Một em bé chào đời luôn là niềm vui của cả gia đình. Họ hàng, bạn bè, rất nhiều người muốn đến thăm và chia vui cùng sản phụ. Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh những điều sau khi đến thăm bà đẻ nhé! 1. Không đến khi mình đang ốm Trẻ sơ sinh có sức đề kháng còn non nớt rất dễ bị nhiễm bệnh từ các tác nhân bên ngoài. Bên cạnh đó, sau khi sinh nở, bản thân người mẹ cũng yếu hơn bình thường rất nhiều. Chính vì thế, khi đang có vấn đề về sức khỏe dù nặng hay nhẹ như cảm cúm, viêm họng hay bị bệnh ngoài da … bạn đều nên tránh đến thăm em bé nhé. 2. Không tự ý bế ẵm, ôm hôn bé Nếu như bạn nghĩ đến thăm bà đẻ, bạn bế ẵm hay ôm hôn bé là thể hiện sự yêu quí của mình dành cho cả mẹ và bé thì có lẽ bạn cần xem xét lại. Không phải bà mẹ nào cũng thấy thoải mái khi người khác bế ẵm con mình đâu. Chưa kể việc cùng lúc có nhiều người đến thăm bé, ai cũng bế bé một chút, bé qua tay vài người bế chỉ trong thời gian ngắn. Việc này làm bé cảm thấy rất mệt mỏi đấy nhé! Ôm hôn bé còn có thể coi là “điều cấm kị” khi đi thăm bà đẻ vì dù bạn có tiệt trùng tay sạch đến thế nào chăng nữa thì cũng không thể chắc chắn quần áo hay hơi thở của mình có thể truyền mầm bệnh cho em bé. Vậy nên, hãy hỏi ý kiến mẹ bé trước khi bạn định bế bé lên nhé! 3. Đừng đánh thức bé dậy Với trẻ sơ sinh, thời gian dành cho việc ngủ có thể lên tới 18 tiếng một ngày. Thế nên chẳng có gì là lạ nếu bạn đến chơi cả buổi mà bé vẫn đang ngủ. Hãy nói chuyện nhẹ nhàng vừa phải hoặc sang phòng khác nói chuyện khi bé đang ngủ để tránh làm bé giật mình tỉnh dậy. Càng không nên cố gắng đánh thức bé dậy để xem bé trông như thế nào khi thức. Bạn sẽ không bao giờ biết việc dỗ dành một em bé đang ngủ bị tỉnh giấc dở dang khó khăn như thế nào nếu không phải là mẹ bé! 4. Đừng nán lại quá lâu khi thăm bà đẻ Sản phụ mới sinh cần khá nhiều thời gian để nghỉ ngơi sau một cuộc “vượt cạn” vất vả. Chưa kể, việc làm quen với một nếp sinh hoạt mới khi có em bé sẽ bị đảo lộn rất nhiều, mẹ sữa “newbie” có thể sẽ rất buồn ngủ và lúc này ở lại quá lâu khi đến thăm lại có thể làm cho bà đẻ cảm thấy hơi phiền phức và thiếu thời gian nghỉ ngơi. Thời gian lý tưởng cho một cuộc “viếng thăm” như thế này là không quá 2 tiếng nếu như sản phụ đã về nhà. 5. Không phán xét, không đưa ra lời khuyên nếu không được hỏi “Ngực mẹ như thế này chắc chẳng có sữa mấy đâu nhỉ?” “Ăn có tí tẹo như thế này lấy đâu sữa cho con bú” “Ôi, ngày xưa chị nuôi con chị như thế này nhàn không, mấy đứa giờ cứ sách vở vớ vẩn?” … Tất cả những câu nói khi đến thăm sản phụ mà đôi khi bạn nghĩ vô thưởng vô phạt lại ảnh hưởng đến tâm lý của sản phụ rất nhiều. Việc nuôi con ra sao, chăm con như thế nào, mẹ nào cũng đã có sự tìm hiểu trước khi sinh con. Quan điểm nuôi con của bạn nếu có khác so với bà mẹ mới sinh thì cũng đừng đánh giá hay phán xét bởi đó là sự lựa chọn của họ và việc bạn thao thao bất tuyệt về những gì bạn nghĩ là đúng có thể làm cho bà đẻ cảm thấy khó chịu, thậm chí là căng thẳng. 6. Đừng chụp ảnh, đăng tải ảnh bé lên mạng xã hội nếu không được phép Với rất nhiều gia đình, trước khi hết cữ, không nên khoe bé ra với người ngoài. Có thể em bé rất đáng yêu và bạn muốn lưu lại hình ảnh đó và khoe với mọi người nhưng đó lại là một hành động khiếm nhã nếu không được sự đồng ý của mẹ bé. Ngoài ra 6 điều cơ bản trên đây cần tránh để đảm bảo sức khỏe, tâm lý cho mẹ và bé thì mỗi vùng miền lại có những điều kiêng kị khác nhau liên quan đến tôn giáo hay phong tục. Bạn có thể hỏi ý kiến mẹ bé trước khi đến thăm. Và hãy luôn chú ý với các hành động liên quan đến bé, những lời nói ảnh hưởng đến mẹ bé. Hãy là một người khách tinh tế và văn minh khi đi thăm bà đẻ.