Bố đóng vai trò rất quan trọng trong hành trình mẹ cho con bú. Tại sao lại thế? Kiến thức, sự nhiệt tình cũng như sự hỗ trợ của bố có thể giúp ích rất nhiều cho vợ trong khoảng thời gian này. Điều này cũng sẽ giúp người mẹ có thể duy trì thời gian cho con bú lâu hơn. Bố có thể làm gì trước tiên? Tìm hiểu về việc cho con bú Một trong những điều quan trọng nhất bố có thể làm là tìm hiểu về lợi ích của việc cho con bú và cách mẹ cho con bú như thế nào. Bằng cách này, bố sẽ có thể hỗ trợ mẹ bằng cách nhớ thông tin quan trọng cũng như xác định và xử lý các vấn đề mẹ gặp phải trong quá trình cho con bú. Những điều cơ bản bố cần biết về việc cho con bú: - Sữa mẹ là thức ăn dinh dưỡng tốt nhất cho bé, giúp bé dễ dàng tiêu hóa phù hợp với dạ dày còn non nớt của bé, cũng như giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên cho bé. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp em bé của bạn được bảo vệ chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, và giúp mẹ giảm nguy cơ mắc bệnh. Đây là lý do tại sao tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời. - Cho con bú không phải là một việc đơn giản và nhanh chóng. Đối với các mẹ mới sinh, mỗi lần cho bé bú có thể kéo dài từ 10 phút đến hơn một giờ. Hầu hết trẻ sơ sinh bú 8-12 lần một ngày. - Nuôi con bằng sữa mẹ yêu cầu mẹ và bé cần phải học, làm quen cũng như có một sự hợp tác nhất định. Trong đó tư thế bú đúng của bé cũng vô cùng quan trọng. - Vợ của bạn có thể phải đối mặt với một trong những vấn đề thường gặp trong việc cho con bú như: 1. Không đủ sữa cho con bú 2. Quá nhiều sữa 3. Con không chịu bú 4. Con cắn ti mẹ 5. Viêm tắc tia sữa Đôi khi mẹ sẽ bị đau ngực do tư thế của bé ngậm ti chưa đúng hoặc bé mắc phải dị tật dính thắng lưỡi. Bất kì những đau đớn nào khi người mẹ nuôi con bằng sữa của mình đều được giải quyết khi gặp các bác sĩ, chuyên gia. Do đó, bố hãy là hậu phương vững chắc, động viên mẹ tới gặp chuyên gia khi gặp các rắc rối trên nhé! Bố có thể làm gì cho mẹ trong quá trình cho con bú? Những người mẹ mới sinh con thường rất mệt mỏi vì đã phải trải qua một quá trình vượt cạn vất vả, mẹ chắc chắn sẽ cảm thấy khó chịu cả về thể chất và tinh thần. Lúc này bố hãy giúp mẹ bằng cách: 1. Chăm sóc mẹ bằng những hành động thiết thực: mang cho mẹ một cốc nước ấm, chuẩn bị gối cho mẹ nếu cô ấy nhức mỏi lưng, hoặc bố sẽ tập trung trông bé lớn để con không quấy rầy mẹ. 2. Giúp mẹ cho con bú đêm: Nếu mẹ phải thức đêm dậy cho con bú thì thỉnh thoảng bố cũng có thể giúp mẹ bằng cách bế em bé từ cũi tới giường cho mẹ khi em bé quấy khóc hoặc hỏi mẹ có cần gì không? Điều này không hoàn toàn phải thực hiện vào mỗi đêm nhưng bố biết đấy, nếu đêm nào mẹ cũng phải thức thì bố có thể thỉnh thoảng dậy hỗ trợ mẹ với nhé! 3. Thông cảm với mẹ: Hãy kiên nhẫn nếu mẹ của bé lạnh nhạt hay không thể hiện sự thân mật với bạn. Cô ấy có lẽ mệt mỏi và mất tập trung khi phải cho ăn, bế và chăm sóc em bé cả một ngày 4. Khuyến khích vợ uống nhiều nước và ăn uống đủ chất để có sữa cho con bú: Bố có biết sữa mẹ có 90% là nước, cơ thể của mẹ sẽ bị mất nước khi cho con bú vì vậy bố nhớ nhắc mẹ uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày nhé! 5. Giúp đỡ việc nhà: Khi vợ mới sinh xong, bố cố gắng một chút trong những việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa nhé! Thực sự thì các ông bố không thể nào cho con bú được, nhưng bố thấu hiểu những kiến thức cũng như những khó khăn mẹ phải đối mặt trong quá trình cho con bú sẽ giúp mẹ rất nhiều. Bố cũng có thể hỗ trợ mẹ bằng cách: - Kết nối với con: Bố có thể bế em bé, mát xa cho con, bố có thể dỗ bé khi bé khóc vì nhiều khi mùi sữa mẹ khiến bé cố gắng tìm kiếm bộ ngực thay bằng nguôi ngoai. - Vỗ ợ hơi cho bé, và thay tã cho con - Thỉnh thoảng cho bé bú bình: Có nhiều bé từ chối bú mẹ trực tiếp và thích bú bình hơn, cũng đôi khi mẹ cần đi làm trở lại hoặc cai sữa cho bé, lúc này bố đóng vai trò cực kì quan trọng vì nếu bé vẫn ngửi thấy mùi của mẹ và mùi sữa mẹ, bé sẽ càng nói “không” với việc ti bình. - Rửa bình sữa và tiệt trùng bình sữa: Thú thực với các bố là việc này cực kì quan trọng và cũng kì công, mẹ đã vất vả cho bé bú nhiều lần trong ngày cũng như bận rộn với việc đó thì bố hãy nhận trách nhiệm luôn giữ bình sữa và tiệt trùng sạch sẽ nhé! Cuối cùng hãy ghi nhận công sức của vợ Bất cứ người mẹ nào cũng muốn những điều tốt nhất cho con, nếu mẹ không có sữa, mẹ bị tắc tia sữa hoặc gặp khó khăn khi cho con bú, điều cần nhất là bố cần phải thấu hiểu, không trách cứ và động viên vợ. Đó chính là người mẹ của con bạn, người mang thai em bé trong suốt 9 tháng cũng như trải qua những nguy hiểm để sinh em bé cho bạn, những điều mà bạn không thể làm. “Anh luôn ở cạnh em”, “không sao cả, mình đã cố gắng hết sức rồi” chỉ đơn giản thế thôi, mẹ sẽ cảm thấy được động viên và có động lực để cố gắng hơn trong quá trình nuôi con, bố nhé!