Bạn phát hiện ra vết “bớt đỏ” xuất hiện trên cơ thể bé yêu của mình? Bạn tò mò nhưng lại không hiểu rõ nguyên nhân hình thành các vết bớt bẩm sinh đó và tự hỏi liệu chúng có bình thường không? Phải làm sao để có cách điều trị đúng đắn, bệnh tiến triển về lâu về dài có ảnh hưởng nguy hiểm tới các bé hay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc cho bạn nhé. Nhiều bé khi sinh ra đã bị một vết đỏ trên người, dân gian bảo đó là cái bớt, là cách bà mụ “đánh dấu”, khoa học gọi đó là u máu. Điều này khiến không ít các ông bố bà mẹ cảm thấy lo lắng khi nhận thấy một vết “bớt đỏ” trên khuôn mặt hay cơ thể của con trẻ. Bệnh u máu ở trẻ có nguy hiểm không? U máu là một bệnh lý bẩm sinh về mạch máu. Nói chung đây là một loại u lành tính, có nghĩa là không di căn, không tái phát (nếu điều trị đúng) và nhất là không nguy hiểm chết người. Trẻ thường mắc u máu ngay sau khi sinh, u máu sẽ tăng trưởng cực đại khi trẻ được 1 tuổi và sẽ thoái lui khi trẻ được 2 hay 3 tuổi. Nguyên nhân gây ra u máu hiện nay người ta chưa biết rõ. Chỉ biết rằng hiện nay người ta chia ra làm 2 loại u máu: U máu trẻ nhỏ (Infantile hemangioma): thường xuất hiện khi bé được vài tuần tuổi đến vài tháng tuổi, dưới dạng một vết đỏ như mụn ruồi son, phát triển lớn dần đến khoảng được 6 tháng tuổi thì dừng lại, duy trì như vậy từ 6 tháng đến 2 tuổi, sau đó thoái hoá dần đến 6 tuổi thì hoàn toàn biến mất. U máu bẩm sinh (Congenital hemangioma): Loại này xuất hiện từ trong bào thai, do đó khi sinh ra là đã thấy xuất hiện trên cơ thể trẻ, trong loại này người ta lại chia ra làm 2 dạng: Dạng thoái triển (Rapid Involuting Congenital Hemangioma) gọi tắt là RICH: một khối màu đỏ tía lớn nhỏ tuỳ trường hợp, và tiến triển cũng giống như loại bướu máu trẻ nhỏ. Dạng không thoái triển (Non Involuting Congenital Hemangioma) gọi tắt là NICH: thật là không may cho bé nào bị loại dạng này, u phát triển lớn dần, những cũng ở mức độ nào đó thì ngưng phát triển, và sẽ tồn tại mãi không thoái hoá.Về hình thái, u máu được chia làm 3 loại: - U máu mao mạch: Xuất hiện như một vết son hay một mảng màu rượu chát trên cùng mặt phẳng với da bình thường, ấn xuống không mất màu. - U máu dạng hang: Thường lớn, nhô khỏi mặt da. Trong đa số trường hợp, u lan rộng và xâm lấn mô dưới da, cơ và có thể làm biến dạng cơ thể. Loại u này có thể xuất hiện cả ở các cơ quan nội tạng hay trong não. - U hỗn hợp: Thường gồm cả thể hang và mạch bạch huyết, gặp nhiều nhất ở tuyến mang tai, thương tổn nằm cả trong và dưới da. Sự phát triển của u máu Sau khi xuất hiện, u máu có thể lớn dần lên, từ một vết nhỏ như nốt ruồi son, nó trở thành một mảng hồng đậm màu, thậm chí có thể gồ lên thành mảng. U thường lớn dần theo cơ thể trẻ em, phát triển nhanh hay chậm tùy theo từng vị trí. Chẳng hạn, những u máu ở vùng gần niêm mạc như môi, mắt, vùng cổ, tuyến nước bọt, tuyến dưới hàm sẽ phát triển rất nhanh. Những u ở bề mặt da, tứ chi, ngực, bụng, thường ít phát triển hơn so với ở mặt. U đạt kích thước lớn nhất vào khoảng tháng thứ 6 – 10 và bắt đầu quá trình thoái triển tự nhiên sau 1 năm. U có thể biến mất hoàn toàn hay một phần khi trẻ 5-8 tuổi. Phải làm gì khi con bị u máu? Mặc dù u máu không phải bệnh ác tính nhưng không điều trị đúng thì rối loạn do khối u gây ra có thể ảnh hưởng tới chức năng của các bộ phận cơ thể, khó hồi phục về sau này. Các bậc phụ huynh không nên chủ quan vì trong quá trình phát triển, u máu có thể gây các tổn thương như loét, hoại tử, bội nhiễm thứ phát… thậm chí suy tim, tắc mạch máu. Đặc biệt, các u nằm ở một số vùng như mi mắt, mũi, tai, miệng, hậu môn… có thể gây ra những rối loạn nặng nề về chức năng cho trẻ. Hơn nữa, do các biểu hiện lâm sàng của bệnh u máu trẻ em dễ nhầm các dạng bệnh lý mạch máu khác như dị dạng mạch máu. Chính vì vậy, việc thoi dõi, chẩn đoán chính xác bệnh sẽ giúp hạn chế di chứng cả về thẩm mỹ lẫn chức năng trong quá trình điều trị. Có nhiều phương pháp điều trị u máu ở trẻ em nhưng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên vội vàng điều trị ngay. Bởi việc điều trị u máu không đúng cách có thể gây nên những biến chứng nặng nề cho trẻ như gây rối loạn sự phát triển của các vùng mô phía dưới u, gây thiểu dưỡng da và tổ chức dưới da, thiểu dưỡng xương hàm, lép nửa mặt, thoái hóa khớp gối, ngắn chi, lệch vẹo cột sống… thậm chí gây vô sinh. Khi phát hiện phụ huynh nên đưa trẻ đi khám và theo dõi diễn tiến của u. Nếu qua 5- 6 tuổi, u không hết thì mới nên điều trị. Can thiệp phẫu thuật triệt để được chỉ định với những u ảnh hưởng tới chức năng hoặc gây biến dạng như u ở vùng niêm mạc, mắt, ống tai, đường thở hay u có nguy cơ lan tỏa xâm lấn. Tuyệt đối không nên tiêm xơ hoặc xạ trị cho trẻ. Phương pháp điều trị u máu ở trẻ Những u máu đòi hỏi phải được điều trị tích cực là những u máu làm ảnh hưởng lớn hoặc dị dạng cơ thể, phát triển nhanh, dễ gây biến chứng hoặc gây cản trở các chức năng nghe, nhìn, thở, ăn hoặc bất kỳ những chức năng nào khác của cơ thể trẻ. Ngoài ra, những u máu có kích thước lớn tự thoái triển sẽ để lại những vết lún ở da do gây mất thẩm mỹ cũng sẽ được phẫu thuật loại bỏ. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, tuy nhiên việc áp dụng phương pháp điều trị nào còn tùy thuộc vào từng thể bệnh, từng vị trí đòi hỏi bác sĩ có sự lựa chọn phương pháp điều trị sao cho đạt được các yêu cầu: Phương pháp tia laser Những u máu khi mới được phát hiện đều nằm nông ở bề mặt da và có thể được điều trị bằng laser ngay. Tia laser sẽ lựa chọn màu đỏ và làm co nhỏ các mạch máu do đó sẽ xóa dần khối u màu đỏ, và để lại di chứng là một vết sẹo ít gây chú ý nhất. Điều trị lặp đi lặp lại có thể loại bỏ gần như toàn bộ những thành phần ở lớp nông. Tuy nhiên, do tia laser chỉ có khả năng xuyên thấu khoảng 1-3mm nên nó không thể có tác dụng ở những thành phần nằm sâu hơn. Steroid tiêm và đường uống Nếu vùng tổn thương tương đối nhỏ và không nằm trên mặt có thể tiêm steroid vào vết thương có thể thực hiện kèm theo hoặc phương pháp phẫu thuật lạnh với nitrogen lỏng. Nếu u máu có cả lớp nông ở bề mặt, có thể dùng laser để làm giảm những thành phần nằm trên bề mặt cùng lúc với tiêm steroid. Những trường hợp u máu lớn hơn cần được điều trị bằng steroid qua đường uống. Liều steroid được cho tương đối lớn nhưng trẻ phải có khả năng dung nạp tốt. Nhiều trẻ được điều trị bằng steroid sẽ cần phải trải qua một vài thử nghiệm giảm liều từ từ. Công thức hiện thời là cho trẻ uống ở liều khởi đầu trong vòng 4-6 tuần và sau đó bắt đầu giảm liều dần. Nếu u máu phát triển trở lại, trẻ cần phải quay lại liều đầu trong bốn tuần nữa và sau đó giảm dần trở lại. Khi việc giảm liều không còn làm cho u máu phát triển trở lại nữa, trẻ có thể cai thuốc được một cách an toàn. Tiêm Alpha-interferon Được khuyến khích sử dụng trong những trường hợp u máu không đáp ứng với steroid. Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ u máu điều trị liệu pháp steroid chỉ đáp ứng khoảng 30%. Ngoài ra phương pháp này còn dùng để điều trị tổn thương khó điều trị hoặc đe dọa mạng sống. Tuy vậy, phương pháp này có khả năng gây biến chứng. Liệt cứng hai chi dưới (spastic dysplegia) có liên quan đến khoảng 10-12% trường hợp trẻ em sử dụng alpha-interferon nên cần phải thận trọng tối đa khi sử dụng. Liệt cứng hai chi dưới có thể làm trẻ chậm biết đi hoặc những gặp những bất thường khác về chức năng đi lại. Phẫu thuật Phẫu thuật không nên là lựa chọn điều trị đầu tiên. Tuy nhiên có một số trường hợp tổn thương phát triển rất nhanh, đe dọa mạng sống hoặc làm biến dạng hình thể ngoài của bệnh nhân và không đáp ứng với hầu hết các phương pháp điều trị tích cực nào. Trường hợp này buộc phải dùng đến phẫu thuật. U máu ở trẻ em là căn bệnh không gây nguy hiểm gì nhiều nhưng nếu biết cách ngăn chặn, chữa trị đúng cách thì bệnh sẽ nhanh khỏi, trả lại cho con yêu của mẹ một sức khỏe bình thường như trước đây. Chúc mẹ và bé luôn vui khỏe mỗi ngày.