Cả nhà Dr MYMY, mấy ngày nay đang tranh luận nhau về việc cháu ở nhà 2,5 tuổi có nên đi học mẫu giáo chưa ? Và đây không phải chuyện riêng gia đình, mà là thắc mắc rất thường gặp ở hầu như gia đình có con em ở độ tuổi 12 tháng - 3 tuổi. Có nhiều lý do, trẻ có thể đến trường sớm. Không người trông giữ, cha mẹ có nhu cầu cho trẻ đi học sớm để tạo tính tự lập, rèn vào nề nếp, cách ly cái điện thoại, ipad, tivi ở nhà. Cha mẹ muốn con bớt rụt rè, tăng va chạm, tương tác, giao tiếp với các bạn, cô giáo... Mỗi người mỗi cảnh. Những gia đình chỉ có cha mẹ và con, không người chăm giữ, hầu như quyết định khá đơn giản theo nhu cầu công việc của cha mẹ, trẻ thường được đi rất sớm trước 12 tháng. Các bé được cha mẹ dẫn đi chơi, sinh hoạt nhiều với các trẻ khác. Đây là các bé có khả năng thích nghi nhanh. Nhưng bạn phải đối diện với rủi ro sức khoẻ của trẻ cũng nhiều hơn. Những mâu thuẫn gia đình, giận hờn, trách móc và căng thẳng hơn khi trẻ được đưa đến trường trước 3 tuổi ở gia đình có ông bà, người chăm sóc trẻ. Và các bé cũng bị ảnh hưởng theo vì những quyết định trái chiều, những mâu thuẫn căng thẳng đến đau đầu trong gia đình, khiến trẻ sợ hãi, đề phòng, thích nghi kém nhanh hơn. Ngoại trừ, vì những lý do đặc biệt như nhà neo người chăm sóc, không còn cách nào khác, không thể thu xếp được, đành cho bé đến trường sớm ở bất kỳ độ tuổi nào cha mẹ quyết định. THÌ CHÚNG TA NÊN LẮNG NGHE NHÂN VẬT TRUNG TÂM, CON ĐÃ SẴNG SÀNG ĐỂ ĐI HỌC CHƯA? (Ảnh minh họa) LƯU Ý: không nên dựa vào tuổi để quyết định mà nên dựa vào mức độ phát triển của bé. Một bé sẵn sàng đi học khi con tự lập về cơ thể và ngôn ngữ. Có mối quan hệ tốt đẹp, tin tưởng cha mẹ, sẵn sàng xa cha mẹ để hoà nhập vào môi trường mới. Bé hiểu được những điều người khác nói, có thể dùng ngôn ngữ đơn giản để diễn đạt nhu cầu cơ bản của mình ( tiểu, tiêu, ăn, uống...) Bé không quá sợ hãi người lạ, bé phát triển tính cộng đồng, hoà nhập tốt khi được cha mẹ giới thiệu, làm quen với nhóm mới. KẾ HOẠCH CHUẨN BỊ CHO BÉ ĐẾN TRƯỜNG. Tuỳ từng bé mà người chăm sóc trẻ nên chuẩn bị trước khoảng 3-6 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng trước. Không nên đáp ứng ngay mọi nhu cầu của bé, nên tập cho bé biết chờ đợi trong vài phút. Tập thói quên giờ giấc sinh hoạt nề nếp cho trẻ: ăn, tắm, vệ sinh, ngủ cho trẻ đúng giờ và không thay đổi nhiều so với giấc sinh hoạt của trường. Tập xa cách cha mẹ 1 vài giờ, nhờ người khác trông giữ hoặc tham gia lớp ngoại khoá ngắn 1-2 tiếng cùng cô giáo. Luôn giải thích và nói lý do cha mẹ vắng mặt, cũng như việc hẹn đón bé đúng giờ. Tuyệt đối không nói dối hay trốn trẻ đi. Tập cho bé tự ăn bằng muỗng khi trẻ được 15- 18 tháng. Tập cho bé biểu đạt ngôn ngữ đúng nhu cầu cơ bản của trẻ muốn: đi đái, đi cầu, đói, khát, ngủ... Tập cho bé làm quen dần với môi trường mới trước khi đi học 1 tháng: thường dẫn trẻ đến trường chơi và làm quen với mọi người. Trong vài tháng đầu cho trẻ học 1/2 buổi, cho đến khi trẻ sẵn sàng ở lại trường nguyên ngày. Bạn có thể hỏi cô gáo trẻ đã sẵn sàng ở lại nguyên ngày chưa. (Ảnh minh họa) NHỮNG DẤU HIỆU BÁO ĐỘNG TRẺ CHƯA SẴN SÀNG ĐI HỌC. Sau 1 tháng đi học, hoặc sớm hơn bé có biểu hiện rõ ràng, nghiêm trọng: Thoái lùi. Như trước đây bé biết chỉ vào quần cho biết muốn đi vệ sinh nhưng bây giờ bé lại tiêu tiểu trong quần. Bé trước khi đi học nói được nhiều từ, diễn đạt khá nhưng bây giờ chỉ biết kêu ba, má Bé tự thu mình, không muốn tiếp xúc với người khác, chỉ chơi 1 mình hoặc đeo bám ba , mẹ cả ngày. Bé có cảm giác bị bỏ rơi, vẻ mặt u buồn, sợ hãi cả ngày. Bé ngủ không tốt, la hét, quấy khóc, giật mình, ác mộng. Bé bệnh tái phát thường, chàm da, viêm họng, viêm hô hấp > 2 lần/ 1 tháng. Cô giáo lo ngại tình trạng sức khoẻ của bé. Bé khóc thét khi nhắc đến đi học, bé đeo bám cô và liên tục khóc cả ngày. Bé từ chối ăn uống, ngủ nghỉ tại trường. Tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, phụ huynh sẽ quyết định và sẽ lựa chọn những điều tốt nhất cho con. Đừng quá căng thẳng khi con đến trường, khả năng thích nghi của trẻ con tốt hơn người lớn chúng ta nhiều đó.