Bé sơ sinh chưa thể nói để cho bạn biết bé đang cần gì hoặc bé cảm thấy như thế nào, và cách bày tỏ cảm xúc duy nhất của bé là khóc ré lên khi gặp vấn đề. Vì vậy làm thế nào bạn có thể biết chính xác những gì bé yêu đang cố nói với bạn? Có lẽ khá khó để lý giải cho từng tiếng khóc của con, đặc biệt là giai đoạn đầu đời. Dưới đây là những lý do phổ biến nhất khiến trẻ khóc: 1. Con đói mẹ ơi! Đây có lẽ là điều đầu tiên bạn nghĩ đến khi bé khóc. Học cách nhận biết các dấu hiệu con đói sẽ giúp bạn có thể cho bé ăn trước khi bé khóc vì đói. Một số dấu hiệu đói cần theo dõi ở trẻ sơ sinh bao gồm quấy khóc, đập môi, phản xạ tìm bắt vú Rooting Reflex (Khi má được vuốt, trẻ sơ sinh sẽ quay đầu về hướng gần khóe miệng được vuốt) và đưa tay lên miệng. 2. Bụng con đau quá! Những khó chịu về đau bụng, trướng bụng, đầy hơi có thể dẫn khiến bé khóc rất nhiều. Tình trạng đầy hơi thường khiến bé khóc không nguôi trong ít nhất ba giờ mỗi ngày, ít nhất ba ngày một tuần, ít nhất ba tuần liên tiếp. Nếu em bé của bạn thường quấy khóc và khóc ngay sau khi được cho ăn, bé có thể đang bị đau bụng. Lúc này bố mẹ có thể thực hiện các phương pháp mát xa cho bé giúp bé hết đầy hơi chướng bụng và tiêu hóa tốt. Ngay cả khi em bé của bạn không bị đau bụng và không bao giờ quấy khóc sau khi ăn, cơn đầy hơi bất chợt ập đến cũng khiến bé khó chịu vô cùng. Nếu bạn nghi ngờ bé đang gặp tình trạng này, hãy thử đặt bé nằm ngửa, nắm lấy chân bé và di chuyển chân bé bằng một động tác đạp xe nhẹ nhàng. 3. Con muốn ợ! Không bắt buộc phải khiến cho bé ợ hơi. Nhưng nếu em bé của bạn khóc sau khi bú, một cái ợ giải phóng hơi có thể rất tốt cho bé. Trẻ nuốt không khí khi bú hoặc bú từ bình và điều này có thể gây khó chịu nếu không khí không thoát ra. Một số em bé bị khó chịu dữ dội vì tích không khí trong bụng, trong khi những đứa trẻ khác dường như không ợ hoặc cần phải ợ nhiều. 4. Tã bẩn rồi mẹ ơi! Một số em bé sẽ cho bố mẹ biết ngay khi con cần được thay bỉm ngay. Những cũng có bé có thể chịu đựng bỉm bẩn trong một khoảng thời gian khá lâu. Tuy nhiên, nguyên nhân này rất dễ kiểm tra và khắc phục một cách đơn giản, nhanh chóng. Giải quyết xong là bé sẽ ngưng khóc ngay thôi! 5. Con buồn ngủ quá rồi! Nhiều bố mẹ sẽ cho rằng khi con thấy buồn ngủ thì tự động sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn mọi lúc mọi nơi thôi. Nhưng thực tế là bố mẹ sẽ khó nhận ra con đang buồn ngủ, bởi thay vì bé ngủ gục thì bé sẽ quấy khóc vì đã quá mỏi mệt. 6. Con muốn được ôm! Em bé cần rất nhiều sự âu yếm vuốt ve. Bé thích được nhìn thấy mặt của bố mẹ, nghe giọng nói và lắng nghe nhịp tim của họ, và thậm chí có thể nhận ra ra mùi cơ thể riêng biệt của bố mẹ mình. Khóc có thể là cách bé yêu cầu được gần gũi với bố mẹ. 7. Con thấy quá lạnh hoặc quá nóng! Nếu em bé của bạn cảm thấy lạnh, như khi bạn cởi bỏ quần áo bé để thay tã hoặc lau người bé bằng khăn lạnh, bé có thể phản kháng bằng cách khóc. Trẻ sơ sinh thích được quấn khăn và giữ ấm - nhưng không “quá ấm”. Theo nguyên tắc, bé cảm thấy thoải mái khi mặc nhiều hơn một lớp so với người lớn. Các em bé thường ít phàn nàn về việc quá nóng hơn là quá lạnh và bé sẽ không khóc nhiều vì quá nóng. 8. Cảm giác khó được nhận ra bằng mắt thường Em bé có thể bị làm đau bởi những thứ khó phát hiện như một sợi tóc quấn chặt quanh ngón chân hoặc ngón tay khiến máu không được lưu thông. Một số bé rất nhạy cảm với những thứ như vải áo quần hoặc nhãn dán trên đó. Và bé có thể rất “khó tính” với những thứ nhỏ nhặt như tư thế bú không thoải mái, cách cầm bình bú, cách bế bé, ... khiến bé không thoải mái. 9. Đau mọc răng Mọc răng có thể gây đau đớn khi mỗi chiếc răng mới nhú ra từ nướu non. Một số bé phải chịu đựng nỗi đau nhiều hơn những bé khác, hầu hết bé sẽ quấy khóc khi mọc răng. Nếu em bé của bạn dường như bị đau khi mọc răng và bạn không chắc chắn về điều này, hãy thử sờ lên nướu của bé bằng ngón tay của bạn. Bạn thấy có gì đó cứng cứng như một chiếc răng sữa mới nhú. (Trung bình, chiếc răng đầu tiên sẽ nhú trong khoảng từ 4 đến 7 tháng đầu, nhưng cũng có thể xảy ra sớm hơn). 10. Hãy giảm bớt các thứ gây kích thích quanh con! Các bé học hỏi từ sự kích thích của thế giới xung quanh, nhưng đôi khi bé gặp khó khăn trong việc xử lý tất cả như ánh sáng, tiếng ồn, được truyền từ tay này sang tay người kia. Khóc có thể là cách bé muốn nói: "Quá đủ rồi bố mẹ nhé!" Nhiều bé sơ sinh thích được quấn tã. Đó dường như là cách khiến cho bé cảm thấy an toàn hơn khi mọi thứ xung quanh trở nên áp đảo đối với bé. Nếu bé đã quá lớn để quấn tã hoặc bé không thích, hãy thử cho bé đến một nơi yên tĩnh và để bé “thở” một lúc vì quá “ngộp”. 11. Ham muốn được kích thích nhiều hơn Một em bé thích "đòi hỏi" có thể là kiểu hướng ngoại và háo hức muốn nhìn ra ngoài thế giới quanh mình. Và thường thì cách duy nhất để ngăn chặn tiếng khóc và quấy khóc là duy trì hoạt động cho bé. Điều này có lẽ sẽ khiến bạn khá mệt mỏi đấy! Hãy thử cho bé hướng mặt ra ngoài khi ngồi địu để bé có thể nhìn thấy tất cả các hoạt động xung quanh mình. Hãy cho bé tham gia nhiều hoạt động phong phú, cùng tương tác với các cha mẹ khác cũng đang có em bé. Thường xuyên đến những khu vui chơi trẻ em, chẳng hạn như công viên gần nhà, nhà banh hoặc sở thú. 12. Con cảm thấy không khỏe! Nếu bạn đã đáp ứng nhu cầu cơ bản của bé và an ủi bé mà bé vẫn khóc, bé có thể đang gặp phải một vấn đề đó về sức khỏe. Có lẽ bạn nên kiểm tra thân nhiệt của bé để xác định khả năng bé đang sốt và cảnh giác với các dấu hiệu bệnh khác. Tiếng khóc của một đứa bé bị bệnh thường khác với tiếng khóc do đói hoặc buồn ngủ. Nếu bạn cảm thấy có gì đó bất ổn tron tiếng khóc của con, hãy tin vào bản năng của bạn và gọi hoặc đưa con gặp bác sĩ. Phải làm gì nếu bé vẫn khóc? Đầy bụng? Tã bẩn? Không sốt? Đã kiểm tra hết một lượt, vậy tại sao bé vẫn khóc? Em bé cũng có lúc không vui và có lý do khóc chính đáng của riêng mình. Nhưng bé không có từ nào để nói với chúng ta điều gì sai và ngay cả những bậc cha mẹ khôn ngoan nhất cũng không thể đọc được suy nghĩ của con mình. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể an ủi bé, ngay cả khi bạn không biết tại sao bé lại không vui. Việc giải mã tiếng khóc của con yêu trong khoảng thời gian đầu có vẻ khá khó khăn với bố mẹ, nhất là những người mới sinh con đầu lòng. Nhưng khi đã quen rồi thì bố mẹ sẽ trở thành những chuyên gia phiên dịch tiếng khóc của con "cực chuẩn" nha! Bố mẹ có thể tìm hiểu thêm về hậu quả của việc để em bé khóc quá lâu để chăm sóc bé tốt hơn nhé! Bài liên quan: Cẩm nang wonder weeks - Ơn giời, "bản tin dự báo thời tiết" về các đợt khó ở quấy khóc của con đây rồi! Series cẩm nang nuôi con theo từng độ tuổi - Phần 1: Khái quát về các giai đoạn cho con bú và ăn dặm Series cẩm nang nuôi con theo từng độ tuổi - Phần 2: Giấc ngủ của bé từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi