Bắt cóc trẻ em luôn là mối lo lắng lớn nhất của tất cả những người làm cha mẹ có con nhỏ. Chỉ một phút sơ hở là con có thể sẽ rơi vào tay kẻ ác và cơ hội tìm lại sẽ vô cùng mong manh. Ngày hôm qua lại xảy ra một vụ bắt cóc với thủ đoạn trắng trợn tại Hà Nội, nhưng rất may là đứa bé đã kịp thời được giải thoát. Tuy nhiên để đảm bảo sự an toàn cho con em mình, các bố mẹ hãy thực hiện ngay các biện pháp phòng vệ để ngăn ngừa con bị bắt cóc và xâm hại nhé! Trưa ngày 17/3/2019 xuất hiện một vụ tình nghi bắt cóc trẻ con tại ngõ 38 Xuân La, Tây Hồ - Đại Học Nội Vụ, Hà Nội. Theo đó, thông tin chia sẻ “Vào tận nhà để bế em bé đi, may nhà có camera nên đã tìm được... có hai đối tượng, một đối tượng đã chạy thoát còn một người bị bắt lại...” Theo thông tin trong đoạn clip, nạn nhân là bé gái 2-3 tuổi. Theo phóng sự báo Tiền Phong “Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dân trình báo vụ việc tới công an phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) ở gần đó. Một cán bộ Công an phường Xuân La cho biết, người dân nói rằng cháu bé đang được người giúp việc cho ăn thì có đối tượng xông vào nhà bế đi. Người giúp việc đã hô hoán nên người dân gần đó đã nhanh chóng đuổi theo và giữ lại.” Kẻ bắt cóc trong vụ này tuy không thực hiện kế hoạch bắt cóc tinh vi nên may mắn cứu thoát được cho bé. Nhưng đối với những kẻ gian manh thủ đoạn hơn thì các bố mẹ nên đặc biệt lưu ý những điểm sau: Truyền đạt những thông tin về cách tự phòng vệ cho con Bạn có thể dự tính trước trong trường hợp xấu nhất là con bị kẻ xấu để ý đến thì sẽ như thế nào? Khi bạn trò chuyện với con, ngoài việc dặn con không nên tiếp xúc nói chuyện với người lạ, hãy khiến con cùng tưởng tượng về tình huống đó. Sau đó bạn hướng con đến các cách đối phó, chủ yếu gồm 3 phương pháp sau: 1. Rũ bỏ mọi vật nặng trên cơ thể và nhanh chóng bỏ chạy Bạn khuyên con khi gặp phải kẻ xấu, nếu trên lưng đang vác ba lô, cặp sách nặng thì nên vất bỏ ngay (tốt nhất là ném vào người kẻ xấu). Sau đó con nên chạy nhanh về phía đám đông và cầu xin sự giúp đỡ từ người lớn. 2. Bấm chuông báo động Nếu xung quanh khu vực trẻ thường hoạt động có lắp đặt chuông báo động, hãy giúp trẻ nhận diện và dạy trẻ tình huống nào nên bấm chuông. Tuy nhiên trong trường hợp không có, bạn nên mua sẵn những thiết bị báo động cho bé mang theo bên người, hoặc có thể dùng thêm thiết bị định vị cho bé. 3. Hét to lên để được giúp đỡ “Cứu con với!” Hãy dạy con hét to câu này trong trường hợp gặp nguy hiểm để thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con? Bạn có thể điều chỉnh cách tự vệ cho con tùy vào từng tình huống. Dạy trẻ cách tự bảo vệ mình tất nhiên là một điều rất quan trọng, nhưng ngoài việc hy vọng con cái có thể tự vệ được, có rất nhiều việc mà cha mẹ phải tự làm: Lưu tâm đến tình hình xung quanh khu vực con hay đến Khi phát hiện có các nhân vật khả nghi nào xuất hiện tại khu bạn đang sống hoặc nơi con đi học, bạn phải báo ngay cho cơ quan chức năng và cả thầy cô tại trường của bé để kịp thời phát giác những hành động của kẻ xấu. Để cho hàng xóm xung quanh đều biết rõ mặt bé Thường xuyên chào hỏi mọi người xung quanh và các hàng xóm lân cận khi đi cùng bé. Điều này giúp mọi người dễ dàng nhận diện và biết được bé thường hay đi với những ai, trong trường hợp bé đi cùng người lạ sẽ dễ phát giác hơn. Ngoài việc giúp mọi người quen biết trẻ bằng cách chào hỏi, cũng có thể cùng bé tham gia các sự kiện hoặc các hoạt động tình nguyện trong khu vực bạn sinh sống. Nắm rõ những người và địa điểm có thể cầu cứu Trên đường đến trường hoặc các khu vực xung quanh nơi bé sinh hoạt, bạn nên tìm hiểu rõ gần đó có những trụ sở công cộng nào. Chẳng hạn như đồn cảnh sát, trạm xăng, cửa hàng tiện lợi, quán cơm. Dặn con khi gặp nguy hiểm có thể chạy ngay đến một trong những nơi này để cầu cứu. Bạn cũng nên giúp bé làm quen với những người ở đó, như vậy trong trường hợp kẻ xấu giả vờ là phụ huynh của trẻ thì họ có thể liên lạc ngay với bạn để xác minh kịp thời. Để cho trẻ nhỏ có ý thức "rời khỏi cha hoặc mẹ sẽ có thể gặp nguy hiểm" bạn có thể giữ thói quen nhắc nhở về điều này trước khi dắt trẻ ra ngoài. Trong trường hợp vụ bắt cóc trên, bố mẹ nên rút kinh nghiệm chú ý cửa nẻo, không trông trẻ khi ngồi trước cửa, hoặc không khóa cửa. không nên chủ quan cho dù có người trông nom trẻ trong nhà! Để an toàn hơn, bố mẹ cũng hạn chế dắt trẻ đến những nơi ít người qua lại, vì khi kẻ xấu đã ra tay thì cho dù bạn ở bên cạnh con cũng chưa chắc đủ sức chống cự.