Không ít bà mẹ cảm thấy khó hiểu rằng tại sao "cục cưng" của mình càng lớn lại càng sinh nhiều tật xấu. Thật ra, có nhiều hành vi ở bé chỉ là do bạn hiểu chưa đúng mà thôi, đó thậm chí không hề xấu mà còn là biểu hiện bé đang dần phát triển thông minh hơn đấy. Mút tay Hành động ngậm và mút tay ở các bé luôn là điều khiến mẹ cảm thấy lo lắng. Một mặt bạn sẽ cảm thấy điều đó không hợp vệ sinh, có thể gây bệnh cho bé. Mặt khác bạn còn lo rằng đó là biểu hiện cho thấy bé đang khó chịu hay bất an.Kỳ thực, các bé ở khoảng 10 tháng tuổi nếu xuất hiện những hành động như ngậm cả bàn tay, bú mút các ngón tay thì mẹ cũng không cần quá lo lắng. Trong số các giác quan của bé thì miệng và lưỡi là hai bộ phận phát triển sớm nhất. Dùng chiếc miệng nhỏ xinh để cảm nhận đồ vật xung quanh chính là một giai đoạn quan trọng trong quá trình sinh trưởng, phát triển của bé. Đương nhiên, lúc ban đầu khi mà bé chưa đủ năng lực cầm nắm những đồ vật bên ngoài để "nếm thử" thì những ngón tay của chính mình là lựa chọn dễ dàng nhất cho bé! Khi bé tự đưa tay vào miệng, đó chính là cả một sự phối hợp điều chỉnh của hệ thống cảm giác và hệ thống vận động. Đây là một bước tiến rất lớn của bé. Ngoài ra, hành động ngậm mút tay cũng là một loại biểu hiện rằng bé đang tự "vỗ về" tâm trạng của chính mình, điều này có lợi cho sự phát triển khả năng tự nhận thức của bé. Phản ứng với người lạ Thông thường mà nói, bé từ 6 tháng tuổi trở lên sẽ bắt đầu có khả năng phân biệt quen lạ. Điều này cho thấy bé đã dần dần phát triển bản năng tự vệ, đây cũng là một giai đoạn quan trọng mà bé cần trải qua để hoàn thiện.Có thể bé sẽ có biểu hiện khá kích động đối với người lạ nhưng mẹ không cần quá để tâm hay lo lắng, giai đoạn này thường sau 2 - 3 tháng sẽ dần biến mất. Bạn cũng không cần lo lắng con mình lớn lên sẽ nhút nhát, cô độc và thiếu năng lực xã hội. Suy nghĩ này không đáng bận tâm. Điều bố mẹ cần làm là thấu hiểu cá tính lẫn cảm nhận của bé. Hãy cho bé thời gian và không gian để bé từ từ quan sát những người lạ, sau đó bạn có thể an ủi, khích lệ bé thả lỏng hơn và tập giao tiếp với người xung quanh. Phá phách Không khó để bạn phát hiện rằng các bé sau giai đoạn 1 tuổi sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hành động mà bạn cảm thấy đó là "phá phách". Chẳng hạn như xé giấy, ném đồ vật, vẽ nguệch ngoạc ở khắp nơi… Và thường thì các bà mẹ lại tỏ ra bực mình và có những biện pháp mang tính "đối kháng" lại bé.Thật ra, những bé ở tuổi này luôn tràn đầy lòng hiếu kỳ đối với bất cứ thứ gì xung quanh mình. Thêm vào đó, khả năng tập bò, tập đi cũng ngày càng hoàn thiện hơn nên càng kích thích bé tiếp cận những thứ mà mình thấy thích thú. Bạn không nên có biểu hiện tiêu cực trước thay đổi của bé. Chính lòng hiếu kỳ là động lực sơ khai giúp não bộ của bé phát triển nhanh hơn. Những tương tác với bên ngoài giúp bé tìm tòi, khám phá mọi thứ, là hành động vô cùng quan trọng cho sự phát triển trí não. Nói chuyện một mình Khi chơi, các bé sẽ thường có biểu hiện nói chuyện một mình, giống như đang nói cùng rất nhiều bạn nhỏ bên cạnh vậy. Ngoài ra, bé còn có hành động "đóng vai", chẳng hạn như tưởng tượng mình là một bà mẹ và chăm sóc cho búp bê đang bệnh. Điều này không cần quá lo lắng vì đó là biểu hiện của sự phát triển trí tưởng tượng ở bé. Trong quá trình chơi đùa, bé thông qua cách tự nói chuyện để bày tỏ bản thân muốn làm gì và nên làm thế nào. Bé có thể tự "biên soạn" cả một quá trình chơi, tự khắc phục những trở ngại và học cách kiểm soát tâm trạng của mình. Bạn có thể cùng chơi với bé nhiều hơn và đừng tỏ ra quá khích nếu bé vẫn thích nói chuyện một mình. Hãy yên lặng quan sát, chắc chắn bạn sẽ phát hiện trò chơi của bé đầy thú vị đấy. Nói dối Khi bé khoảng 3 tuổi trở lên, bé đã bắt đầu có năng lực tư duy và tự nhận thức. Bé cũng biết rõ những điều mình có thể làm và không thể làm. Tuy nhiên, để đạt được mục đích nào đó, có thể bé sẽ chủ động né tránh các nhân tố bất lợi cho mình, từ đó xuất hiện hành vi nói dối. Nhưng bạn khoan vội quở trách hay đánh đòn bé nhé, đây cũng là một bước tiến cho khả năng tư duy của bé mà thôi.Khi phát hiện bé nói dối, bạn đừng tùy ý gán ghép cho bé cái biệt danh "đứa trẻ hư". Hãy bình tĩnh và cởi mở trò chuyện với bé, tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé phải nói dối và dùng cách hài hòa để giúp bé hiểu đúng sai. Đây là cách bạn uốn nắn bé mà vẫn bảo vệ được lòng tự tôn lẫn trí sáng tạo của bé.