Khi con lớn hơn, lục lại những dòng tâm sự của bản thân ngày mới sinh, mình mới thấy hóa ra mẹ nào cũng có giai đoạn stress. May mắn cho mình là trong giai đoạn như sắp trầm cảm đến nơi ấy, mình có chồng bên cạnh hiểu và cảm thông. Ngày mình mới sinh Mika, mình ngủ với bà nội, chồng mình ngủ ngoài phòng khách. Mình đã cảm thấy buồn không chịu được, thậm chí còn hỏi mẹ chồng là cho con ngủ với chồng con được không? Nằm cạnh nhau cả năm, đến khi đẻ xong, yếu như thế, chỉ muốn chồng ở cạnh, có khi chẳng giúp được gì nhưng cảm thấy yên tâm và được an ủi vỗ về. Mình xin mẹ chồng cho chồng vào nằm với mình một hôm xong lại tự bảo chồng con khóc quá thì anh lại ra ngoài ngủ, mai còn đi làm. Và đây chính là mở bài của cái câu chuyện THƯƠNG CHỒNG. Một bà gái đẻ, con còn đỏ hỏn, người thì yếu rớt, thần kinh cũng yếu luôn thương một người đàn ông trụ cột gia đình, cầm cần câu cơm cả nhà trong những ngày vợ nghỉ đẻ. Lúc đấy, nghĩ sao mà thương chồng thế! Đi làm cả ngày, tối về nghe con khóc, sao chịu được. Nhưng đến đêm, con khóc, mẹ không hiểu con, mẹ mệt mỏi, sao thèm câu an ủi của chồng đến lạ. Thậm chí, nghe thấy tiếng chồng ngáy ngoài phòng khách thôi cũng thấy tủi thân. Cái lúc đấy lại nghĩ hình như con chỉ là của mình mình! Rồi mình cũng được các chị khuyên là nên để chồng ngủ cùng và để chồng cùng chăm con ban đêm. Thứ nhất, để bố cũng có trách nhiệm với con Thứ hai, bố đi làm 8 tiếng có thể mệt, nhưng mẹ nhỏ bé hơn bố, yếu hơn bố cả chục lần, ôm con từ sáng đến đêm. Giả sử bố có dậy đêm đỡ mẹ thay bỉm cho con thì cũng đôi lần 10 phút, rồi bố lại được ngủ. Mẹ đẻ xong yếu như thế, có những đêm không dỗ nổi con, cho con ngậm ti hàng tiếng đồng hồ. Đau rát lắm! Có những lần không đặt nổi con xuống giường, đành ôm con trên tay, cựa mình cũng không dám. Lưng muốn gẫy làm đôi, làm ba! Thứ ba, bố không phụ mẹ chăm con, khi mẹ ốm, không dậy nổi, ai trông con. Có quen làm bao giờ đâu Rồi nhiều lí do lắm! Mình quyết định lôi chồng vào nằm cùng dù hơi muộn, chắc cũng phải cỡ hơn một tháng. Chồng ngủ cùng giải quyết được vấn đề tâm lý. Đôi khi chỉ là ôm chồng sau khi đặt được con ngủ. Thế là đủ! Rồi dần dần, mình chia sẻ công việc chăm con với chồng. Gọi chồng dậy cùng thay bỉm cho con ban đêm. Nhờ chồng lấy nước cho mình uống lúc con tuti, nhờ chồng xếp lại cũi cho con ngủ. Không phủ nhận, vài ngày đầu, chồng trông giống gấu trúc hơn nhưng sau vợ gọi dậy trong đêm là biết phải làm gì. Đợt đó, Mika hay ị đêm, tràn hết quần áo, nếu một mình loay hoay lau rửa cho con giữa đêm chắc con ốm lâu rồi vì cũng mất thời gian, mà trời mùa đông thì lạnh lắm! Rồi nhà mình không còn cô giúp việc nữa, các bà không đỡ được nhiều, bố chơi với con nhiều hơn để mẹ còn kịp ăn tối rồi bố ăn, bố học giặt đồ cho con ... Gần đây, khi mình ốm, chồng mình lên level mới: cho con ngủ. Mình mệt đến mức cho con ti xong, gọi được chồng là nằm vật ra. Vậy là chồng học ru con ngủ, kể cả khi con ốm, không dễ ngủ như mọi khi. VÀ CÁI NÀY MÌNH GỌI LÀ THƯƠNG NHAU. Ngày yêu nhau dễ nói lắm, chót lưỡi đầu môi, đâu phải lúc nào cũng cạnh nhau đâu mà thực hiện. Lấy nhau rồi, có con rồi, yêu nhau có thể vơi đi chút ít nhưng thương nhau lại đầy dần lên. Trong chuyện nuôi con, cái thương của người chồng còn là sự ủng hộ vợ với cách nuôi của mình. Khoảng 6 tuần đầu, khi mình chưa thuyết phục đc mọi người xung quanh về việc con mình ko đói, con gắt ngủ, đừng bắt mình nhét cái bình sữa pha sẵn vào mồm con thì ít ra chồng mình vẫn nghe mình nói, vẫn ôm lấy vợ mỗi lần nức nở (dù không phải cùng phe với mình đâu nhưng ít ra k thêm dầu vào lửa). 9 tháng mang thai, người phụ nữ đã phải mệt mỏi vì nghén ngẩm, đau đớn vì các dây thần kinh bị chèn ép, bàng quang nhiều lúc như muốn vỡ ra, chân phù nề nặng nước. Đẻ con thì đau như hàng chục cái xương gãy cùng lúc. Sinh xong yếu đuối như thế lẽ nào chỉ vì chữ THƯƠNG CHỒNG mà bỏ qua việc vợ chồng THƯƠNG NHAU, san sẻ với nhau. Thế mới thấy, các mẹ đừng ngần ngại gì mà cứ chia sẻ với chồng đi. Ngày trẻ, còn cày phim đêm, chơi game đêm được thì giờ có con, đêm ngủ ít đi 1-2 tiếng đâu phải là quá sức của một người đàn ông sức dài, vai rộng! Hãy để con được chăm bằng bàn tay của cả bố lẫn mẹ, đừng để mình phải có suy nghĩ con là của riêng mình, các mẹ nhé!