụ nữ khi mang thai có lẽ là đối tượng “được” cho nhiều lời khuyên nhất. Ai cũng có thể khuyên bạn, từ chị bán thịt ở chợ đến bà bán nước ngoài đường, các mẹ “nông nhàn” trên facebook rồi người thân của bạn...Không phải lời khuyên nào cũng đúng, bạn phải biết phân biệt; Sau đây là một số lời khuyên thường khiến các mẹ tin “sái cổ”, liệu sự thật có như lời đồn không? (Ảnh minh họa) 1. Ăn nhiều *Lời đồn: Phải ăn nhiều vì ăn cho cả mẹ lẫn con *Sự thật: “Cái gì nhiều quá cũng không tốt”, có thai nhu cầu dinh dưỡng cần phải tăng thêm ~300 Kcal nhưng không có nghĩa phải ăn nhiều. - Nên bổ sung dinh dưỡng đa dạng, ăn tăng thịt, trứng, cá, sữa, rau củ quả; giảm lượng tinh bột và đường làm sao để duy trì tăng cân nặng 10-12kg trong thai kỳ là lý tưởng nhất. - Việc ăn nhiều quá gây tăng cân không kiểm soát, làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật và khó khăn khi đẻ. 2. Uống nước mía, nước dừa *Lời đồn: Uống nước mía nước dừa sinh con sạch sẽ, trắng hồng *Sự thật: Trắng hay đen là do bộ gen của em bé quyết định chứ nếu uống 2 loại nước này mà trắng da thì mấy anh Châu Phi chắc là trắng hết. - Nước mía, nước dừa có hàm lượng đường cao, nhiều vitamin nên các chuyên gia khuyên nếu dùng thì 1 tuần chỉ 1-2 cốc là đủ. - Việc uống quá liều lượng cho phép sẽ gây cho bạn đầy bụng, khó tiêu, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ - ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của mẹ và bé. (Ảnh minh họa) 3. Bánh rau calci hoá *Lời đồn: Bánh rau calci làm giảm hấp thu dinh dưỡng dẫn đến thai chậm lớn, suy dinh dưỡng *Sự thật: Rau calci hoá là hiện tượng sinh lý bình thường cho thấy sự phát triển của thai nhi - Tuổi thai càng lớn thì bánh rau càng calci hoá nhiều, mức độ calci hoá cũng gián tiếp đánh giá mức độ trưởng thành của phổi thai (có thể nói bánh rau calci tốt thì phổi thai tốt - ít nguy cơ suy hô hấp sau sinh) - Bánh rau calci không phải bạn thừa calci, nhu cầu calci khoảng 1200mg/ngày nên bạn vẫn cần bổ sung calci đầy đủ từ thực phẩm hằng ngày và calci uống. (Ảnh minh họa) 4. Uống nước và lượng ối *Lời đồn: Nhiều ối thì phải uống ít nước, ít ối thì uống nhiều nước *Sự thật: Nước uống về cơ bản không liên quan đến ối. - Nhu cầu nước uống khi có thai khoảng 3 lít/ngày. Việc uống đủ lượng nước giúp cơ thể đủ nước, giảm tình trạng ốm nghén, mệt mỏi; ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng tiết niệu và táo bón. - Ối nhiều hay ít do nhiều nguyên nhân, bạn cần được khám thai định kỳ để bs tư vấn. - Việc uống nước râu ngô để giảm nước ối như lời đồn chẳng tác dụng gì, uống nhiều quá —> tiểu nhiều —> rối loạn điện giải. Tuy là thế nhưng nước râu ngô thơm với ngon nhờ! 5. Bụng bầu và giới tính *Lời đồn: Bụng tròn “giống mẹ”, bụng nhọn “giống bố”. *Sự thật: Nhiều người tin tưởng tuyệt đối vào dấu hiệu này và phán như “thánh”. - Cơ bụng của bạn vẫn còn đủ chắc chắn thì bụng của bạn thường gọn gàng (bụng tròn). - Với người bụng nhọn nhô ra phía trước chứng tỏ cơ bụng của bạn “kém” hoặc khoang bụng của bạn không đủ rộng để chứa tử cung nên tử cung phải nhô ra phía trước. - Thai “giống ai” đẻ ra mới biết; siêu âm cũng biết được nhưng “cấm” không tiết lộ nhá. 6. Thai nấc cụt *Lời đồn: Thai “nấc cụt” là thai đang có vấn đề. *Sự thật: Là thai không có nấc, rất nhiều người sẽ bất ngờ với thông tin này. - Bạn sẽ cảm nhận thai “nấc cụt” rõ khi nằm ngừa, có người ngồi cũng có thể rõ. - Nấc cụt không phải là thai bị nấc mà là thai to dần —> tử cung to —> chèn ép lên động mạch chủ dưới; động mạch chủ dưới đập theo nhịp tim —>tử cung cũng nẩy theo nhịp mạch chủ bụng. - “Nấc cụt” chỉ là nhịp nẩy của động mạch chủ bụng truyền gián tiếp lên thành bụng thôi, thai không vấn đề gì nhớ. 7. Đi bộ *Lời đồn: Đi bộ giúp dễ đẻ *Sự thật: Đi bộ nhiều không giúp việc sinh nở dễ dàng hơn như lời đồn - Đi bộ là phương pháp thể dục rất phù hợp cho các sản phụ, giúp đốt cháy lược Calories dư thường, giảm nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường thai kỳ - Việc đi bộ nhiều trong lúc chờ chuyển dạ chẳng những không giúp dễ đẻ hơn mà còn làm cho sản phụ mất sức thêm, lúc này việc nằm nghỉ là cần thiết. 8. Vaccine rubella và thai *Lời đồn: Tiêm phòng rubella vô tình phát hiện có thai thì phải bỏ thai. *Sự thật: Vaccine rubella và virus đã được giảm độc lực (khả năng gây độc đã được giảm rất nhiều lần). - Người ta khuyên sau khi tiêm vaccine rubella thì 3 tháng sau mới được có thai lại. Tuy nhiên nguy cơ lý thuyết tối đa gây ra dị tật bẩm sinh sau khi tiêm vắc xin rubella cho phụ nữ mang thai chỉ là 0,2% (2/1000). - Thực tế rất nhiều bà mẹ có tiêm phòng rubella mà không biết mình đã có thai vẫn sinh con khoẻ mạnh bình thường nên các mẹ có thể yên tâm theo dõi thai định kỳ. (Còn tiếp, mẹ xem phần 2 tại đây nhé!) Cảm ơn bác sĩ Trần Trung Đạo đã đồng ý chia sẻ bài viết của bác sĩ tới tất cả các Mami trong cộng đồng của MamiBuy. Mang thai là một quá trình hạnh phúc nhưng không hề đơn giản, hi vọng bài viết của bác sĩ sẽ giúp các mẹ tránh được một số hiểu lầm phổ biến trong quá trình thai nghén, chúc các mẹ luôn vui khỏe chào đón em bé chào đời nhé!